3 mét vuông trên cao, 33 loại rau trái

01/11/2024 - 06:13

PNO - Ban công nhà chị Nguyễn Thị Kim Dung (quận Ba Đình, TP Hà Nội) trồng tới 33 loại rau trái, có cây đã cho trái qua 9 mùa.

Chị Dung mong muốn những bữa cơm gia đình có thêm rau sạch. Tuy nhiên, việc có được mảnh đất trồng rau ở thủ đô Hà Nội là điều không dễ. Vì vậy, chị tận dụng ban công chung cư đang ở để trồng rau hữu cơ.

Khu vườn trên cao của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung - Ảnh do nhân vật cung cấp
Khu vườn trên cao của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Tôi lên ý tưởng trồng cây ở ban công chung cư từ 9 năm trước. Ban đầu, diện tích ban công nhỏ nên tôi chỉ trồng được một ít cây như chanh, tắc, một số loại rau thơm. Đến khi dịch COVID-19 xuất hiện thì việc đi lại, mua bán bị hạn chế, kinh tế khó khăn hơn, sức khỏe cũng không còn tốt như trước nữa. Lúc này, tôi quyết tâm phải trồng được nhiều loại rau và thảo dược” - chị Dung kể.

Chị bắt đầu tự thiết kế lại ban công, thêm các giá, chậu, giàn để tăng diện tích trồng rau từ 3m2 lên 5,5m2. Dù mong muốn có thật nhiều rau trái, chị vẫn đảm bảo cách sắp xếp để khu vườn trên cao che được bóng mát, gọn gàng và đẹp mắt.

Về bí quyết trồng rau hữu cơ luôn tươi tốt 4 mùa, chị Kim Dung cho biết, phải đảm bảo đủ các yếu tố: ánh nắng, đất, giống cây, nước, phân bón hữu cơ.

Trong đó, ánh nắng mặt trời là yếu tố tiên quyết cho việc trồng rau. Nếu không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào vị trí trồng cây thì cây sẽ không phát triển được.

Để có đất tự nhiên và tơi xốp, vợ chồng chị Dung đi tìm nhiều nơi mới lựa chọn mang về để trồng rau. Lý giải việc vì sao không mua đất đóng bao ở cửa hàng, chị Dung nói đất bán sẵn thường chứa phân bón hóa học, trong khi chị muốn trồng rau hữu cơ.

Chị Dung bón cây hoàn toàn bằng nước gạo và phân hữu cơ tự ủ: “Tôi mua 1 thùng chuyên dụng dùng để ủ rác hữu cơ. Mỗi lần lặt rau hay gọt củ, quả thì tôi lấy phần vỏ bỏ đi cho vào thùng để ủ phân. Sau một thời gian, tôi sẽ chắt lấy nước, pha với nước sạch để tưới cây” - chị nói.

Việc chọn giống cây cũng rất quan trọng. Chị Dung luôn chọn giống thuần chủng, không biến đổi gen hoặc có những loại chị dùng hạt để gieo thành cây. Đó là những loại hạt lấy từ trái hữu cơ. Ông bà nội, ngoại gửi đồ ở quê (Nghệ An) ra, chị sẽ giữ lại hạt để gieo như bí xanh, bí đỏ, mướp, dưa leo. Đặc biệt, chị luôn trồng cây theo mùa chứ không trồng trái mùa.

Thu hoạch rau trên ban công - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thu hoạch rau trên ban công - Ảnh do nhân vật cung cấp

Bí quyết được chị Dung chia sẻ thêm: “Hãy luôn nói lời yêu thương cây”. Chị tin rằng, nếu có sự chăm sóc và tình cảm của người trồng, cây sẽ “cảm nhận” được và phát triển tốt hơn. Vậy nên chị thường khuyên các con mỗi lần tưới cây thì hãy tâm sự với cây, nói những lời yêu thương ngọt ngào.

Từng chút một, qua mỗi ngày, vườn cây mang lại rất nhiều niềm vui và trái ngọt cho cuộc sống của gia đình chị Dung. Có khoảng xanh tự nhiên, căn hộ như có thêm chiếc điều hòa không khí giúp thoáng mát. Mỗi lần tưới cây, chị Dung đều có cảm giác thư giãn và hạnh phúc khi được chăm sóc, thu hoạch sản phẩm do chính đôi tay mình làm nên.

“Nhờ trồng rau, gia đình tôi có nhiều vị thuốc để phòng và chữa bệnh. Mùa cúm, cả nhà thay vì dùng thuốc tây thì đã có hũ tắc ngâm và húng chanh, diếp cá, hẹ, mùi tàu, tía tô thay thế. Thích nhất là có thể hái nhiều loại rau, mỗi thứ một ít để làm món canh tập tàng rất ngon. Muốn ăn mì tôm cũng có thể chạy ra ban công hái ít rau thơm, rất tiện” - chị Dung hào hứng khoe.

Chị cũng dạy 2 con (Suneo 13 tuổi và Sunai 7 tuổi) cách trồng và chăm sóc các loại cây khác nhau, cách tái chế vật dụng để trồng cây như các chai, lọ nhựa. Những khi nhìn ngắm, tưới nước và quan sát cây lớn lên, các con chị lại học được nhiều điều không có trong sách vở.

“Vườn ban công” nhà chị Dung có đa dạng các loại rau trái. Nhiều loại được xem là khó trồng trong diện tích nhỏ hẹp như chanh, tắc, bí đao, mướp, dưa leo, cà chua, ớt cay Peru và ớt chỉ thiên. Rau thơm và rau ăn sống có 10 loại: mùi tàu, hành lá, tỏi, diếp cá, tía tô, kinh giới, húng quế, húng lủi, xà lách…

Chị cũng trồng nhiều loại rau để nấu canh hằng ngày với dọc mùng, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau ngót, hành hao, tầm bóp, rau chân vịt, rau cải, rau má… cả những loại rau vừa có thể làm thức ăn vừa chữa bệnh được như: mơ lông, lá lốt, hương thảo, sả, nghệ, gừng, húng chanh, hẹ, chân vịt…

Đặc biệt, có những cây đã gắn bó nhiều năm như cây tắc là 5 năm, cây chanh là 9 năm.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI