Tiệm kem hoài niệm
Nằm không xa khách sạn sòng bạc Grand Lisboa, Lai Kei là một trong những tiệm kem lâu đời nhất của thành phố Macau (Trung Quốc), nơi các thế hệ cư dân tụ tập suốt mấy chục năm qua. Bên trong tiệm, dấu vết thời gian bao trùm những đồ nội thất kiểu cổ điển, giúp nơi này có được sức hút khó cưỡng với khách du lịch.
|
Ambert Kong Wing-tsan - chủ sở hữu thế hệ thứ ba của cửa hàng kem Lai Kei |
Họ đổ xô đến đây để chụp ảnh cùng bảng hiệu “Kem Lai Kei” và để trải nghiệm chiếc bánh sandwich kem đặc trưng của quán. Sản phẩm được gói trong hộp giấy có hình vẽ cô gái thắt bím. Bao bì được phác họa bởi người sáng lập thương hiệu Lai Kei, ông Kong Lai-king, ngay từ những ngày đầu bán hàng trên đường phố Macau vào năm 1933.
Bên trong tiệm, ánh đèn huỳnh quang chiếu sáng những chiếc ghế gỗ đơn giản, ánh lên mặt bàn màu kem bơ. Hầu hết các ngày trong tuần, cháu trai của ông Kong, Ambert Kong Wing-tsan (47 tuổi) chịu trách nhiệm quản lý cửa hàng. Anh chào đón một lượng khách quen ổn định và tìm cách thu hút thêm khách hàng mới bằng những bức ảnh đăng trên mạng xã hội như Instagram.
Đối với Ambert Kong, bí quyết thành công của tiệm là giữ mọi thứ nguyên bản nhất có thể. Ngoài việc điều chỉnh hàm lượng đường trong công thức để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và sửa chữa những nội thất hao mòn theo năm tháng, tiệm Lai Kei chẳng khác một chiếc hộp thời gian được bảo quản tốt về những ngày xưa cũ.
Cửa hàng hiện tại, nằm trên đại lộ Avenida do Conselheiro Ferreira de Almeida, ra mắt từ những năm 1960. Điều này lý giải cho các chi tiết thiết kế khác biệt mang tính thời đại của tiệm như dòng biển hiệu uốn lượn, những khối màu hình vòm trên tường và nhiều hình vẽ cổ điển về ly kem sundae, kem chuối chiếc thuyền và bánh mì kẹp kem ở mặt tiền cửa hàng. Ambert Kong chia sẻ: “Khách hàng luôn yêu cầu chúng tôi không sửa sang lại cửa hàng”.
Chặng đường vượt khó của một thương hiệu "cây nhà lá vườn"
Theo anh Ambert Kong, việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Giống như nhiều cửa hàng nhỏ, Lai Kei từng trải qua thời kỳ “tiền trao trả Macau”. Anh nhớ lại: “Nền kinh tế của Macau lúc chuẩn bị được Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc rất tệ. Nhiều bing sutts (quán cà phê bình dân) đã phá sản và rất nhiều người chuyển đến Hồng Kông (Trung Quốc) để có tương lai tươi sáng hơn. Hồng Kông được coi là thành phố lớn trong khi Macau chỉ như một ngôi làng. Ở một khía cạnh nào đó, cửa hàng của chúng tôi trở nên lạc hậu trong khi mọi người muốn những điều mới mẻ”.
|
Ông Kong Lai-king (trái) - người sáng lập thương hiệu kem Lai Kei - khi còn trẻ đứng cạnh quầy kem của mình |
Anh Ambert nói thêm rằng từ những năm 1980, khi máy điều hòa không khí và tủ đông trong nhà trở nên phổ biến, mọi người không còn đi ăn kem nhiều như trước. Sau đó, Macau ghi nhận tốc độ phát triển nhanh chóng cho đến tận ngày nay. Các sòng bạc và khu nghỉ dưỡng sang trọng mọc lên khắp thành phố gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp nhỏ. Không chỉ vậy, họ còn đối mặt tình trạng thiếu lao động trầm trọng, do nhân công bị thu hút bởi mức lương cao hơn nhiều lần tại các sòng bạc. Anh Ambert chia sẻ: “Vào thời điểm đó, mọi thứ thay đổi quá nhanh. Các bác sĩ, y tá và giáo viên bỏ việc để đi làm trong sòng bạc với mức lương cao hơn. Chúng tôi mất rất nhiều nhân viên vì không cạnh tranh được với mức lương hấp dẫn của các cơ sở kinh doanh trò đỏ đen nhưng chúng tôi nghĩ rằng thật đáng xấu hổ nếu đóng cửa và thừa nhận thất bại”.
Gia đình Kong có phần may mắn vì sở hữu bất động sản nơi tiệm Lai Kei tọa lạc nhưng họ vẫn phải chật vật với vấn đề nhân sự.
Anh Ambert kể: “Các khách hàng quen của chúng tôi nói rằng những tiệm mì, nhà hàng yêu thích của họ đều đã đóng cửa và họ thực sự mong muốn chúng tôi tiếp tục hoạt động”. Cộng đồng này tiếp tục tập hợp lại trong những năm khó khăn do đại dịch COVID-19, khi tiệm Lai Kei phải đóng cửa suốt thời gian dài. Dù vậy, từ những khó khăn kể trên, việc gia đình Kong cố gắng giữ lại một phần lịch sử quyến rũ của thành phố Macau đã đem lại cho họ trái ngọt.
Khi Macau trở nên bóng bẩy hơn và mang tính quốc tế hơn, sức hấp dẫn cổ điển của tiệm kem Lai Kei càng tăng lên. Anh Ambert cười nói: “Thành phố trở nên thịnh vượng sau khi các sòng bạc xuất hiện. Vì rất nhiều cửa hàng địa phương đã đóng cửa nên đột nhiên một nơi như tiệm chúng tôi lại trở nên thú vị. Nói đúng hơn, chúng tôi là những người duy nhất còn bám trụ trong cả khu phố”.
Tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng và những cơ hội mới
Ông chủ tiệm kem gia đình đời thứ ba chính xác là kiểu người niềm nở mà du khách phương xa sẵn sàng dành hàng giờ để nghe anh chia sẻ về lịch sử phát triển đầy màu sắc của thành phố và cửa tiệm.
|
Một quảng cáo cũ cho sản phẩm kem đóng hộp của Lai Kei |
Ít ai biết rằng Ambert Kong được đào tạo tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) với chuyên ngành thiết kế đồ họa. Dù vậy, chỉ 1 năm sau khi tốt nghiệp, anh chọn trở về Macau để sống cạnh gia đình. Ban đầu, anh làm công việc thiết kế tại khách sạn - casino Sands Macao và giúp việc tại cửa hàng kem - nhiệm vụ mà anh quen thuộc từ khi còn nhỏ. Khi cha anh qua đời vào năm 2011, anh tiếp quản tiệm kem và ngay lập tức cảm thấy áp lực to lớn khi phải gánh vác công việc kinh doanh giữa những thay đổi của xã hội.
Anh Ambert bộc bạch: “Tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Tôi có một công việc văn phòng, chỗ ngồi thoải mái. Nó rất khác với kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Tôi căng thẳng vì cảm thấy như thể nếu mình không làm tốt công việc thì sẽ có lỗi với cha ông. Trách nhiệm này không giống như làm việc ở công ty của người khác”.
Nhưng, những nghi ngờ tan biến khi anh Ambert nhìn vào khía cạnh tích cực hơn của mọi việc. Anh nói: “Nếu tôi không tham gia công việc kinh doanh của gia đình, tôi sẽ không có cơ hội gặp gỡ nhiều người như vậy. Làm việc ở tiệm kem, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cảm xúc của con người. Suy cho cùng, người ta sẽ ăn kem khi họ vui hoặc không vui. Đôi khi, thông qua việc ăn uống, họ bắt đầu chia sẻ với chúng ta cảm giác của họ. Có người còn bật khóc. Chúng tôi để họ ngồi đây và chia sẻ bất cứ điều gì khiến họ bận tâm”.
|
Món bánh sandwich kem đặc trưng của Lai Kei được đựng trong hộp giấy có hình vẽ một cô gái thắt bím do người sáng lập Kong Lai-king phác họa |
Anh cho biết thêm, cửa hàng tìm cách gói gọn ý tưởng về sự tiếp xúc của con người hướng đến những điều tốt đẹp. Anh giải thích: “Giống như việc bạn đến tiệm bánh hằng ngày để mua bánh mì nhưng lại không hoàn toàn là vì những ổ bánh mì. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng lớn tuổi dắt con cháu đến ăn kem. Mọi người chọn cửa tiệm làm nơi buôn chuyện, phàn nàn, xả những cảm xúc tiêu cực. Chúng tôi nghe được rất nhiều câu chuyện từ khách và đó là điều tạo nên những kỷ niệm cho mọi người”.
Cộng đồng gắn bó đằng sau thương hiệu Lai Kei là một trong những lý do khiến anh Ambert Kong quyết định không thay đổi nhiều về cách thức sản xuất các loại kem mà họ cung cấp suốt gần 1 thế kỷ, bao gồm khoảng 1 chục hương vị, phổ biến nhất là vị dừa và đậu đỏ. Thay vào đó, họ tìm cách mở rộng thương hiệu ra ngoài quán kem bằng cách hợp tác với chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K để cung cấp kem đóng gói trên khắp Macau. Dòng sản phẩm này có các hương vị mới mẻ hơn như trà xanh, trà sữa, đu đủ… Ngoài ra, Lai Kei còn hợp tác với một số thương hiệu thời trang bao gồm Jimmy Choo và Uniqlo. Nhãn hàng đến từ Nhật Bản đã ra mắt sản phẩm áo phông lấy cảm hứng từ thiết kế mang tính biểu tượng của tiệm kem. Ngoài ra, tiệm cũng đang thảo luận về việc hợp tác với thương hiệu giày Vans của Mỹ.
Anh Kong vui vẻ nói: “Chúng tôi thử rất nhiều thứ để đưa thương hiệu ra công chúng. Nếu bạn chỉ bán “di sản”, bạn sẽ mãi mãi bị coi là lạc hậu. Món kem thường không được cho là “đặc sản” trong suy nghĩ của mọi người. Nhưng, mọi thứ đều có điểm độc đáo của nó. Vì vậy, Lai Kei sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi vẫn làm và giữ mọi thứ nguyên bản nhất có thể”.
Ngọc Hạ (Theo SCMP)