3 giải pháp để thúc đẩy thị trường trong nước

22/04/2025 - 15:07

PNO - Cải thiện niềm tin người tiêu dùng thông qua tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người tiêu dùng và nâng “sức khỏe” cho doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ vốn và thuế....

Những giải pháp trên được ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) - đề xuất tại Hội nghị thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/4.

Ngoài ra, theo ông Đức, cần đầu tư cho công nghệ mới và thúc đẩy số hóa. Hoạt động này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử bằng những cơ chế, chính sách rõ ràng hơn. Chẳng hạn có quy định về thuế thương mại điện tử xuyên biên giới, có chính sách quản lý bán hàng livestream (phát trực tiếp)…

Giải pháp cuối cùng là cần cấu trúc hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của chính lĩnh vực phân phối trong nước để tạo không gian mới cho bán lẻ.

Niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm, kéo theo đó sức mua cũng chậm lại
Niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm, kéo theo đó sức mua cũng chậm lại

Theo đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, việc phát triển thị trường trong nước năm 2025 đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại, biến động tỉ giá ngoại tệ khiến thị trường xuất khẩu ảnh hưởng, làm giảm thu nhập của một bộ phận người dân và gián tiếp tác động đến tiêu dùng nội địa.

Cùng đó là sự thay đổi hành vi mua sắm từ offline (mua trực tiếp) sang online (trực tuyến) đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với các nền tảng số, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư triển khai và thích ứng.

Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.

Đại diện WinCommerce cho biết, trong năm 2025 doanh nghiệp đặt mục tiêu mở thêm 800 điểm bán mới và hướng tới đạt 8.000 điểm bán vào năm 2029. Tuy nhiên, trước tình hình suy thoái kinh tế và tình hình chính trị - thương mại thế giới bất ổn tác động đến kinh tế trong nước và tâm lý tiêu dùng của toàn dân, để đạt mục tiêu rất cần có các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Vị này đề xuất UBND các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận với các quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, phát triển logistics tại vùng, địa phương để đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Song song đó, doanh nghiệp mong muốn được miễn giảm phí, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp trong nước phát triển mô hình bán lẻ hiện đại ở các ở ven đô thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; giảm tiền thuê đất, giảm chi phí điện năng khoảng 20-25% chi phí hiện tại cho các chuỗi bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng ven, ngoại thành…

Theo số liệu của Cục thống kê - Bộ Tài chính, hàng hóa được phân phối, bán cho người tiêu dùng qua hệ thống hạ tầng thương mại đang phát triển liên tục cùng với quá trình đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và đô thị hóa tại các địa phương trên cả nước. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và khoảng gần 7.000 cửa hàng tiện lợi.

Ước tính, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922 tỉ đồng (tương đương khoảng 190 tỉ USD), trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là 35,7%, tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%, cuối cùng là nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục chiếm 1,3%.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI