PNO - Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung chăm lo đời sống người dân - những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch bệnh. Mức hỗ trợ và các giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng sẽ được thảo luận và quyết định trong hôm nay (ngày 1/4).
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 31/3, cho ý kiến về các mức hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mức hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo là một triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ ba tháng (tháng 4, 5, 6); hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ lấy từ ngân sách Trung ương và địa phương với số tiền ước tính ban đầu từ 28.000 - 30.000 tỷ đồng.
Người nghèo, người vô gia cư... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được chăm lo để đi qua gian khó - Ảnh: Tam Nguyên
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020, trên phạm vi toàn quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công thương đã yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; trong đó chú trọng vào mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đủ cho nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang... Các sở Công thương sẽ căn cứ điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo năm cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực cách ly. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Đến nay, tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Các doanh nghiệp phân phối và tiểu thương tại các chợ vẫn tiếp tục kinh doanh. Theo yêu cầu của Bộ Công thương, các địa phương sẽ có phương án bố trí các điểm bán hàng mới, tạm thời, lưu động… để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán. Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và đảm bảo thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội cho biết, hiện nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chợ vẫn dồi dào. Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng dự trữ lên từ 300 - 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; hệ thống Co.opmart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng.
Các doanh nghiệp cũng xác nhận, sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, đặt điểm giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở. Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay đã được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn, bảo đảm đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retail chuẩn bị 2,5 triệu chiếc, Co.opmart có 20 triệu chiếc…). Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường Hà Nội trong ba tháng. Các doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có biến động.
Trước đó, trong cuộc họp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cấp giấy phép cho xe chuyên chở của các doanh nghiệp được đi vào thành phố 24/24. Các cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu, siêu thị đến cửa hàng tiện lợi đều được yêu cầu mở cửa liên tục phục vụ nhân dân.
Bộ Công thương khẳng định nguồn hàng tại các địa phương đủ phục vụ nhu cầu của người dân
Tại TPHCM, UBND TPHCM khẳng định: tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn hoạt động bình thường. Ngay trong chiều 31/3, TPHCM đã công bố danh sách các điểm bán lương thực, thực phẩm trên toàn thành phố. Trước đó, trong các cuộc họp về ứng phó dịch bệnh, chính quyền TPHCM đã nhiều lần khẳng định thành phố có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân cũng như đã có kế hoạch dự trữ hàng trong ít nhất sáu tháng và có thể tăng thời gian dự trữ lên một năm.
Trong nỗ lực đảm bảo đời sống những người dân giữa mùa dịch bệnh, Thành ủy, UBND TPHCM đã quyết định giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm của công chức, viên chức (tương đương 25% thu nhập) để chăm lo cho người nghèo, người vô gia cư. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TPHCM chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú, rà soát người lang thang, người già không nơi cư trú để chăm sóc, theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của cơ quan y tế. Đặc biệt, với người già trên 60 tuổi - đối tượng được yêu cầu ở nhà toàn thời gian, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo các phường, xã tìm cách mua đồ giúp cho các cụ, để các cụ không phải ra đường.
Đối với người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất trong thời gian có dịch, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã hướng dẫn doanh nghiệp trả lương với mức tối thiểu từ 3,92 - 4,42 triệu đồng/tháng. Với khoảng 600.000 người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước, bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ được TPHCM hỗ trợ với mức 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc và tối đa không quá ba tháng, từ tháng 4 - tháng 6/2020.
Ngoài các khoản chi hỗ trợ nêu trên, TPHCM còn dự trù đủ kinh phí để cách ly 10.000 người, điều trị 100 người, trang bị ô tô chuyên dùng, hỗ trợ khẩu trang, công tác tuyên truyền, đào tạo… phòng chống dịch.
Chiều 31/3, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các kịch bản ứng phó dịch COVID-19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác; người đứng đầu Chính phủ khẳng định: các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị số 16/CT-TTg) là những giải pháp mang tính “tiền khẩn cấp”, mục tiêu là để giãn cách xã hội nhằm tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Việc cách ly toàn xã hội hiện dừng ở mức thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân và gia đình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.