3 phụ nữ nhập viện sau khi xô xát với Công an xã: Đúng quy trình...

14/06/2016 - 18:49

PNO - ''Việc công an xã sử dụng công cụ hỗ trợ gậy ba trắc, roi điện để đánh chị Dương, chị Thủy, chị Trang và anh Út hay không thì đang làm rõ''

3 phu nu nhap vien sau khi xo xat voi Cong an xa: Dung quy trinh...
Chị Trang bị bầm dập nhiều chỗ trên cơ thể. Ảnh: nld

Ngày 14/6, Công an huyện Cần Giuộc (Long An) cho biết đã nắm được vụ việc, hiện đang điều tra xác minh làm rõ vụ việc 4 người bị thương, trong đó có 3 phụ nữ phải nhập viện sau khi xảy ra xô xát với Công an xã Đông Thạnh.

Cùng ngày, trao đổi với báo Phụ nữ TP HCM, bác sĩ Dương Văn Ba, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa huyện Cần Giuộc cho hay, trong hai ngày mùng 9 và 11/6 bệnh viện có tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện do đa chấn thương. Hiện tại cả 3 bệnh nhân này vẫn đang được tiếp tục điều trị.

''Sau khi tiến hành chụp chiếu và giám định thương tích, phần lớn những vết thương trên người của ba phụ nữ này là ở phần mềm, không ảnh hưởng gì tới xương. Hiện tại tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đã dần được ổn định. Tuy nhiên, thi thoảng họ vẫn kêu đau, phía bệnh viện vẫn đang tiến hành theo dõi sức khỏe của ba phụ nữ này.'' bác sĩ Ba nói.

Thông tin ban đầu, vào chiều ngày 9/6, lực lượng công an xã gồm 3 công an viên, Trưởng Công an xã Đông Thạnh – Thượng úy Phạm Thế Lâm và hai dân phòng đến nhà một người dân ở ấp Bắc, xã Đông Thạnh để làm việc vì liên quan đến một tin báo có xích mích với một số thanh niên.

Trong lúc giải quyết vụ việc tại nhà của anh Nguyễn Văn Chuộng (38 tuổi) thì xảy ra xô xát giữa công an và bà Phạm Thị Thùy Dương (34 tuổi), Phạm Thị Thùy Trang (40 tuổi), Nguyễn Văn Út (40 tuổi), ngụ ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây và Đặng Thị Lệ Thủy (25 tuổi), ngụ ấp Tân Thanh A, xã Phước Lại huyện Cần Giuộc.

Do nhóm này phản đối, không chấp hành yêu cầu triệu tập về trụ sở làm việc nên bị 3 công an viên đánh và dùng roi điện khống chế.

Sau đó, cả 3 người phụ nữ đều phải nhập viện điều trị với nhiều vết thương bầm tím ở tay, chân, mông và đùi. Trong đó, nặng nhất là trường hợp chị Thùy Trang.

Chị Phạm Thị Thùy Dương kể lại: “Đúng là chúng tôi có chống trả lại công an. Thế nhưng việc đề nghị đưa chúng tôi về xã làm việc có đúng quy trình hay không? Ngoài ra, 6 người là công an và dân phòng đã sử dụng roi điện, gậy ba trắc đánh lại 3 người phụ nữ thì liệu có cần thiết.

Ngoài ra, sau vụ việc này công an còn đưa chúng tôi về trụ sở xã để tạm giữ, từ chiều 9/6 đến chiều 10/6 mới cho về, làm 2 đứa nhỏ con tôi phải theo mẹ lên xã ngủ, bị mũi chích sáng đêm”

3 phu nu nhap vien sau khi xo xat voi Cong an xa: Dung quy trinh...
Chị Thùy Dương với vết bầm trên tay. Ảnh: nld

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Cần Giuộc đã yêu cầu Công an xã Đông Thạnh báo cáo vụ việc. Đồng thời, Công an huyện cũng tiến hành cử điều tra viên vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giuộc gặp 3 người phụ nữ bị thương để nắm thêm tình hình, ghi nhận các vết thương trên cơ thể.

Theo Thiếu tá Đặng Minh Tín, Đội phó Đội điều tra Tổng hợp Công an huyện Cần Giuộc, vụ việc này có dấu hiệu chống người thi hành công vụ, khi sử dụng ghế để đánh trả lại công an. Vì thế, công an xã buộc phải khống chế là đúng quy trình.

“Qua xác minh, đúng là chị Dương, chị Trang và chị Thủy có nhiều vết bầm tím trên cơ thể nhưng việc công an xã sử dụng công cụ hỗ trợ gậy ba trắc, roi điện để đánh chị Dương, chị Thủy, chị Trang và anh Út hay không thì đang làm rõ.” - Thiếu tá Đặng Minh Tín cho hay.

Chiều ngày 14/6, trao đổi với phóng viên, Thượng úy Phạm Thế Lâm, Trưởng Công an xã Đông Thạnh, người trực tiếp tham gia giải quyết xích mích cho biết, hiện tại vụ việc đang được công an huyện Cần Giuộc thụ lý điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Về trường hợp này, luật sư Phạm Công Hùng, Nguyên thẩm phán TAND Tối cao nhận định: ''Khách quan mà nói  thì việc dùng ghế tấn công lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ thì có thể coi là hành vi chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, khi mà đối tượng chống người thi hành công vụ đã được khống chế, trói hoặc làm tê liệt rồi mà lực lượng chức năng còn tiếp tục đánh nữa là sai. Còn nếu trong trường hợp đối tượng chống trả quyết liệt thì buộc lực lượng chức năng phải sử dụng biện pháp mạnh hơn để áp chế.

Trưởng Công an xã có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính và không được quá 12 giờ. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền quy định và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.''

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI