3 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” của TPHCM là ai?

23/06/2021 - 10:17

PNO - Họ đều có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Hiện, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) lần thứ ba trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc. Trong đó, có 71 NNƯT được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND. TPHCM có 3 người nằm trong danh sách này.

NNƯT Hồng Oanh (tên thật Nguyễn Thị Hồng Vanh, sinh năm 1955 tại xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Từ nhỏ, bà đã có niềm đam mê mãnh liệt với những làn điệu dân ca của quê hương. Sau này, khi vào TPHCM, bà vẫn giữ niềm đam mê này, tiếp tục lan toả, truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò.

Bà từng ngâm toàn bộ truyện Kiều và thực hiện thành 12 CD. Bà đồng biên soạn và đầu tư cho tập thơ Đường về xứ Nghệ. Bà cũng thành lập Câu lạc bộ dân ca ví giặm phía Nam để sinh hoạt, lưu giữ giá trị truyền thống của quê hương. Bà từng tham gia rất nhiều sự kiện giao lưu văn hóa để lan toả những làn điệu dân ca. Năm 2015, bà được phong tặng danh hiệu NNƯT.

Nghệ nhân Hồng Oanh nổi tiếng trong lĩnh vực dân ca Ví, Giặm
Nghệ nhân Hồng Oanh nổi tiếng trong lĩnh vực dân ca ví, giặm

NNƯT Thanh Tuyết (tên thật Phạm Thị Tuyết) là cái tên nổi bật trong làng đờn ca tài tử tại TPHCM. Chị sinh năm 1969 trong một gia đình có truyền thống yêu đờn ca tài tử tại Vĩnh Long. Từ năm 14, 15 tuổi chị đã được rất nhiều người trong giới chỉ dạy như: NSƯT Vũy Chỗ, nhạc sư Hai Ngưu, NNƯT Tấn Nhì… 

Nữ nghệ nhân có chất giọng khoẻ, lại tình cảm, đặc biệt ngân nga, nhấn nhá trong câu hát rất tài tình. Về sau này, chị truyền nghề cho rất nhiều người trẻ, từ TPHCM cho đến các tỉnh thành. NNƯT Thanh Tuyết đã đoạt nhiều giải thưởng, huy chương trong nhiều hội thi, liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ cấp khu vực và toàn quốc. Năm 2015, chị được phong tặng danh hiệu NNƯT.

Nghệ nhân Thanh Tuyết (áo dài xanh) trong một buổi biểu diễn
Nghệ nhân Thanh Tuyết (áo dài xanh) trong một buổi biểu diễn

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân có niềm đam mê với diều từ nhỏ. Năm 6 tuổi, ông tập tành làm diều, đến năm 10 tuổi đã có thể làm con diều hoàn chỉnh, không cần sự giúp sức của người lớn. Những tưởng, niềm đam mê ngày bé sẽ nhạt dần khi ông lớn lên, nhưng không, càng ngày càng sâu đậm.

Đến nay, ông đã sáng tạo hàng trăm mẫu diều độc đáo hình rồng, phụng, hoa lá, quốc kì Việt Nam… Một số mẫu diều ấn tượng của ông có thể nhắc đến như: diều hình cờ tổ quốc tại Festival Huế và Festival biển Vũng Tàu năm 2006, diều rồng dài 100 mét, diều rô dài 1.000 mét kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Ông từng đạt giải nhất tại Festival Diều nghệ thuật quốc tế năm 2010 tại Ấn Độ. Ông được phong tặng danh hiệu NNƯT năm 2015.

Nghệ nhân Thanh Vân một đời gắn bó với diều nghệ thuật
Nghệ nhân Thanh Vân một đời gắn bó với diều nghệ thuật

Trong 71 nghệ nhân được xét tặng danh hiệu NNND lần này, Hà Nội có số lượng đông nhất: 11 nghệ nhân. Bắc Kạn, Bình Thuận, Đắk Lắk, Cần Thơ, Điện Biên… mỗi nơi có 1 hồ sơ được xét.

Trong 600 cá nhân được đề cử xét tặng danh hiệu NNƯT, TPHCM có 13 hồ sơ. Thời gian lấy ý kiến kéo dài đến 5/7/2021 trên cổng thông tin của Bộ VH-TT&DL. Sau đó, hội đồng chuyên ngành cấp Bộ sẽ lập hồ sơ trình hội đồng cấp Nhà nước.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI