269 tỉ đồng mua ấm chén và những lựa chọn

29/02/2020 - 20:03

PNO - Cái truyền trao, để lại, khắc dấu từ cột mốc 65 năm này sẽ là gì - với 269 tỉ đồng, quy đổi bằng 600.000 bộ ấm chén, lá cờ Tổ quốc?

Một lá cờ Tổ quốc và một bộ ấm chén là quà tặng của UBND TP. Hải Phòng gửi đến mỗi hộ dân thành phố cảng, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955-13/5/2020). Tổng trị giá cho đợt tặng quà này là 269 tỉ đồng.

Hướng đến một ngày lễ trọng của thành phố bằng việc tặng quà cho dân là một suy nghĩ, hành động rất đáng ghi nhận. 269 tỉ đồng là số tiền lớn càng cho thấy mức độ “lớn lao” trong tư duy, thái độ của lãnh đạo Hải Phòng.

Tuy nhiên, từ “cách cho” có vẻ là lòng thành ấy, đến “của cho” - đặt trong điều kiện thực tế lẫn những đòi hỏi bức thiết của xã hội thì món quà không vượt quá 500.000 đồng ấy lại... dưới tầm suy nghĩ cũng như những mong đợi của người dân trước một ngày trọng đại, một kỷ niệm mang ý nghĩa lịch sử.

Lá cờ Tổ quốc luôn sẵn trong tim mỗi người dân Việt, trong những ngày lễ lớn, trong những lúc mừng vui vì chiến thắng của đội bóng nước nhà
Lá cờ Tổ quốc luôn sẵn trong tim mỗi người dân Việt, trong những ngày lễ lớn, trong những lúc mừng vui vì chiến thắng của đội bóng nước nhà

Sở hữu một lá cờ Tổ quốc, tôi nghĩ, với tất cả công dân Việt Nam là không thể không có. Bằng chứng trong các ngày lễ lớn, mọi khu phố, khu dân cư đều rợp một màu cờ. Những “đêm đi bão” mừng chiến thắng đội tuyển bóng đá quốc gia, lá cờ là minh chứng cho niềm tự hào quốc dân tột độ.

Làm chủ một... bộ ấm chén, trong điều kiện sống hiện nay thì lại càng chẳng hiếm hoi gì! Thì đành một bộ ấm chén có khắc khảm logo, dòng chữ kỷ niệm sẽ mang giá trị nhưng rốt cuộc thì cũng chỉ là để... pha trà, uống nước.

Quà tặng mang theo tấm lòng. Người nhận quà hẳn cũng sẽ vui mà đón nhận tấm lòng bao la ấy. Nhưng, quà tặng nhân dân cao quý nhất, thiết thực nhất mà cũng là chân thành và bền bỉ nhất, bất luận là “kỷ niệm” hay “chào mừng” thì vẫn là những công trình mang tính phục vụ nhân dân, cộng đồng một cách cụ thể và bền vững.

Làm nên thành quả của 65 năm trưởng thành và phát triển chính là công sức, tâm huyết mà cũng chính là trách nhiệm lẫn quyền lợi của nhân dân đất cảng. Nếu chỉ để tưởng thưởng - thông qua một món quà không quá 500.000 đồng - của thế hệ “người đương thời” thì thật khó để gọi là xứng đáng với chính họ, với các thế hệ đồng bào trước và sau họ.

Cái truyền trao, để lại, khắc dấu từ cột mốc 65 năm này sẽ là gì - với 269 tỉ đồng, quy đổi bằng 600.000 bộ ấm chén, lá cờ Tổ quốc hay bằng một hay hai công trình trạm xá, bệnh viện hay trường học, tôi nghĩ, nhân dân thành phố Hoa phượng đỏ sẽ biết phải lựa chọn cho họ, cho con cháu họ điều gì là ý nghĩa nhất, tốt đẹp nhất.

Đến đây tôi chợt nhớ, cũng vào ngày 28/2, khi viết mấy dòng tưởng nhớ đến người bác kính yêu - bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - trên trang cá nhân, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu đã bộc bạch: sau hội thảo khoa học về nhân vật Nguyễn Văn Hưởng, UBND tỉnh An Giang đã có ý hướng xây nhà lưu niệm Nguyễn Văn Hưởng ngay tại quê hương Cù lao Giêng của ông. Nhưng đại diện gia đình xin phép chuyển đổi ý định xây nhà lưu niệm bằng xây trạm xá hoặc trường học tại xã Mỹ Hiệp.

Chắc rằng, 65 năm Hải Phòng được giải phóng hay thời gian kỷ niệm ngày lịch sử của đất Cảng sẽ nối dài hơn nữa, thì đất ấy, con người xứ biển anh hùng và hào hiệp ấy cũng đã, đang và sẽ luôn neo giữ trong họ một lá cờ Tổ quốc và bao công trình họ đã đóng góp, vun sức cùng thành phố. Họ hẳn sẽ chẳng phải đợi nhìn vào... bộ ấm chén thì mới nhận ra mình là một phần của quê hương Hoa phượng đỏ.

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI