3.000 y tá trên toàn cầu đã thiệt mạng vì COVID-19

11/03/2021 - 15:47

PNO - Ít nhất 3.000 y tá đã tử vong vì COVID-19, theo số liệu của Hiệp hội Y tá quốc tế (ICN) mới được công bố vào ngày 11/3. Tổ chức này cũng cảnh báo sẽ còn nhiều nhân viên y tế có thể bị ảnh hưởng về sức khỏe, tính mạng và muốn thoát khỏi ngành do đại dịch này trong thời gian tới.

 

hàng triệu y tá trên toàn cầu đang cân nhắc việc từ bỏ nghề nghiệp của mình vì kiệt sức và căng thẳng
Theo ICN, hàng triệu y tá trên toàn cầu đang cân nhắc việc bỏ nghề vì kiệt sức và căng thẳng

ICN, được thành lập năm 1899 và là một tổ chức gồm hơn 130 hiệp hội y tá quốc gia, cho biết sau một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 là một đại dịch, hàng triệu y tá trên toàn cầu đang cân nhắc việc từ bỏ nghề nghiệp của mình vì kiệt sức và căng thẳng. ICN cũng cảnh báo thêm, khi đại dịch đi qua, số lượng y tá có kinh nghiệm còn lại sẽ không đủ để phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe thường lệ tại các bệnh viện vốn đang bị “dồn toa” để nhường chỗ cho việc chữa trị bệnh liên quan đến các trường hợp bị nhiễm COVID-19.

ICN cho biết thêm con số y tá bị thiệt mạng vì COVID-19 nói trên được tập hợp chỉ từ 60 quốc gia, chưa phản ảnh đầy đủ tổng số y tá đã mất trên thế giới. “Các y tá đã phải trải qua một giai đoạn dài căng thẳng về tinh thần khi đại dịch bùng phát tại nhiều quốc gia. Họ đã làm việc và cống hiến hết sức lực của mình để giúp bệnh nhân”, Howard Catton, Giám đốc của INC chia sẻ.

Catton cho biết hiện lực lượng y tá toàn cầu gồm 27 triệu người, vẫn còn thiếu 6 triệu người khi xảy ra đại dịch, và khoảng 4 triệu người dự kiến sẽ nghỉ hưu từ nay đến năm 2030.

ICN cũng cảnh báo, số lượng y tá nghỉ việc vì căng thẳng trong công việc sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới với ước tính trong nửa sau của năm 2021, thế giới sẽ thiếu hụt 13 triệu y tá. Trong khi đó, cần phải mất 3-4 năm để đào tạo một y tá mới.

Hiện, ICN đang kêu gọi chính phủ các nước tăng cường đào tạo y tá mới để giải quyết sự thiếu hụt trên toàn cầu. ICN cũng đề xuất tăng lương cho lực lượng này để giữ chân họ trong ngành lâu hơn. “Chúng ta đang đứng bên bờ vực”, Catton cảnh báo.

Trong khi đó, WHO cũng mong muốn nhân viên y tế ở tất cả các nước được tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đầy đủ trong vòng 100 ngày đầu năm 2021. Catton cũng cho rằng đây là đối tượng nên được ưu tiên tiêm ngừa đầu tiên và kêu gọi sự quan tâm đến tình trạng phân phối vắc-xin không đồng đều giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI