3 bệnh nhân ngộ độc botulinum bị liệt hoàn toàn, phải thở máy chỉ được điều trị hỗ trợ

23/05/2023 - 10:20

PNO - 2 bệnh nhân ăn bánh mì kẹp chả và 1 người ăn mắm bị ngộ độc botulinum phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0,5 - 1,5, tức bị liệt hoàn toàn. Do không có thuốc giải độc BAT, 3 bệnh nhân chỉ được điều trị hỗ trợ.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP. Thủ Đức đang diễn tiến xấu. Cả 3 đều phải thở máy, sức cơ 0,5 - 1,5, nghĩa là bị liệt hoàn toàn.

Theo đó, ngày 13/5, 2 bệnh nhân là anh em ruột 18 và 26 tuổi (ở TP Thủ Đức) có ăn bánh mì chả lụa. Qua hôm sau, cả hai đều có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng. Ngày 15/5, bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn, nhìn đôi, đau cơ. 1 người nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, người còn lại đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó 2 bệnh viện hội chẩn, thống nhất chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chăm sóc, điều trị.

Bác sĩ Hùng kiểm tra sức khỏe cho 1 trong 3 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, ảnh T.H
Bác sĩ Lê Quốc Hùng kiểm tra sức khỏe cho một trong 3 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum - Ảnh: T.H.

Nam bệnh nhân còn lại (45 tuổi, ở TP Thủ Đức) được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước đó, bệnh nhân ăn 1 loại mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy bệnh nhân nhiễm độc botulinum nguồn gốc từ thức ăn.

Cả ba bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng. “Rất tiếc, chúng tôi không còn thuốc giải độc BAT, bởi trước đó những lọ thuốc còn lại đã được sử dụng cho 3 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM” - bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.

Do hết thuốc giải độc, 3 bệnh nhân chỉ được điều trị hỗ trợ gồm thở máy, nuôi dinh dưỡng. Dự kiến thời gian thở máy có thể kéo dài khoảng 3 - 6 tháng.

Theo bác sĩ Hùng, nếu có thuốc giải độc BAT, thuốc sẽ có tác dụng kháng độc tố, trung hòa chất độc, khiến bệnh ngưng tiến triển. Điển hình là các ca ngộ độc botulinum trước, bệnh nhân được truyền thuốc giải độc kịp thời đã hồi phục nhanh chóng. 

Gần đây nhất, 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, được sử dụng thuốc BAT nên hiện tại 1 bé đã hồi phục hoàn toàn. 2 bé còn lại tuy thở máy nhưng có cải thiện về sức cơ, hy vọng sẽ hồi phục và cai máy thở trong những ngày tới.

Thuốc giải độc BAT đã cạn, các bệnh nhân hiện tại chỉ được điều trị hỗ trợ
Thuốc giải độc BAT đã cạn, các bệnh nhân hiện tại chỉ được điều trị hỗ trợ

Bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc botulinum, người dân không nên tự đóng gói kín thực phẩm, sử dụng thực phẩm đóng hộp để lâu. Ngoài ra, cần đun sôi kỹ thức ăn trước khi sử dụng. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống như dưa muối hay các loại mắm, cần đảm bảo quy trình thực hiện, nếu có mùi lạ, quá chua thì tốt nhất không ăn. 

Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện tại, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm TP Thủ Đức đang điều tra, xử lý các nguồn chả lụa, bánh mì được mua từ những người bán hàng rong trên địa bàn liên quan đến các trường hợp ngộ độc thực phẩm, ngộ độc botulinum vừa qua.

Đoàn kiểm tra khuyến cáo, người dân nếu có các vấn đề về sức khỏe hoặc nghi ngờ đã sử dụng sản phẩm chả lụa và bánh mì không đảm bảo an toàn, cần đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.

Cơ quan An toàn thực phẩm TP Thủ Đức khuyến cáo người dân cần chú ý vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao cảnh giác với nguồn thức ăn gây ngộ độc botulinum.

Về vấn đề thiếu thuốc giải độc botulinum, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay, thuốc BAT là loại thuốc rất hiếm, mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện không dự trù đủ. Ngay khi nhận được tin Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc giải độc botulinum, cục đã liên hệ với nhà nhập khẩu là Công ty CPC1.

Hiện tại, công ty nhập khẩu cũng đã liên hệ với nhà cung ứng ở nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu. Đồng thời, cục cũng hướng dẫn cho bệnh viện các thủ tục để nhanh chóng nhập thuốc cứu bệnh nhân.

Bên cạnh đó, một số bệnh viện lớn vẫn mua thuốc hiếm dự phòng nhưng danh mục không thể đầy đủ theo nhu cầu. Ngoài ra, do giá thành của thuốc BAT cao (8.000 USD/lọ) nên nếu mua dự trữ nhưng không sử dụng hết thì sẽ lãng phí khi thuốc hết hạn. Chính vì vậy, bệnh viện e ngại trong việc trữ thuốc, đây cũng chưa phải là kế hoạch lâu dài.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI