30 chưa phát, 40 không giàu

19/12/2024 - 06:21

PNO - Tôi nhớ mãi lời bố nói với mình như vậy. Bố muốn nhắc nhở con cháu khi ở tuổi trẻ phải nỗ lực phấn đấu để có thành quả sau này.

Ngoài việc kiếm tiền, ta phải biết cách chi tiêu hợp lý (ảnh minh họa)
Ngoài việc kiếm tiền, ta phải biết cách chi tiêu hợp lý (ảnh minh họa)

Nhưng nếu đã phấn đấu hết sức mình, mà tương lai, sự nghiệp vẫn chẳng tới đâu thì sao? Tôi còn nhớ suốt những năm tháng tuổi thơ của mình chứng kiến chị gái bôn ba. Sinh ra nơi vùng nông thôn ruộng vườn bát ngát, chung quanh ai cũng chỉ quen với việc đồng áng thì chị lại thích buôn bán. Mới ngoài 20 tuổi, chị đã buôn bán đủ thứ. Chị đón xe lam ra thị trấn lấy hàng, rồi chèo thuyền đi bán dạo, từ vật dụng gia đình, cho đến những món hàng nhỏ lẻ như chiếc lược, gương, cột tóc…

Đến khi lấy chồng, vợ chồng chị tiếp tục bôn ba tứ xứ để buôn bán. Nghe tin ở đâu có hội chợ, thể nào vợ chồng chị cũng chuẩn bị món gì đó phù hợp để bán.

Ở tuổi ngoài 30, vợ chồng chị chịu dừng lại một chỗ, mở quán phở ở Đồng Nai. Khi ấy, đứa con lớn của chị đến tuổi đi học, lẫm chẫm men theo lề phải mà đi, chẳng ai chăm nom.

Chăm chỉ làm ăn vậy, nhưng chị vẫn chỉ đủ tiền nuôi 3 đứa con. Khi tôi đến tuổi đi làm, cũng vào thời điểm bố tôi gọi chị về gần nhà để có người thân, trong khoảng thời gian thay đổi ấy, chị vẫn không ở yên một chỗ, một phần vì gánh nặng nuôi con, phần khác vì “số khổ” - như lời người nhà tôi hay nói, nên chị vẫn luộc khoai, sắn, đội thúng đi bán dạo.

Hình ảnh lam lũ, tất bật của chị khiến tôi phải cân nhắc lại lời bố dạy mình, rằng muốn sau này có đời sống an nhàn thì phải nỗ lực ngay khi còn trẻ.

Vợ chồng anh chị tôi đã rất nỗ lực, vậy mà đến tuổi trung niên, gom góp mãi mới mua được căn nhà để ở, còn phải mượn thêm người thân, mãi sau này trả mới hết.

May sao, 3 đứa cháu tôi đến tuổi trưởng thành đều chăm chỉ và có hiếu. Có lẽ, chúng chứng kiến chặng đường vất vả nuôi con của cha mẹ. Giờ đứa lớn đi làm việc bên Nhật, lấy chồng và ở hẳn bên ấy, cuộc sống nơi xứ người chẳng mấy dễ dàng, nhưng cháu chịu khó làm việc và lo cho mẹ đủ đầy nơi quê nhà.

Các nhà phân tích tài chính nói rằng, đời người cần phải nỗ lực ít nhất là 15 năm. Ở tuổi ngoài 20 cho đến trước 40. Ở khoảng thời gian đó, nếu như bản thân lơ đễnh, sa đà vào lối sống hưởng thụ thì sau này sẽ lãnh hậu quả đó là đời sống thiếu thốn vật chất.

Ngoài ra, cần biết quản lý chi tiêu. Không hẳn cứ có mức lương cao mà tài khoản rủng rỉnh ổn định mãi. Có những người không bao giờ biết trong túi mình có bao nhiêu tiền. Cần món gì cứ mua theo cảm xúc mà chẳng chậm lại cân nhắc xem có thực sự cần không?

Thời bây giờ, không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt, chỉ cần lướt web là bao nhiêu món ngon kích thích vị giác. Ta dễ bị cuốn vào cảm giác thèm hơn là đói. Chỉ cần cái chạm tay là nửa tiếng sau thức ăn ship đến tận cửa.

Còn nhớ quãng thời gian tôi làm việc trong văn phòng toàn bạn trẻ. Cứ tầm hơn 3 giờ chiều là lại gọi đồ uống. Có cả xấp menu của các hàng quán gửi đến, mà giá món nào cũng từ 30-40 ngàn đồng. Số tiền tưởng ít nhưng nhân lên theo ngày thì mỗi tháng cũng phải chi ngót nghét cả triệu, đó là chưa kể đến tiền ăn sáng, ăn trưa, ăn liên hoan, ăn chia tay, ăn trút bầu tâm sự… các kiểu. Tính ra, chỉ tiền ăn thôi cũng chiếm một khoản kha khá trong mức lương hàng tháng. Ông bà ta có câu “miệng ăn núi lở”, quả không sai.

Mua sắm là nhu cầu chứ không phải thú vui của bản thân (ảnh minh họa)
Mua sắm là nhu cầu chứ không phải thú vui của bản thân (ảnh minh họa)

Tôi có theo dõi bài toán chi tiêu của chị Hoa - chị bạn quen trên mạng xã hội. Chị Hoa đúng là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Chị có những tính toán mới nghe tưởng là chi li quá, nhưng ngẫm lại thấy hợp lý, nhất là trong thời buổi khó khăn như hiện tại. Chị chia sẻ rằng, trung bình bữa ăn sáng ngoài hàng quán từ 40-50 ngàn đồng/ người. Với số tiền hơn 200 ngàn đó, đủ để mua thực phẩm cho cả gia đình ăn trong 3 bữa, chỉ cần chịu khó ra chợ mỗi ngày, thức dậy sớm hơn để chuẩn bị là cả gia đình đã có những bữa ăn dinh dưỡng, hợp khẩu vị mà không quá tốn kém. Để không quá khuôn khổ, chị Hoa vẫn sắp xếp để mỗi tuần cả gia đình ra ngoài ăn từ 1 đến 2 bữa.

Lại có trường hợp khác như cháu tôi, với chuyên môn của mình, ra trường, cháu có ngay công việc với khoản lương kha khá. Đi làm gần 1 năm, đến khi cha mẹ cháu có việc cần, nghĩ rằng con có khoản để dư nên hỏi mượn, nào ngờ con thật thà kể cho đồng nghiệp mượn hết, giờ đòi lại thì đồng nghiệp trả lời rằng chưa có ngay để trả. Cũng không biết khi nào mới trả.

Lúc đó, anh chị tôi mới ớ ra. Biết rõ tính con mình thoải mái chuyện tiền nong và chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc cho người khác mượn tiền, anh chị nói xem như đó là khoản phí để sau này con tự rút kinh nghiệm mà biết cách ứng xử chuyện liên quan đến tiền nong sao cho khôn ngoan nhất.

Vậy nên, ngoài chăm chỉ làm việc là một chuyện, mỗi người còn phải học cách sử dụng đồng tiền hợp lý, thì mới ứng nghiệm câu bố nói với tôi lúc sinh thời: “30 chưa phát, 40 không giàu”.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI