3 trụ cột ngoại giao Việt Nam: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và nhân dân

29/08/2024 - 16:35

PNO - Đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam, cân nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Ngày 29/8, tại TPHCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.

Theo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM, đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đối ngoại nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, đúc rút được từ thực tiễn cách mạng nước ta và hoạt động đối ngoại nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Đại biểu các nước tham dự khai mạc Diễn đàn Thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng năm 2022 tại Quảng Bình, Việt Nam - Ảnh: VGP
Đại biểu các nước tham dự khai mạc Diễn đàn Thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng năm 2022 tại Quảng Bình, Việt Nam - Ảnh: VGP

ThS.Lê Thế Hiển (Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TPHCM) nhắc đến vai trò và đóng góp của thanh niên Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân và sứ mệnh kiến tạo Cộng đồng ASEAN. “Thanh niên Việt Nam nói chung và đội ngũ trí thức trẻ, giáo viên và học sinh - sinh viên nói riêng là một trong những lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như rất nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân khác đang diễn ra thường xuyên và sôi nổi, hiệu quả”, ông đánh giá.

Theo ThS.Lê Thế Hiển, thể hiện vai trò và vị thế của đất nước Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong khối ASEAN, với những đóng góp tích cực và nổi bật luôn được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hoạt động ngoại giao nhân dân nói chung và công tác quốc tế thanh niên đã góp phần duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác - hòa bình - hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước trong khu vực cũng như các đối tác quan trọng trên toàn thế giới.

Ông cho rằng: “Hoạt động ngoại giao của Việt Nam dựa trên sự phối hợp hiệu quả và toàn diện của 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Trong khi đó, quá trình kiến tạo và hiện thực hóa Cộng đồng chung ASEAN cũng dựa trên 3 trụ cột chính là An ninh - chính trị, Kinh tế và Văn hóa - xã hội. Do đó, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng như công tác quốc tế thanh niên cần lưu ý mục tiêu triển khai toàn diện và sâu rộng đối với nhiều tầng lớp nhân dân, trên nhiều lĩnh vực hợp tác, đa ngành, đa chiều, song phương lẫn đa phương, với nhiều hình thức đa dạng hóa, thể hiện sức sáng tạo và linh hoạt của bản sắc “ngoại giao cây tre” do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng, đồng thời tiếp tục phát huy, vận dụng theo tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp cùng chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng”.

PGS.TS.Đặng Minh Đức (Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đặt vấn đề cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển. Đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng của kiều bào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới, ông Đặng Minh Đức cho rằng cần tập trung thực hiện một số định hướng. Đó là tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ.

Thứ hai là tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Ba là tăng cường các biện pháp mang tính căn cơ, lâu dài nhằm hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại.

Bốn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ năm là đẩy mạnh việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Và thứ sáu là cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức dạy và học tiếng Việt, tăng cường hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI