3 thách thức lớn của nông sản Việt khi xuất khẩu vào EU

07/06/2024 - 17:37

PNO - Chia sẻ tại sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" tại TPHCM ngày 7/6, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Việt Nam tại Bỉ và châu Âu - cho biết, mỗi năm thị trường EU nhập khẩu 160 tỉ USD các mặt hàng nông sản, trong đó có khoảng 4% nhập từ Việt Nam.

Theo lý giải của bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - có 3 nguyên nhân dẫn đến điều này. Thứ nhất là tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Tiếp đến, những tác động tiêu cực của bệnh dịch, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều. Cuối cùng là thách thức về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, do khó tiếp cận thị trường, nhất là thị trường khó tính, do đó họ phải gia công theo thương hiệu của các nhà nhập khẩu, hoặc chỉ bán tại thị trường trong nước...

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024”, diễn ra từ ngày 6-8/6/2024. Ảnh Ngọc Thùy
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024”, diễn ra từ ngày 6-8/6/2024 - Ảnh: Ngọc Thùy

Bà Phan Thị Thắng cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ rất tốt cho ngành nông nghiệp với tâm thế chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đặc biệt chú trong các yếu tố: sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững, kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.

Dù vậy, theo bà, để làm được những điều trên thì không thể thiếu sự kết nối tương tác thường xuyên giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thế giới, nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp thế giới. Do đó, năm 2024 Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ tích cực làm việc mời các nhà phân phối, nhập khẩu và thu mua nước ngoài vào Việt Nam trực tiếp tìm kiếm nguồn hàng thông qua việc tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024”.

Sự kiện này có khoảng 600 doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành hàng như nông sản, dệt may, da giày, mỹ nghệ… tham gia kết nối với 300 nhà mua hàng trên khắp thế giới. Đáng chú ý, rất nhiều doanh nghiệp trong số này là doanh nghiêp vừa và nhỏ, họ tham dự lần đầu với sự hỗ trợ từ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp/Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

12 doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm sản khu vực TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có cơ hội giới thiệu về năng lực sản phẩm, kết nối trực tiếp với nhà nhập khẩu. Theo các doanh nghiệp, sau 2 ngày tham gia, họ đã tiếp xúc nhiều đối tác nhập khẩu và bước đầu hiểu được quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu mà hàng nông sản cần có. Trong đó, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể tiến tới giao kết hợp đồng trong thời gian tới.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI