33 năm qua, Củng Lợi tham gia gần 40 phim điện ảnh, con số được cho là khá khiêm tốn so với danh tiếng và sức ảnh hưởng của cô. Trong một bài phỏng vấn gần đây, nữ diễn viên thừa nhận mình không phải là người làm việc quá năng suất. “Thật sự năng suất không có ý nghĩa gì với tôi. Tôi luôn tìm kiếm nhân vật mà mình muốn đóng. Nếu không có, tôi sẵn sàng đợi đến khi tìm được nhân vật khiến mình cảm thấy thú vị” - Củng Lợi chia sẻ.
Trong "gia tài" này, Củng Lợi thích, tâm đắc nhất 3 phim. Phim đầu tiên là Thu Cúc đi kiện (1992) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Không chỉ là bộ phim mang tính hiện thực cao, nhân vật Thu Cúc cũng là dấu ấn đầu tiên, mở ra một hành trình mới trong sự nghiệp của Củng Lợi, đó là lý do khiến cô rất yêu vai diễn và bộ phim mình may mắn được tham gia.
Thu Cúc đi kiện dựa trên tiểu thuyết Vạn gia tố tụng của Trần Nguyên Bân, kể về hành trình đi tìm công lý cho chồng đầy gian truân của người phụ nữ nông thôn tên Thu Cúc. Thu Cúc đi kiện được giới phê bình đánh giá rất cao và giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim (LHP) Venice của Ý. Vai diễn Thu Cúc cũng mang về cho Củng Lợi cúp Volvi dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP này.
|
Củng Lợi trong phim Thu Cúc đi kiện |
Để hoá thân thành nhân vật Thu Cúc, Củng Lợi đã dành 2 tháng về sống ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Củng Lợi sinh hoạt, làm việc như một người nông dân thực thụ. Cô gội đầu bằng loại xà phòng giặt quần áo để cho mái tóc bung xù, rối bời trong mấy tháng liền. Củng Lợi để mặt mộc nhằm có làn da rám nắng như phụ nữ miền quê. Sự xả thân của nữ diễn viên với vai diễn này đến nay vẫn được nhắc nhớ như một hình mẫu tiêu biểu cho tinh thần hy sinh của nghệ sĩ với nghề nghiệp.
Bộ phim thứ hai được Củng Lợi đề cập là Trở về (2014), cũng do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện. Đây là bộ phim thứ 8 hai người hợp tác với nhau. “Nếu Thu Cúc đi kiện đánh dấu bước tiến lớn trong sự nghiệp của tôi thì Trở về lại là một điều gì đó rất khác, rất đặc biệt, ý nghĩa” - Củng Lợi nói.
Phim lấy bối cảnh Trung Quốc trong thời kỳ cách mạng văn hoá, kể câu chuyện một người vợ không nhận ra chồng do chị bị mất trí và bệnh tâm lý sau nhiều năm hai người xa cách do người chồng phải vào trại lao động. Đằng sau việc mất trí của người vợ là một câu chuyện đau lòng. Tờ South China Morning Post nhận định lựa chọn này dễ bị mang ra so sánh với một số phim trước đó của Củng Lợi như: Đèn lồng đỏ treo cao (1991), Cúc Đậu (1990).
|
Củng Lợi trong phim Trở về |
Củng Lợi từng chia sẻ, tác phẩm này khiến cô cảm thấy tâm đắc khi hình ảnh người phụ nữ trở thành trung tâm để giải thích về một giai đoạn lịch sử. Lấy phụ nữ làm trung tâm trong một tác phẩm điện ảnh đã ít, việc dùng câu chuyện của họ để nói về thời đại càng quý hơn. "Tôi nhận vai khi thấy 80% khả năng mình có thể thực hiện được. Tôi không muốn lặp lại những gì mình từng diễn. Anh Trương Nghệ Mưu cũng không muốn tôi như thế" - Củng Lợi chia sẻ về việc nhận vai trong phim Trở về.
Một điều đặc biệt là Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu không trao đổi quá nhiều trên phim trường của dự án này, ông tin rằng tính cách của nhân vật đã có sẵn ở Củng Lợi. Giữa đạo diễn và diễn viên chính đã có một "thỏa thuận": Khi nào đạo diễn cảm thấy không đúng ý, hãy lên tiếng, còn nếu nhân vật đã được phác họa đúng, hãy để diễn viên tiếp tục, đừng can thiệp.
Lựa chọn thứ ba của Củng Lợi gây bất ngờ là bộ phim Saturday fiction, từng được giới thiệu tại LHP Venice năm ngoái, một tác phẩm của đạo diễn Lâu Diệp. Phim đánh dấu sự trở lại của Củng Lợi trên màn ảnh rộng sau 3 năm. Phim kể về một gián điệp trong thập niên 1940, gắn với bối cảnh lịch sử Nhật chiếm đóng Thượng Hải. Củng Lợi cho rằng đây là một loại phim hiếm trong điện ảnh hiện tại.
|
Củng Lợi trở lại màn ảnh rộng sau 3 năm vắng bóng trong phim Saturday fiction |
"Bộ phim thể hiện rất rõ thân phận của những người phụ nữ sống trong thời chiến những năm 1940. Họ đại diện cho quyền lực và hình ảnh người phụ nữ hiện đại ở Trung Quốc ngày nay. Trên thực tế, có nhiều nữ anh hùng Trung Quốc trong thời gian đó. Bộ phim đã thành công khi phác họa hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ mạnh mẽ của thời kỳ đó, đưa ra một góc nhìn độc đáo về chiến tranh và nhân loại" - Củng Lợi nói trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter.
Một điều cũng khiến cô tâm đắc trong phim này là sự chân thành, hỗ trợ lẫn nhau giữa con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Theo Củng Lợi, đó là điều đáng quý, là cái đẹp mà nghệ thuật nên truyền tải.
Năm 2020, Củng Lợi xuất hiện trong Hoa Mộc Lan. Phim dự kiến ra mắt vào tháng 3, nhưng do dịch COVID-19 nên dời lịch liên tục và cuối cùng phải phát hành trực tuyến. Củng Lợi nói dù phim gặp nhiều trục trặc do dịch bệnh nhưng vẫn không thể khiến cô quên những ký ức tốt đẹp khi ở trường quay. Đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của nữ diễn viên.
Trung Sơn (tổng hợp)