3 động lực tăng trưởng của ngành thủy sản

02/12/2023 - 06:02

PNO - Vài tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu phục hồi, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống do sụt giảm kéo dài trong nhiều tháng.

 

Chế biến cá tra xuất khẩu
Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên đạt mốc 11 tỉ USD, góp phần quan trọng xác lập kim ngạch xuất khẩu kỷ lục hơn 53,2 tỉ USD của nước ta. Nhưng ngành xuất khẩu tỉ đô này lại rơi vào khó khăn, liên tục sụt giảm ở các thị trường lớn từ đầu năm 2023. Giá nhập khẩu thủy sản ở Mỹ, EU và Trung Quốc trong năm 2023 đã giảm tương ứng khoảng 13,4%, 10% và 2,7% so năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 10 tháng qua chỉ đạt gần 7,5 tỉ USD, giảm mạnh so với năm 2022. 

Vài tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu phục hồi, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống do sụt giảm kéo dài trong nhiều tháng. Dự kiến xuất khẩu thủy sản năm 2023 chỉ đạt khoảng 9 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với năm 2022. Từ thực tế trên, việc tìm động lực để ngành thủy sản phục hồi và tăng tốc đang là vấn đề cấp bách. 

Từ thực tiễn, có thể thấy, cần quan tâm đến 3 động lực tăng trưởng của ngành thủy sản là: khơi thông thị trường xuất khẩu chủ lực; nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu, chế biến thủy sản; vận hành hiệu quả hệ thống ngành hàng.

Trong tình thế hiện tại và tiếp cận theo hướng cầu của thị trường thì khơi thông và phát triển các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực chính là động lực mở đường. Cần điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm; chủ động tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống; tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do và tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, chương trình giao thương để tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng. Theo đó, cần đặc biệt quan tâm các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu; EU, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu hấp dẫn của thủy sản Việt Nam. Nhưng họ cũng thường sử dụng các công cụ bảo hộ như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, “thẻ vàng”. Trung Quốc tháo dỡ các rào cản phòng dịch trước đây nhưng cũng siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng. 

Cùng với Mỹ, EU và Nhật Bản thì các nước ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam. Đây là các thị trường được nhận định có tiềm năng lớn. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu mới ở khu vực châu Á, Trung Đông có khả năng mở rộng.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong dài hạn vẫn là những giải pháp nội tại của ngành. Người nuôi và đánh bắt thủy sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp thủy sản chịu sức ép lớn từ các đối thủ cạnh tranh, mất nhiều đơn hàng, chi phí tăng, cần được trợ lực bằng các chính sách khuyến khích về thuế, hỗ trợ người lao động, xuất khẩu.

Cần khuyến khích đầu tư các cơ sở cung ứng, phân phối vật tư cho nghề nuôi thủy sản; tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản bằng việc sớm thực thi hiệu quả các quyết sách hỗ trợ của Chính phủ về gói tín dụng, lãi suất, chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp. 

Cần ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho, tăng tỉ trọng chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Cần kết nối chặt chẽ giữa các mắt xích trong các chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản chủ lực, từ đầu vào đến đầu ra, từ vùng nuôi đến các ngành công nghiệp chế biến, đổi mới, sáng tạo, ngành thương mại, dịch vụ hậu cần (logistics).

Các động lực cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nói trên cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành chứ không chỉ có ngành thủy sản. Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có chiến lược căn cơ để thủy sản trụ vững trong những thời điểm khó khăn, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI