24 năm dạy chữ, dạy nghề ở lớp tình thương

01/12/2017 - 16:12

PNO - Cô tới rồi kìa tụi bây. Vô lớp lẹ lên. Dạ tụi con thưa cô mới tới. Lũ trẻ nhao nhao, tíu tít trước đầu xe máy khi cô Nguyễn Thị Oanh Loan vừa đến lớp.

Rồi cả bọn hè nhau phụ cô giáo đã 63 tuổi đẩy xe lên bậc thềm. Xong xuôi, đứa thì chạy vào lớp mở quạt, đứa lon ton đi rót ly nước cho cô giáo. Gương mặt cả cô lẫn trò đều sáng bừng, lấp lánh trong buổi sớm mai.

24 nam day chu, day nghe o lop tinh thuong
Cô Oanh Loan gắn đời mình với lớp học tình thương 24 năm qua

Ngồi dự vài buổi giảng dạy của cô Oanh Loan, tôi mới hiểu phần nào về tình cảm ấm áp của những học trò lớp học tình thương nổi tiếng ngỗ nghịch, khó bảo dành cho cô giáo.

Trừ giờ học, lúc ra chơi, giờ về, chúng đều quấn quýt, tíu tít bên cô Loan còn hơn cả với bà, với mẹ. Mà cũng phải thôi, cuộc sống của cô gần như dành trọn vẹn cho lớp học. Đều đặn mỗi sáng, 6g45, cô ra khỏi nhà, chạy xe từ quận Gò Vấp qua quận Phú Nhuận với đôi chân bị đau khớp nặng để đến lớp (số 94/7 Trần Khắc Chân, P.9, Q. Phú Nhuận, TP.HCM).

Buổi sáng, dạy chữ lớp Hai và Ba; buổi trưa, cô dạy các em xâu hạt thành móc khóa, rồi dạy may, dạy tin học để sau này chúng có cái nghề. Đến tối, cô lại chạy xe đến Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính dạy lớp Bốn phổ cập. Vòng xoay đều đặn ấy thấm thoát mà đã gần 25 năm. 

Có lẽ khi chính thức cầm trên tay quyết định nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe, cô Oanh Loan không ngờ cái nghiệp làm người đưa đò vẫn còn vương mang. Ban đầu là dạy cho các em ở lớp học tình thương biết đọc, biết viết; rồi thương hoàn cảnh học trò thiệt thòi, cô vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ máy vi tính để dạy thêm môn tin học cho các em. Dần dà, lớp có thêm các giáo viên là người nước ngoài tình nguyện dạy Anh văn.

Nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ níu chân các em. Phận nghèo, gia đình khó khăn, bọn trẻ lúc nào cũng nhấp nhổm muốn lao ra đời sớm, để có thể đi làm kiếm tiền nuôi thân, phụ giúp gia đình. Như cái buổi chiều mưa cuối tuần hồi tháng Tư cách đây mấy năm, suốt buổi học, cô trò không ai nói ai mà cứ ngong ngóng nhìn ra cánh cửa. Chờ miết mà không thấy bóng dáng Sáu Nhỏ đâu. Lời cô Hai bán cơm tấm cứ ong ong bên tai: “Nghe đâu Sáu Nhỏ bị dẫn đi cho người ta coi mắt. Ưng ý thì họ làm thủ tục cho qua Hàn Quốc gả chồng luôn”.

Không đành lòng nhìn học trò mình như vậy, cô Loan lại tranh thủ thời gian đăng ký đi học may để có thêm cái nghề chỉ dạy lại cho các em. Lớp học may toàn học viên trẻ, học viên Oanh Loan ráng miệt mài học, quên đi cái lưng mỏi, đôi mắt mờ, bàn tay run vì tuổi tác, vì cô biết còn nhiều số phận cần nương tựa vào mình. 

Rồi cô tiếp tục mày mò học xâu hạt để dạy cho các em tự làm, kiếm đồng ra đồng vô và rèn giũa cho các em sự kiên nhẫn, kiên trì, điềm đạm. Đưa tôi xem con chuồn chuồn màu cam, cô tự hào lắm. Vì là của Út Thôi, cậu bé đen nhẻm, chín tuổi mà trông nhỏ thó, gầy nhom như trẻ lên năm. Út Thôi sống với ngoại, cha đang chịu án tù vì tội buôn ma túy, mẹ bỏ đi lấy chồng khác. Đôi ba hôm, Út Thôi lại được cô giáo lau vết thương, băng bó.

Ôm chầm lấy cô, cậu bé tấm tức: “Tụi nó cứ kêu con là con hoang, dân đầu đường xó chợ. Con có cha, có mẹ mà, phải không cô?”. Dỗ dành, an ủi, rồi cô Loan đem ra những hạt nhựa đủ màu sắc, biểu “xâu đi con, xâu thành chuồn chuồn, hoa sen, để dành làm quà tặng cha mẹ của con”. Nước mắt nước mũi còn tèm lem trên khuôn mặt, Út Thôi bặm môi xâu hạt. Ngồi cạnh, cô Loan xoa nhè nhẹ vào tấm lưng gầy giơ xương của đứa học trò… 

Một phần ba cuộc đời bám lớp, từ lúc nơi đây tường nhà còn bằng gạch ống, trần là tôn cũ, nắng xuyên mưa ướt. Tổng thu nhập hiện nay của cô giáo là 1.150.000 đồng/tháng. “Tôi chẳng có gì vướng bận nên dù thiếu trước hụt sau vẫn không băn khoăn. Lương đủ trả tiền thuê nhà và điện nước là 700.000 đồng, còn ăn uống thì phiên phiến thôi. Đầu tháng, có điều kiện thì ăn ngon chút; cuối tháng có thể ghé nhà mấy đứa em, ăn chung với mấy đứa cháu. Tôi không có gia đình riêng, nên lúc còn sống, giúp được gì cho xã hội thì ráng”. 

Cô Oanh Loan kể chuyện mình mà như muốn trấn an cả người đối diện: “Giàu mà làm từ thiện thì bình thường; nghèo mà vẫn làm thì đòi hỏi phải có sự đồng cảm sâu sắc với các em mới làm được”. Cô khoe về những học trò như Cẩm Tiên, Như Phúc, Trà My… hiện đang theo học ở các trường đại học Huflit, Tài chính Marketing, Sư phạm, Ngoại thương vẫn còn nhớ thầy, nhớ lớp, mỗi năm đều tề tựu thăm cô nhân ngày nhà giáo, sinh nhật cô và dịp tết.

Tôi bất giác buột miệng: “Từng ấy năm, liệu có bao giờ cô muốn bỏ cuộc?”. “Có chứ. Đó là khoảng thời gian lớp học buộc phải dời sang nơi khác vì nơi này họ lấy lại mặt bằng. Gần cả năm ròng, học trò chỉ được học hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Giáo viên không được nhận thêm học sinh mới vì không đủ chỗ” - cô Oanh Loan bật khóc. 

Lấy tay quệt nước mắt, cô cười khi nghe tôi hỏi về chuyện ước mơ: “Tôi chỉ mong có sức khỏe để đều đặn được đến lớp. Mong lớp được duy trì, giúp cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Vậy thôi. À… mà cũng có khi tôi mơ mình trúng số để xây nhà làm lớp học cho các em, nghe như trong truyện cổ tích vậy đó”.

63 tuổi, 24 năm dạy lớp học tình thương, cô Oanh Loan đã nhận bằng khen của UBND TP.HCM do những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chương trình xã hội - từ thiện liên tục nhiều năm liền, được tuyên dương là tấm gương thầm lặng, cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM lần 2 năm 2016. 

Tâm Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI