3 mẹ con hợp sức làm “sống lại” tinh hoa thổ cẩm người Thái

02/06/2024 - 06:42

PNO - Trước nguy cơ thất truyền, 3 mẹ con bà Bích cùng nhau tìm cách cách tân thổ cẩm, kết hợp với du lịch… để giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Kết hợp nghề dệt thổ cẩm với du lịch

Bản Hoa Tiến được xem là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An). Chị Sầm Thị Tình (trú bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) nói rằng, nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến đã có từ lâu đời.

Thêu và dệt thổ cẩm là công việc mà người phụ nữ Thái nào cũng cần phải biết. Từ nhỏ, họ đã được mẹ truyền nghề, để tự mình làm ra những chiếc váy, khăn, hay đồ dùng cá nhân cho bản thân và gia đình.

Trước nguy cơ nghề truyền thống bị thất truyền, bà Bích vận động phụ nữ trong vùng cùng thành lập HTX để giữ nghề - Ảnh: Phan Ngọc
Trước nguy cơ nghề truyền thống bị thất truyền, bà Bích vận động phụ nữ trong vùng cùng thành lập HTX để giữ nghề. Ảnh: Phan Ngọc

“Năm 8 tuổi tôi đã được bà và mẹ dạy nghề dệt thổ cẩm cho rồi” - chị Tình nói.

Song cũng như bao làng nghề truyền thống khác, nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến dần bị mai một do không cạnh tranh được với các loại vải công nghiệp giá rẻ tràn ngập thị trường. Khó tiêu thụ, người dân cũng chỉ dệt vải đủ dùng trong gia đình, lớp trẻ không còn mặn mà học nghề mà tìm đến các khu công nghiệp để tìm việc.

Trước nguy cơ nghề truyền thống của dân tộc bị thất truyền, năm 2010, bà Sầm Thị Bích (60 tuổi, mẹ của chị Tình) đã vận động một số nghệ nhân, thợ dệt trong bản cùng thành lập Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Rồi bà vừa truyền dạy nghề cho người dân, vừa đi khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để thích ứng với thời cuộc, họ cùng nhau tìm tòi, cải tiến mẫu mã sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: túi xách kiểu dáng hiện đại, ví cầm tay, giày, dép, thú bông, vỏ gối, khăn quàng cổ, khăn trải bàn…

Khi thổ cẩm Hoa Tiến hồi sinh, người dân bắt đầu nghĩ đến cách đưa sản phẩm ra vươn ra thế giới. Bà Bích cho biết, nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến đang dần hồi sinh mạnh mẽ nhờ mở rộng được thị trường tiêu thụ, đặc biệt là việc bán hàng trực tiếp cho khách du lịch thông qua các “tour du lịch dệt thổ cẩm”.

“Khi kết hợp với du lịch cộng đồng, người dân có thêm thu nhập từ làm du lịch, bán sản phẩm cho du khách và quảng bá sản phẩm đến với du khách khắp nơi” - bà Bích nói.

Nhiều phụ nữ Thái trong bản cũng sẵn sàng dệt thổ cẩm cho du khách xem, hoặc dạy cho du khách dệt và thêu thổ cẩm - Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều phụ nữ Thái trong bản cũng sẵn sàng dệt thổ cẩm cho du khách xem, hoặc dạy cho du khách dệt và thêu thổ cẩm - Ảnh: Phan Ngọc

Chị Sầm Thảo Trang (con gái bà Bích) cho biết, khi về Hoa Tiến tham quan, nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài thường thắc mắc về quá trình làm ra một tấm vải thổ cẩm.

Nắm bắt sự “tò mò” này, chị Trang liên kết với nhiều chị em trong bản mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm để vừa phục vụ cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa phục vụ du lịch trải nghiệm.

“Khách nước ngoài khi đến trải nghiệm rất hào hứng. Tuỳ vào nhu cầu, du khách có thể trải nghiệm thực tế các khâu để làm ra một tấm vải thổ cẩm, bắt đầu từ hái lá dâu cho tằm ăn, xe tơ, hái lá cây làm thuốc nhuộm vải… Nhiều phụ nữ Thái trong bản cũng sẵn sàng dệt thổ cẩm cho du khách xem, hoặc dạy cho du khách dệt và thêu thổ cẩm” - chị Trang nói.

Đưa thổ cẩm từ núi rừng vươn ra thế giới

Nếu như mẹ là nghệ nhân truyền dạy dệt thổ cẩm, chị gái ở quê nhà phát triển du lịch cộng đồng gắn với dệt thổ cẩm, thì chị Tình lại đảm nhận mảng kinh doanh và marketing của Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến.

Nhớ lại những ngày đầu theo mẹ đi khắp phố cổ Hà Nội quảng bá sản phẩm, chị Tình bảo rằng, nếu không có đủ tình yêu với nghề truyền thống, chắc mẹ con chị đã bỏ cuộc.

Chị Sầm Thị Tình giới thiệu về quy trình làm nên một tấm vải thổ cẩm cho du khách nước ngoài - Ảnh: Sầm Tình
Chị Sầm Thị Tình giới thiệu về quy trình làm nên một tấm vải thổ cẩm cho du khách nước ngoài - Ảnh: Sầm Tình

“Lúc đó làm gì đã có điện thoại đâu, chúng tôi cứ thấy cửa hàng nào bán hàng thổ cẩm là vào chào hàng rồi liên lạc với nhau bằng thư” - chị Tình kể.

Năm 2015, chị Tình mở cửa hàng thổ cẩm đầu tiên tại Hà Nội, với tên giao dịch tiếng Anh là Hoa Tien Brocade. Đây là bước khởi nghiệp quan trọng, để chị quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Để thị trường tiêu thụ được mở rộng, cô gái người Thái này luôn cố gắng tìm cho mình lối đi riêng. Những sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tien Brocade luôn đảm bảo giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc Thái, nhưng vừa hiện đại, tinh tế theo nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng.

“Ngày xưa chúng tôi đơn thuần chỉ thêu những chiếc váy, áo hoặc khăn truyền thống để sử dụng. Nhưng chúng sẽ rất khó bán vì không thông dụng, người dân không thể mặc thường xuyên được. Mình phải làm sao để hàng thổ cẩm có tính ứng dụng cao” - chị Tình nói.

Với phương châm đó, ngoài những sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn piêu... chị Tình mày mò thiết kế, gia công nhiều sản phẩm như khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông, các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn... “Mình chỉ cần phối ít hoa văn thổ cẩm lên để tạo điểm nhấn thôi” - chị Tình nói.

Những sản phẩm thổ cẩm vừa giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc Thái, vừa hiện đại, tinh tế theo nhu cầu thị trường - Ảnh: Sầm Tình
Những sản phẩm thổ cẩm vừa giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc Thái, vừa hiện đại, tinh tế theo nhu cầu thị trường - Ảnh: Sầm Tình

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, “cô gái thổ cẩm” còn đưa sản phẩm của miền Tây xứ Nghệ vươn xa ra “biển lớn” để quảng bá.

Mỗi tháng, chị Tình còn tổ chức các buổi workshop, thu hút hàng chục du khách nước ngoài đến nghe những cô gái người Thái kể chuyện về nghề dệt thổ cẩm, nghe chuyện, hoa văn trên vải thổ cẩm… và đặc biệt là trải nghiệm dệt, nhuộm vải.

Nhờ chủ động thích nghi với thời đại công nghệ số, những sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến dần có mặt tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế như Đức, Pháp, Úc, Malaysia, Tây Ban Nha, Nhật, Lào…

Theo chị Tình, hiện Hoa Tien Brocade đã có đơn hàng thường xuyên ở nhiều nước trên thế giới. Doanh thu mỗi năm đạt gần 2 tỉ đồng.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI