3,4 tỉ người trên toàn cầu sống chung hoặc chết vì các bệnh lý thần kinh

15/03/2024 - 20:45

PNO - Theo thống kê mới nhất, số người sống chung hoặc chết vì các bệnh liên quan đến thần kinh như đột quỵ đã tăng lên đến 3,4 tỉ người, chiếm 43% dân số toàn cầu.

Tình trạng thần kinh gây ra 11,1 triệu ca tử vong vào năm 2021. Ảnh: peterschreiber.media/Alamy
Các bệnh thần kinh gây ra 11,1 triệu ca tử vong vào năm 2021

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Lancet, số người sống chung hoặc chết vì rối loạn hệ thần kinh đã tăng lên đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Kể từ năm 1990, số ca bệnh trên toàn cầu tăng 59%, chủ yếu do dân số thế giới đang già đi và tăng nhanh, cũng như sự gia tăng tiếp xúc với các yếu tố rủi ro về môi trường, trao đổi chất, ô nhiễm, tình trạng béo phì...

Các tình trạng thường gặp nhất: đau nửa đầu, đột quỵ, bệnh Parkinson và chứng mất trí nhớ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng bệnh tật trên toàn thế giới. Năm 2021, có 3,4 tỉ người (43% dân số toàn cầu) sống chung hoặc chết vì bệnh thần kinh. Bệnh thần kinh cũng gây ra 11,1 triệu ca tử vong vào năm 2021.

Các rối loạn thần kinh phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng (khoảng 2 tỉ trường hợp) và đau nửa đầu (khoảng 1,1 tỉ trường hợp).

Xem xét sự ảnh hưởng của 37 bệnh lý thần kinh đến tình trạng sức khỏe kém, khuyết tật và tử vong sớm từ năm 1990 đến 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện, hơn 443 triệu năm sống khỏe mạnh đã bị mất vào năm 2021, tăng 18% so với năm 1990 (375 triệu năm).

Tại Anh, số liệu từ Brain Research UK cho thấy, cứ 6 người thì có 1 người mắc bệnh lý thần kinh, 2,6 triệu người phải sống chung với hậu quả của chấn thương sọ não hoặc đột quỵ. Hơn 944.000 người ở Anh mắc chứng mất trí nhớ và con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên hơn 1 triệu vào năm 2030.

 

Bà Jaimie Steinmetz từ Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) tại Hoa Kỳ - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết, các bệnh lý thần kinh là "nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật nói chung". Trong đó, đứng đầu là đột quỵ. Tiếp đến là viêm màng não, động kinh, bệnh Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ. Ở trẻ em thì chấn thương não ở trẻ sơ sinh, biến chứng thần kinh (ở trẻ sinh trước 37 tuần thai), tổn thương thần kinh do tiểu đường, tự kỷ và ung thư hệ thần kinh chiếm đa số.

Năm 2021, có 11,1 triệu người đã chết vì 37 bệnh lý thần kinh. Tuy nhiên, bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu khi đã cướp đi mạng sống của 19,8 triệu người trên thế giới vào năm 2022.

 

Trọng Trí (theo Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI