30% là nội địa có được dán nhãn 'made in Vietnam'?

07/08/2019 - 15:30

PNO - Một sản phẩm thế nào được xem là sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam)?, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về tỷ lệ cấu thành một sản phẩm “made in Vietnam”.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Đại diện nhiều tổ chức, ngành hàng cho rằng, khó có một cách tính hợp lý để đạt được sự đồng thuận cao cho vấn đề này. 

Theo quy định trong dự thảo thông tư trên, hàng hóa được gọi là sản xuất tại Việt Nam khi có tỷ lệ nội địa hóa trên 30% và phải qua một số khâu gia công đơn giản như thay đổi bao bì, lắp ráp, bảo quản hàng hóa…

Đại diện Tập đoàn Dệt may Da giày Việt Nam, đối với những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, hệ số tiền lương rất lớn nên việc đạt tỷ lệ nội địa hóa 30% không khó; nếu chiếu theo công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng (VAC), có thể đạt trung bình 45-48%. Nhưng với những lĩnh vực dùng ít lao động trong khi chi phí nguyên vật liệu lớn, việc đạt tỷ lệ nội địa hóa theo công thức VAC hơi khó, cần tính toán lại. 

30% la noi dia co duoc  dan nhan 'made in Vietnam'?
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến xuất xứ hàng hóa khi chọn mua sản phẩm

Giám đốc một công ty chuyên sản xuất giày dép, túi xách cho biết, có rất nhiều công đoạn, chi tiết để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Ví dụ, một đôi giày mà đơn vị này đang sản xuất có mẫu mã, thiết kế, chất liệu lót mặt được sản xuất trong nước; còn lại khuy cài, đế giày phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất các phụ kiện này hoặc nếu có thì chi phí rất cao, trong khi doanh nghiệp (DN) phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm ngoại nhập. 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nếu chỉ quy định 30% giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa thì việc dán nhãn Việt Nam sẽ tràn lan. Tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), hàng hóa muốn dán nhãn “made in USA” phải được sản xuất tại Mỹ; tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm đều phải có nguồn gốc từ Mỹ; yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tiêu chuẩn “made in USA” cũng xét đến yếu tố chi phí nguyên liệu, lao động… Riêng trong trường hợp mua sắm của chính phủ, tiêu chuẩn “made in USA” sẽ được nới lỏng, chỉ cần 50% cấu kiện trở lên được làm tại Mỹ là đủ để đáp ứng yêu cầu. 

Tỷ lệ này tại Canada, Thụy Sĩ còn cao hơn: Canada quy định, để dán nhãn “product of Canada” (sản phẩm của Canada), phải có 98% tổng chi phí sản xuất trực tiếp hoặc sản xuất hàng hóa thực hiện ở Canada và để dán nhãn “made in Canada” (sản xuất tại Canada), tỷ lệ này phải đạt 51%. Ngoài ra, công đoạn gia công, chế biến cuối cùng của hàng hóa phải được thực hiện ở Canada. Thụy Sĩ quy định, công đoạn gia công quan trọng được thực hiện tại Thụy Sĩ phải đạt ít nhất 60% đối với các sản phẩm công nghiệp để đạt chuẩn “made in Switzerland” và yêu cầu tỷ lệ nguyên liệu thô cũng như quá trình sản xuất thiết yếu ở nội địa phải đạt 80% đối với các mặt hàng thực phẩm. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Hồng, nên quy định mức tỷ lệ nội địa hóa lên 35% chứ 30% là hơi thấp vì trong thương mại quốc tế, nhiều khi trong trị giá hàng, chi phí liên quan đến giao dịch, logistics, vận tải, bảo hiểm có thể chiếm đến 45% trị giá gia tăng. Một số ý kiến khác thì cho rằng, để một sản phẩm được gọi là hàng Việt Nam thì ít nhất ý tưởng, thiết kế, thương hiệu phải xuất phát từ Việt Nam. Như hàng Mỹ, Nhật, Hàn, dù sản xuất tại Việt Nam, thương hiệu sản phẩm vẫn thuộc về nước họ. 

Ông Phạm Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - đề xuất, quy định tỷ lệ nội địa hóa trên 30% cần phải chi tiết hơn vì không dễ xác định được hàm lượng này. Hàm lượng nguyên vật liệu hoặc giá trị gia công trong sản phẩm tại Việt Nam chưa tới 30%; các bộ phận khác nhập khẩu từ Nhật Bản 35%, Trung Quốc 40%, Việt Nam 25% thì phải ghi xuất xứ thế nào, của nước nào?

Tuy nhiên, bà Bùi Kim Thùy - chuyên gia về hội nhập quốc tế - cho rằng, 30% là tỷ lệ hợp lý và khá linh hoạt cho DN. Dự thảo thông tư cho phép DN lựa chọn hoặc sử dụng tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng (tỷ lệ nội địa hóa) 30%, hoặc sử dụng tỷ lệ chuyển đổi mã số HS (hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa). Công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng không mới, đã từng xuất hiện trong các nghị định, thông tư hướng dẫn về xuất xứ không ưu đãi của Việt Nam trước đây và nhiều DN xuất nhập khẩu đã quá quen với công thức này.

Tuy nhiên, một số chủ DN lo ngại, công thức tính chưa hoàn toàn ưu việt khi các thông số đầu vào có thể thay đổi. Cụ thể, cùng một mặt hàng, thời điểm này đáp ứng được quy định “sản xuất tại Việt Nam” nhưng tại thời điểm khác khi nguyên liệu đầu vào, giá trị nhân công thay đổi hoặc giá trị phân bổ thay đổi, lại cho ra kết quả lệch hoàn toàn so với ngưỡng cho phép. 

“Trong trường hợp tỷ lệ nội địa hóa không đạt 30% thì DN có thể chọn tỷ lệ chuyển đổi mã số HS. Chuyển đổi mã số hàng hóa có tính ưu việt vì nó ổn định, dễ dự đoán và thống nhất ở các quốc gia là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, Bộ Công thương cần lấy thêm nhiều ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN, nhà quản lý” - bà Bùi Kim Thùy khuyến nghị. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI