3 ngày sau trận động đất chết người ở Myanmar: Hy vọng cứu hộ tan biến

31/03/2025 - 13:01

PNO - Gần 3 ngày sau trận động đất giết chết hơn 1.700 người ở Myanmar và Thái Lan, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm người sống sót.

Lực lượng cư1u hộ đang rất khó khăn trong việc tìm kiế người sống sót
Lực lượng cứu hộ đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm người sống sót - Ảnh: AFP

Hy vọng cho sự sống ngày càng mong manh

Ngày cuối cùng của tháng 3, niềm hy vọng tìm thấy thêm người sống sót trong đống đổ nát ở Mandalay đã tắt.

Hàng ngàn người Myanmar vẫn đang đang ngủ ngoài trời vì mất nhà cửa, mất người thân. Họ không còn gì sau trận động đất lớn khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng.

Các nỗ lực cứu hộ diễn ra chậm hơn tại thành phố miền trung Myanmar với hơn 1,7 triệu người vào sáng sớm thứ Hai (ngày 31/3). Tình hình càng khó khăn và bế tắc hơn khi nhiệt độ dự kiến ​​sẽ lên tới khoảng 400C.

Thời tiết nóng nực khiến lực lượng cứu hộ kiệt sức và đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể, gây khó khăn cho việc nhận dạng.

Cảnh tượng tuyệt vọng đã diễn ra tại một khu chung cư bị sập ở thành phố lớn thứ 2 của Myanmar vào tối 30/3, khi lực lượng cứu hộ nghĩ đã cứu được mạng sống của một phụ nữ mang thai bị mắc kẹt dưới đống đổ nát hơn 55 giờ. Để cứu thai phụ, đội cứu hộ phải cắt cụt chân cô để giải thoát khỏi đống đổ nát. Nhưng, sau khi kéo cô ra, cô vẫn không cầm cự nổi. Các nhân viên cứu hộ buộc phải tuyên bố cô đã chết.

Trong khi đó, nhiều người khác đã tập trung gần một nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy trong thành phố vào sáng thứ Hai, 31/3 để cầu nguyện lần đầu tiên trong lễ Eid al-Fitr, ngày lễ diễn ra sau tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Lễ tang của hàng trăm nạn nhân cũng dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tối 31/3.

Trận động đất chưa từng thấy ở châu Á trong hơn một thế kỷ

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp vào Chủ nhật, 30/3, để quyên góp hơn 100 triệu USD nhằm giúp đỡ các nạn nhân.

Mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới cho biết nhu cầu đang tăng lên từng giờ vì nhiệt độ tăng cao và mùa gió mùa đang đến gần làm tăng nguy cơ xảy ra "cuộc khủng hoảng thứ cấp".

Những thách thức mà quốc gia Đông Nam Á hơn 50 triệu dân này phải đối mặt là rất to lớn ngay cả trước khi xảy ra trận động đất.

Các quan chức Hội Chữ thập đỏ cảnh báo Myanmar đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo sau trận động đất chết người mạnh 7,7 độ Richter.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng: "Những tàn phá chúng ta đang chứng kiến ​​ở Myanmar chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á".

Một phụ nữ may mắn được giải cứu khỏi đống đổ nát. Ảnh: AFP
Một phụ nữ may mắn được giải cứu khỏi đống đổ nát - Ảnh: AFP

“Đây không chỉ là một thảm họa; đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp chồng chéo lên các điểm yếu hiện có”, Alexander Matheou - Giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương tại IFRC - cho biết trong một tuyên bố riêng.

“Quy mô của thảm họa này là rất lớn và nhu cầu hỗ trợ là cấp bách”, ông nói thêm. IFRC đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp để xin 100 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng113,6 triệu USD) để hỗ trợ 100.000 người bằng cứu trợ cứu sinh và hỗ trợ phục hồi sớm.

Hội Chữ thập đỏ Myanmar (MRCS) đã huy động hàng trăm tình nguyện viên được đào tạo để sơ cứu, chăm sóc sức khỏe và phân phối các mặt hàng như chăn và bộ dụng cụ vệ sinh.

Nhưng Liên hiệp quốc cho biết các hoạt động cứu trợ đang gặp trở ngại do đường sá bị hư hỏng và các bệnh viện ở miền trung và tây bắc Myanmar nói riêng đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương trong trận động đất.

Tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước, người dân cho biết sự hỗ trợ của chính phủ cho đến nay vẫn còn khiêm tốn, khiến họ phải tự lo liệu.

Chính quyền quân sự Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế hiếm hoi. Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng của Myanmar đã gửi vật liệu và đội cứu trợ, cùng với viện trợ và nhân sự từ Malaysia, Singapore và Nga.

Tại tòa nhà Bangkok sụp đổ

Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan - cách Mandalay khoảng 1.000km - mưa đã rơi vào sáng 31/3 tại địa điểm một tòa nhà bị sập khi đang xây dựng.

Ngày 30/3, chính quyền thành phố cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng ở Bangkok, 33 người bị thương và 78 người vẫn mất tích.

Người thân đang  khẩn cầu cho sự an toàn của những công nhân đang còn mắc kẹt trpmg đống đổ nát ở Thái Lan
Người thân đang khẩn cầu cho sự an toàn của những công nhân đang còn mắc kẹt trong tòa nhà sụp đổ ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: AFP

Hầu hết những người tử vong là công nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa tháp, trong khi hầu hết những người mất tích được cho là bị mắc kẹt dưới đống đổ nát khổng lồ nơi tòa nhà chọc trời từng tọa lạc.

Lực lượng cứu hộ đã chạy đua trong suốt cuối tuần để tìm kiếm những người sống sót, sử dụng máy đào lớn để đào đống đổ nát trong khi các gia đình nạn nhân đau khổ chờ đợi gần đó.

Chó nghiệp vụ và máy bay không người lái chụp ảnh nhiệt đã được triển khai để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong tòa nhà bị sập, gần chợ cuối tuần Chatuchak nổi tiếng.

Thảo Nguyễn (theo AFP, Guardian, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI