242 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn việc học trong năm 2024

24/01/2025 - 10:15

PNO - Ngày 23/1, Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết, thời tiết khắc nghiệt đã làm gián đoạn việc học tập của khoảng 242 triệu trẻ em ở 85 quốc gia trong năm 2024.

Con số trên chiếm khoảng 1/7 tổng số học sinh toàn cầu.

Một giáo viên làm việc bên trong một lớp học trống sau khi các lớp học trực tiếp bị hoãn lại do thời tiết nóng nguy hiểm ở thành phố Iloilo, miền trung Philippines vào ngày 2 tháng 4 năm 2024
Một giáo viên làm việc bên trong một lớp học trống sau khi các lớp học trực tiếp bị hoãn lại do thời tiết nóng nguy hiểm ở thành phố Iloilo, miền trung Philippines vào ngày 2/4/2024 - Ảnh: AFP

UNICEF cho rằng, những đợt nắng nóng, mưa lũ có tác động rất lớn nhưng nắng nóng gây ảnh hưởng nhiều nhất. Bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành của UNICEF - cảnh báo, trẻ em ngày càng dễ bị tổn thương hơn trước thời tiết khắc nghiệt.

“Trẻ em không thể tập trung trong những lớp học thiếu phương tiện chống nắng nóng và chúng không thể đến trường nếu đường sá bị ngập hoặc trường học bị cuốn trôi” - bà nói.

Theo UNICEF, chính những hoạt động của con người như việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã làm Trái đất ngày càng nóng hơn và thay đổi các kiểu thời tiết.

Năn 2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt ngưỡng ấm lên 1,5 độ C.

Điều đó khiến thời tiết mùa mưa trở nên mưa ẩm nhiều hơn và thời tiết mùa khô trở nên khô hơn, làm tăng thiên tai.

Báo cáo của UNICEF còn cho biết, 242 triệu chỉ là con số ước tính và thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ít nhất 171 triệu trẻ em bị ảnh hưởng của các đợt nắng nóng, trong đó chỉ riêng trong tháng 4/2024, có 118 triệu trẻ em bị ảnh hưởng khi nhiệt độ tăng cao ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Philippines.

Đặc biệt, ở Philippines, hàng ngàn trường học không có máy lạnh đã phải đóng cửa do trẻ em có nguy cơ bị tăng thân nhiệt.

Tháng 9/2024 - thời điểm bắt đầu năm học ở nhiều quốc gia - nhiều lớp học ở 18 quốc gia đã bị hoãn lại do bão lũ, đáng chú ý là cơn bão Yagi tàn phá vùng Đông Á và Thái Bình Dương.

Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng gián đoạn học tập liên quan đến khí hậu, với 128 triệu trẻ em bị ảnh hưởng.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều trẻ em bị ảnh hưởng nhất, với ít nhất 54 triệu trẻ, chủ yếu là do nắng nóng. Bangladesh cũng có 35 triệu trẻ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.

Theo dự báo của UNICEF, con số này có khả năng sẽ tăng lên trong những năm tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng, với một nửa số trẻ em trên thế giới (khoảng 1 tỉ trẻ em) đang sống ở những quốc gia có nguy cơ cao gặp phải các biến động về khí hậu và môi trường.

"Nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng theo quỹ đạo hiện tại, số trẻ em phải hứng chịu đợt nắng nóng vào năm 2050 sẽ cao gấp 8 lần so với năm 2000" - UNICEF cảnh báo.

Theo dự báo, năm 2050, số người phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng nhiều hơn gấp 3 lần và số người phải hứng chịu cháy rừng nhiều hơn gấp 1,7 lần so với năm 2000.

Ngoài những tác động trước mắt, UNICEF còn lo ngại rằng thiên tai có thể làm tăng số trẻ phải bỏ học hoàn toàn.

Báo cáo của UNICEF cho biết, hiện nay, khoảng 2/3 trẻ em trên toàn thế giới không thể đọc hiểu khi lên 10 tuổi.

Bà Russell kêu gọi đầu tư vào các lớp học có khả năng chống chịu tốt hơn với các mối nguy hại từ khí hậu.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI