PNO - Để chứng tỏ đẳng cấp hơn mức bình thường, một thẩm mỹ viện ở TP.HCM tự chế chất làm trắng da. Và sau khi tiêm vào cổ, một khách hàng nữ phải nhập viện điều trị vì biến chứng.
Ngày 26/5, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (42 tuổi) bị biến chứng sau khi bị một thẩm mỹ viện tiêm chất làm trắng tự chế vào vùng cổ.
Vùng cổ với hàng chục nốt sần sùi sau khi bị tiêm chất làm trắng da trực tiếp vào người.
Cơ sở thẩm mỹ gây tai biến đã trộn lẫn 3 chất lấy từ sản phẩm làm trắng da để bơm thẳng vào cổ khách hàng. Ngay sau đó, bệnh nhân bị viêm da, sưng tấy vùng cổ. Sau 2 tháng, vết sưng tấy vùng cổ vẫn không 'hạ nhiệt' nên người phụ nữ này quyết định đến bệnh viện Trưng Vương để điều trị.
Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh phân tích, những chất làm trắng da mà thẩm mỹ viện đã bơm vào người bệnh nhân là những chất chỉ được sử dụng bôi ngoài, cải thiện tình trạng da nhăn nheo.
Theo bác sĩ Khanh, phụ nữ khi làm đẹp có thể yêu cầu biết tên các loại thuốc được sử dụng.
Đó là 3 chất: DNA, hyaluronic acid và glutathione. Trong số này có hyaluronic acid là chất cũng được sử dụng bơm trực tiếp vào cơ thể như chất làm đầy. Tuy nhiên, khi hyaluronic acid được sử dụng trong mỹ phẩm bôi ngoài da thì không thể đem bơm vào cơ thể, rất nguy hiểm.
Sản phẩm bôi ngoài da không thể giống với thuốc bơm vào cơ thể vì có khác biệt về các thành phần biệt dược. Bác sĩ Khanh khẳng định bác sĩ thực hiện kỹ thuật này hoàn toàn không hiểu biết về nguyên tắc cơ bản trong sử dụng thuốc.
Trong 3 chất bơm vào cơ thể bệnh nhân, hiện chỉ có một loại thuốc để phân giải chất hyaluronic acid, 2 chất làm trắng da còn lại không thể 'giải thoát' được khỏi cơ thể. Do đó, những vết sưng tấy ở cổ của bệnh nhân sẽ để lại sẹo sau khi điều trị.
Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh cảnh tỉnh, đây không phải là lần đầu có những trường hợp bị tiêm chất làm trắng da vào thẳng người như thế này. Lần trước, một phụ nữ sau khi bị tiêm chất làm trắng da vào người đã bị một ổ áp xe đầy mủ và sau đó vỡ ra.
Làm thế nào để tránh những trường hợp đi làm đẹp nhưng lại xấu hơn, thậm chí bị biến chứng thẩm mỹ? Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh khẳng định những phụ nữ khi đến bất cứ đâu, kể cả bệnh viện công lập hay cơ sở thẩm mỹ đều có quyền và phải được biết 3 điều sau:
Phải biết tên thuốc hoặc hóa chất mà người ta định tiêm vào người mình. Có quyền được cung cấp vỏ hộp thuốc để tìm hiểu về tác dụng của thuốc.
Phải biết tên bác sĩ và bác sĩ này có được cấp phép hành nghề hay không.
Phải biết cơ sở làm đẹp có được cấp giấy phép hoạt động chưa và kỹ thuật sẽ được thực hiện trên cơ thể mình có được Sở Y tế TP.HCM cho phép hay chưa.