Vi phạm xây dựng, điểm đen về rác đều giảm
Tại hội nghị, một số đơn vị đã báo cáo các kết quả nổi bật trong bối cảnh dịch COVID-19. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã dành nhiều lời khen, đồng thời nhắc lại Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về lập lại trật tự xây dựng, Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì một thành phố giảm ngập nước, xanh, sạch, đẹp.
|
Các địa phương luôn đeo bám việc thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy |
Theo ông Nhân, Chỉ thị 23 đặt mục tiêu đến ngày 31/7/2020, toàn thành phố giảm 65% số vụ việc vi phạm xây dựng so với cùng kỳ năm trước, nhưng báo cáo cho thấy đã kéo giảm đạt gần 75%. Trong bảy tháng đầu năm 2019, quận 12 có diễn biến vi phạm xây dựng theo chiều hướng tăng với 185 công trình vi phạm. Thực hiện chỉ thị, từ 1/8 - 21/12/2019, toàn quận 12 chỉ còn 90 công trình vi phạm và từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ còn 41 công trình vi phạm.
Quận này còn cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng các chủ công trình chưa đóng phạt với số tiền hơn 5 tỷ đồng để nộp vào ngân sách. Biểu dương thành tựu của quận 12, ông Nguyễn Thiện Nhân đồng thời bày tỏ sự không vui khi vẫn còn 10 quận, huyện có kết quả không đạt so với chỉ tiêu đề ra, như quận 10, quận 3, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh…
Về Chỉ thị 19, ông Nhân hoan nghênh sự đeo bám của các địa phương, thể hiện ở kết quả vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Ở đợt thi đua thứ nhất, toàn thành phố khắc phục được 715/744 điểm đen về rác; sang đợt thi đua thứ hai, lại có điểm đen phát sinh, tiếp tục khắc phục và hiện tại chỉ còn 39 điểm.
Ông Nhân cho rằng, thực hiện Chỉ thị 19 là một trong những nội dung đặc biệt chào mừng đại hội Đảng các cấp. Do đó, ông mong rằng các địa phương tiếp tục nỗ lực, sao cho đến ngày 30/9, thành phố không còn điểm đen về rác. Ông mong muốn trong đợt thi đua thứ ba, phấn đấu đạt 90% phường, xã xanh - sạch - đẹp, người dân không xả rác, đồng thời 10 quận, huyện phải kéo giảm số vụ việc vi phạm về xây dựng đạt 75%.
Về dịch COVID-19, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong đợt dịch thứ hai, TPHCM có 10 người/10 triệu dân đang điều trị là không nhiều. Trong khi đó, Quảng Nam và Đà Nẵng có tỷ lệ 125 người/1 triệu dân bị nhiễm, cao gấp 12 lần mức công bố có dịch theo chuẩn của thế giới. TPHCM sẽ tiếp tục xem xét, hỗ trợ cho hai địa phương nói trên, đồng thời tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh song song với phát triển kinh tế.
Ông Nhân cho hay, trong bảy tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn thành phố có hơn 12.000 doanh nghiệp giải thể, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019; hơn 8.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Ông nói: “Nếu cần, Hội đồng nhân dân TPHCM sẽ có nghị quyết về hỗ trợ, để giữ cho các doanh nghiệp không phá sản”.
Ông đề nghị, trước ngày 25/8, phải có báo cáo cụ thể về gói hỗ trợ của UBND TPHCM cũng như của Chính phủ xem đã triển khai đến đâu, giúp doanh nghiệp thế nào và khảo sát xem họ còn cần gì để tiếp tục đứng vững.
Ông Nhân dự đoán, dù thế giới đã có vắc-xin, nhưng để sử dụng được đại trà, cần một lộ trình, ít nhất đến cuối năm 2021. Ông nói: “Doanh nghiệp không bán được hàng thì không nuôi được công nhân, tiền dự trữ của họ rồi cũng hết. Thế giới đã triển khai gói hỗ trợ thứ hai, thứ ba và chúng ta chỉ mới triển khai gói hỗ trợ thứ nhất nên cần thiết sẽ có gói hỗ trợ tiếp theo”.
30 đơn vị chưa phát động thi đua
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin, chào mừng đại hội Đảng các cấp, TPHCM đặt ra ba đề án đột phá, một chương trình trọng điểm gồm 52 chương trình cụ thể. Hiện, UBND TPHCM đã hoàn thành hơn 35 chương trình.
|
Đề án thành lập thành phố phía Đông là chương trình trọng điểm của TPHCM |
Ngày 23/8, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM sẽ đăng ký với Ban cán sự Đảng Chính phủ văn kiện nội dung, trong đó có trình ba đề án và một chương trình trọng điểm này, gồm: thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách; hình thành Trung tâm Tài chính TPHCM; đề án chính quyền đô thị; đề án thành lập thành phố phía đông, tạm gọi là TP. Thủ Đức để thực hiện khu đô thị sáng tạo tương tác cao.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TPHCM - nhận định, trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu, TPHCM đã đạt được những kết quả tích cực. Ông gửi lời cảm ơn đến sự đồng lòng của người dân, ngành y trong cuộc chiến cam go này và không quên nhắc đến những tổn thất với số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động quá lớn, dẫn đến hàng chục ngàn lao động bị mất việc, tăng trưởng kinh tế chậm, nhiều chỉ số sụt giảm.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, để đẩy mạnh mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh. Ông đánh giá cao 10 nội dung trong đợt thi đua thứ hai được các đơn vị thực hiện tốt trong tình hình khó khăn nêu trên.
Tuy nhiên, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TPHCM, ông Phong bày tỏ bức xúc khi phong trào thi đua đã đi hơn 2/3 chặng đường mà vẫn còn đến 30 đơn vị chưa phát động thi đua. Đến nay, vẫn chưa có tiêu chí thi đua cụ thể đối với từng nội dung thi đua để xem xét, đánh giá. Ông yêu cầu phải có báo cáo cụ thể của từng đơn vị về nguyên nhân không hưởng ứng phong trào thi đua này.
Ông Phong cho hay, hiện còn 36 công trình, dự án của các cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành đúng thời gian đăng ký thi đua. Ông yêu cầu trong đợt thi đua thứ ba, các đơn vị phải khắc phục các hạn chế nói trên.
Tuyết Dân