25 năm trao hy vọng cho những vầng trăng khuyết

27/03/2023 - 06:44

PNO - Đã 83 tuổi, bà Đỗ Thúy Nga có đến 60 năm gắn bó với trẻ em. Từ bác sĩ nhi khoa, bà chuyển công tác sang Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sau đó là cán bộ phòng giáo dục và đào tạo. Suốt 25 năm qua bà đã và vẫn đang bền bỉ giáo dục những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, để các em được sống một cuộc sống bình thường.

Mỗi thay đổi là một niềm vui

Trung tâm Hy Vọng nằm sâu, ngoắt ngoéo trong con ngõ nhỏ - ngõ 192 Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. 15 cô giáo, hơn 50 học sinh (hầu hết từ 3-11 tuổi) đều gọi bà Đỗ Thúy Nga - Giám đốc trung tâm - là “bà”. Học sinh, phụ huynh, cô giáo gọi “bà”, xưng “con”. Riêng các cô giáo đã có cháu nội, cháu ngoại thì gọi “bà”, xưng “em”.

4 lớp học, đa phần là tiếng ê a tập đọc, tập nói những từ, câu đơn giản… Học sinh ở đây là các em khiếm khuyết về trí tuệ, bại não, hẹp sọ não, não úng thủy, di chứng viêm màng não, tăng động giảm trí nhớ, động kinh, tự kỷ… Các cháu đều chậm phát triển trí tuệ, nên những điều quá đỗi bình thường của những đứa trẻ đang bi bô học nói - có khi cũng là mơ ước của không ít phụ huynh.

Cô giáo Nguyễn Thị Quý chia sẻ: “Có em lúc tập đọc thì đọc được các dấu, nhưng khi nói đều chuyển về dấu huyền: “còn chào cồ” (con chào cô), “đì ằn cờm” (đi ăn cơm). Có cháu học cả ngày mới nhớ được 1 chữ cái, cũng có cháu phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới quen 1 chữ. Có khi học về đồ vật, cô hỏi “đây là cái gì?” thì các em đồng thanh đáp lại… “đây là cái gì?”. Hay lớp học đang yên lặng, có em bất ngờ la hét, có em lên cơn co giật, có em quậy phá…”. 

Đơn giản nhất là lời chào, có khi các em phải mất cả năm trời mới thực hành trọn vẹn. Bà L.T.N. - phụ huynh cháu M.A. - khoe: “Sáng nay, tôi đưa M.A. đến, cháu đã biết “con chào bà Nga”, “con chào cô Q.”. Và rất bất ngờ, cháu quay sang “con chào bà nội”, thay vì “con chào bà N.” như mọi ngày. Bà N. rớm nước mắt: “Cháu người ta chưa đầy tuổi đã “bà”, “ba”, “mẹ”…

Nhưng với M.A., gia đình tôi đã phải chờ suốt 4 năm. Ngày nghe cháu gọi “mẹ ơi” lần đầu tiên, cả bố mẹ cháu và ông bà nội đều miệng cười mà nước mắt lại cứ rơi vì hạnh phúc”.

Bà Đỗ Thúy Nga kiểm tra răng miệng cho học sinh tại Trung tâm Hy Vọng
Bà Đỗ Thúy Nga kiểm tra răng miệng cho học sinh tại Trung tâm Hy Vọng

Không chỉ với phụ huynh, mà mỗi câu nói của các em đều mang đến cho bà Nga, cho các cô giáo niềm hân hoan, hy vọng. M.H. là cậu bé tự kỷ, thường chỉ ngồi một góc, chơi một mình.

Bỗng một ngày mùa đông, N.T. vào lớp, đặt chiếc áo mới lên bàn. M.H. đứng dậy, tiến đến phía bàn N.T. và cầm áo lên đưa bạn nói “rét, mặc áo Mác-quyn (nhân vật phim hoạt hình Vương quốc xe hơi)”. Các cô giáo ngạc nhiên, đoán H. thích xem phim hoạt hình. Các cô bèn thử đưa H. một số nhân vật hoạt hình, bất ngờ, H. nói được hết tên nhân vật. Từ đó, mỗi khi dạy bài học mới, các cô đều lồng ghép với các nhân vật hoạt hình. Kết quả là H. nhanh nhớ bài học hơn trước.

“Nuôi 1 trẻ khiếm khuyết vất vả gấp 10 lần trẻ bình thường. Dạy 1 trẻ chậm phát triển trí tuệ vất vả gấp trăm lần trẻ bình thường. Việc chăm sóc, dạy bảo phải nương theo tâm sinh lý của các em. Khi nắm bắt được tâm sinh lý của các em rồi, cô giáo sẽ biết trẻ cần gì. Và cô giáo, cũng phải luôn luôn thay đổi cách dạy để phù hợp với cá nhân mỗi em” - bà Nga chia sẻ. 

Hành động bằng trái tim người mẹ, người bà

Bà Nga có nhiều năm gắn bó với bệnh nhi, với công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Những năm đầu thập niên 1990, bà chuyển về công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Và bà thấy một thực tế: không ít các lớp học bà tới dự giờ có những học sinh rất đặc biệt - các em không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn được lên lớp Bốn, lớp Năm.

Bà đề nghị mở 1 lớp học dành cho những học sinh đặc biệt đó. Những cô giáo tâm huyết nhất phụ trách lớp học, mỗi cô kèm 1 nhóm 5-6 học sinh. Thế nhưng, lớp học ấy nhanh chóng tan rã chỉ sau 1 học kỳ. Ba Nga thấy mình như mắc nợ những em nhỏ chậm chạp, ngô nghê ấy…
 

Một tình nguyện viên người nước ngoài (bìa phải) chụp hình kỷ niệm với bà Nga  và học sinh Trung tâm Hy Vọng
Một tình nguyện viên người nước ngoài (bìa phải) chụp hình kỷ niệm với bà Nga và học sinh Trung tâm Hy Vọng

Năm 1998, bà Nga về hưu. Thay vì nghỉ ngơi, hoặc nhận lời mời làm bác sĩ tại các phòng khám, bà quyết định mở Trung tâm Hy Vọng. Ban đầu bà chỉ dạy 1 nhóm nhỏ gần 10 em, trong gian nhà thuê. Dần dần, số học sinh tăng, bà kêu gọi những giáo viên tâm huyết, có kinh nghiệm tham gia chăm sóc, dạy dỗ trẻ đặc biệt. Bà mượn ngôi nhà của con gái, con rể và dời trung tâm về địa chỉ hiện nay.

Hơn 300 em khắp 20 tỉnh, thành là con số bà Nga, các cô giáo đặc biệt của trung tâm đã bền bỉ, kiên trì chăm sóc, dạy dỗ suốt 25 năm qua. Có những em sau khi học ở trung tâm đã ra ngoài hòa nhập. 20 năm trước, V.H.G. được cha mẹ đưa đến trung tâm, nhờ bà Nga và các cô giáo chăm sóc, rèn kỹ năng, học văn hóa. Hiện tại G. là nhân viên của một công ty bảo hiểm, đã có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân. Không ít em hoàn thành chương trình lớp Năm tại trung tâm, đã xin làm công nhân, bảo vệ… Những phụ huynh gửi con đến đây, đều chung một ước mơ giản dị: con được sống một cuộc sống bình thường.

100% trẻ chậm phát triển trí tuệ, với những chứng bệnh chỉ nghe đã “thấy sợ”; các em ăn trưa, sinh hoạt tại trung tâm trọn ngày nhưng học phí chỉ 4 triệu đồng/tháng. Với những em khó khăn, trung tâm chỉ thu 1,5 triệu đồng/tháng. Những cô giáo đồng hành cùng bà Nga từ ngày đầu thành lập trung tâm như cô Thu, cô Quyên… hay những cô giáo đến sau như cô Quý, cô Hương… đều bỏ qua những cơ hội làm giáo viên chuyên biệt ở bên ngoài, tận tâm bù đắp cho những học sinh kém may mắn nơi này. 

83 tuổi, mỗi ngày bà Nga vẫn lên xuống mấy tầng lầu để coi sóc công việc của trung tâm, bảo ban bọn trẻ. Bà bảo: “Các em như những vầng trăng khuyết. Trách nhiệm của chúng ta là phải bồi đắp để những vầng trăng ấy được tròn hơn, bớt đi những thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Mọi người hỏi tôi tại sao lại chọn công việc quá vất vả này? Có lẽ vì cuộc đời đã ưu ái tôi, cho tôi sức khỏe, cho tôi một gia đình với người chồng tốt, những đứa con hiếu thảo. Tôi cần phải trả ơn cuộc đời bằng việc làm gì đó - tôi chọn chăm sóc, giáo dục trẻ khiếm khuyết vì điều đó nằm trong sự hiểu biết và khả năng của tôi. Tôi thấy những việc mình làm như là lẽ thường tình. Người bà, người mẹ nào mà chẳng yêu thương, chẳng muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con, cho cháu!”. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI