23 tháng Chạp, tiễn ông Táo về trời

22/01/2025 - 06:27

PNO - Ngoại mua hơn chục vịt con về nuôi, rồi khấn: "Nhờ ông Táo giữ giùm bầy vịt". Tôi cười khì, hỏi ngoại ông Táo sao lại biến thành ông chăn vịt.

Ngoài chợ đã bày bán đồ chưn g tết và đồ cúng ông Táo đỏ rực một góc chợ (ảnh Thuỳ Gương
Chợ quê tôi bày bán đồ trang trí tết và đồ cúng ông Táo đỏ rực một góc - Ảnh: Đức Phương

Mâm cúng ông Táo của ngoại tôi xưa kia luôn có thịt luộc, gạo muối, trầu cau, bánh men. Trên mâm còn có chiếc áo và đôi hia bằng giấy, 2 chiếc mũ cánh chuồn cho 2 ông Táo và 1 chiếc mũ cho bà Táo, giấy tiền vàng mã và đôi cá chép.

Thấy đồ cúng kỳ lạ, tôi tò mò hỏi ngoại. Ngoại kể ngày xưa có đôi vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi, vì sống với nhau chưa có con nên vợ chồng hay lục đục. Có lần Trọng Cao đánh vợ và đuổi đi. Thị Nhi lang thang tới xứ khác, nàng gặp và lấy Phạm Lang làm chồng.

Trọng Cao thương nhớ vợ nên lang thang khắp nơi tìm kiếm, tình cờ ghé nhà Thị Nhi xin cơm. Gặp vợ cũ, Trọng Cao kể nghĩa xưa và mong vợ quay về. Thị Nhi cảm động, nhưng giờ nàng đã là vợ của Phạm Lang. Đúng lúc đó Phạm Lang về nhà. Thị Nhi đành giấu Trọng Cao vào đống rơm. Phạm Lang vô tình đốt rơm để lấy phân bón ruộng, khiến Trọng Cao chết cháy. Thị Nhi đau lòng nên nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang cũng tự tử theo vợ.

Thượng đế thấy 3 người có tình nghĩa nên phong làm vua bếp, hay còn gọi là Táo Quân, chuyên trông coi bếp núc và họa phúc của mọi nhà.

Ngoại nói Táo Quân là những người hiền và có tình nghĩa, nên phải cúng kiếng tử tế tiễn họ về trời, rồi đêm Giao thừa, lại cúng đón Táo Quân quay lại để tiếp tục nhiệm vụ trông nom bếp núc trong năm mới.

Mâm cúng ông Táo đơn sơ theo kiểu nhà có gì cúng nấy (ảnh Thuỳ Gương)
Nhà tôi cúng ông Táo đơn sơ theo kiểu "có gì cúng nấy" - Ảnh: Đức Phương

Ngoại tôi luôn tin tưởng Táo Quân có thể ban may rủi cho mọi nhà nên khi nhà có việc, ngoại lại cầu xin Táo Quân giúp đỡ. Vào khoảng đầu tháng Chín, ngoại mua vài chục vịt con về thả nuôi. Ngoại mang bầy vịt lại gần bếp, khấn vái: “Nhờ ông Táo giữ giùm bầy vịt, đừng để tụi nó đi lạc”.

Tôi cười hỏi: "Ông Táo sao biến thành ông chăn vịt được hả ngoại?". Ngoại nói ông Táo có cách của riêng ông. Mà lạ, bầy vịt của ngoại đi kiếm ăn khắp đồng, chiều luôn về đầy đủ. Tết đến, ngoại bắt vịt đi bán, thế nào cũng chừa một cặp vịt để nấu cháo, cúng trả lễ ông Táo.

Má kể lúc tôi mới đầy tháng, má bồng tôi về nhà nội. Ngoại lấy lọ nghẹ quẹt một vệt lên trán tôi, rồi khấn: “Ông Táo giữ gìn cho con nhỏ mạnh khỏe, đừng để ai quở”. Nhìn mặt tôi buồn cười quá, nên ra khỏi nhà một đoạn, má lén chùi vết lọ nghẹ. Ngoại biết được, giận má mấy ngày.

Hồi nhỏ, tôi hay được ngoại dạy: Nấu nướng gần xong thì gom củi vụn đốt cho hết. Tro than phải quét cho gọn. Giữ gìn bếp núc sạch sẽ kẻo ông Táo quở. Thức ăn không được nấu thừa rồi đem đổ, sẽ mất phúc…

Tôi lớn dần lên với niềm tin mình làm gì đó cũng có người nhìn thấy nên không dám làm sai. Có con mắt thứ ba giám sát bên cạnh khiến tôi hành xử tử tế. Tôi sợ rằng làm chuyện xấu thì sẽ bị trừng phạt.

Lớn khôn rồi tôi mới biết, ngoại luôn răn đe đám cháu là để rèn chúng vào khuôn phép. Những câu chuyện ly kỳ của ngoại luôn có sức ảnh hưởng đến chị em tôi, đứa nào cũng vừa sợ vừa thú vị. Những người như ngoại tôi luôn có niềm tin vào những điều thần bí, để hướng đến cách sống tử tế và thiện lành. Thay cho những bài học đạo đức, thì bài học từ những câu chuyện huyền thoại có tác động tương tự, để dạy con cháu hành xử chuẩn mực, tránh phạm sai lầm.

Giờ tôi kế thừa ngoại, 23 tháng Chạp tôi cũng cúng tiễn ông Táo về trời. Có năm tôi mua cá chép về thả. Nhìn cặp cá lờ đờ trong chậu, bé Nu, con trai tôi nói: “Chuyên cơ” cá chép này sao chở nổi ông bà Táo về trời hả mẹ?”. Tôi nhìn 2 con cá bơi uể oải, bỗng thấy tội, nên sau này tôi bỏ bớt tiết mục thả cá chép.

Mâm cúng của tôi đơn sơ theo kiểu nhà có gì cúng nấy, không quá cầu kỳ. Tôi nghĩ phong tục ông bà truyền lại, con cháu cải biên chắc cũng không sao, miễn có lòng là được.

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI