22/12/1944 - 22/12/2019 - Hạnh phúc đơn sơ của nữ anh hùng

20/12/2019 - 09:00

PNO - Ở họ hình như chưa một lần lung lay trước câu hỏi: chúng ta sẽ làm gì, sẽ sống ra sao? Lẽ giản đơn, câu trả lời đã được mặc định từ lúc họ khoác trên vai chiếc áo lính.

LTS: Trái tim trung trinh, đạp bằng gian khổ, không chút oán than trước thiệt thòi, họ đã “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, để rồi ký ức lửa đạn theo tháng năm thành tiếng cười và niềm tin giữa thời bình ngổn ngang bao nỗi. Tình yêu mãnh liệt đời sống, thấu cảm sâu sắc giá trị vô giá của thời bình từ họ khiến người ta không khỏi suy ngẫm về lẽ sống thế nào là đẹp?…

Tôi ghé thăm nhà nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm trong buổi chiều giữa tháng 12/2019. Căn nhà nhỏ của bà ở hẻm 51 Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM giản dị như bao căn nhà khác trong con hẻm này. Bà đợi tôi, sẵn tay trồng lại bụi gừng. Các con, cháu đi học, đi làm, chỉ còn người cháu ngoại lui cui phụ bà dọn dẹp khoảng sân nhỏ. 

Hiến dâng tuổi thanh xuân
Khác cái dáng vẻ oai phong khi mang đầy huân huy chương trong những lần gặp gỡ trước đó, hôm nay, bà Võ Thị Tâm mặc đồ bộ, đeo kính lão, ngồi ngâm thơ cho chúng tôi nghe, cái giọng tuổi 75 rồi mà vẫn ngọt xớt: “Mỗi lần vào họp thấy buồn/ Nhớ thương đồng đội, chiến trường năm xưa…”.

22/12/1944 - 22/12/2019 - Hanh phuc don so cua nu anh hung
Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm từng được đồng đội đặt biệt danh “trực thăng cá lẹp” vì sự nhanh nhạy, mưu trí và quả cảm nơi chiến trường

Sinh trưởng ở xã Phước Hiệp, H.Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, 16 tuổi, bà Tâm theo cách mạng, làm giao liên. 18 tuổi, bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được đưa đi đào tạo, đưa vào hoạt động nội thành, trở thành nữ chiến sĩ biệt động thành. Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, địch tăng cường càn quét, đã ba lần theo dõi và bắt bà, nhưng không có chứng cứ nên phải thả ra.

Tỉnh đội Bến Tre cho bà đi học văn nghệ ở Trung ương cục R, sau đó điều bà về phụ trách đội văn nghệ ở tỉnh An Giang. Đến tháng 10/1964, bà được chuyển về đơn vị T4 - biệt động Sài Gòn. Ở vị trí mới này, Võ Thị Tâm phải hóa thân để làm nhiệm vụ giao liên cho cách mạng. “Cuộc sống mình khác người ta/ Vỉa hè sạp chợ đó là nhà tôi/ Bán rau, bán cá sống thôi/ Như đứa bụi đời mặt mũi tèm lem” - bà đã ghi lại giai đoạn hoạt động này như vậy.

Hoạt động nội thành ngay sát trung tâm đầu não địch đòi hỏi người giao liên phải mưu trí. Bà kể, thời đó, bà chẳng giỏi gì, chỉ giỏi chạy và “biến hình” đủ kiểu nên các chú, các anh vô cùng tin cậy, giao nhiều trọng trách. Tháng 1/1968, bà được điều động về làm trinh sát chiến đấu thuộc Trung đoàn 31, Phân khu 2 rồi trở thành đại đội phó đại đội trinh sát, Trung đoàn 31, Phân khu 2, Quân khu 8 (nay là Quân khu 9)…

Trong hồ sơ xét phong danh hiệu anh hùng cho nữ biệt động thành Võ Thị Tâm, ông Võ Trần Chí - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, từng là Bí thư Phân khu ủy kiêm Chính ủy Phân khu II trong chiến dịch Mậu Thân 1968 - đã viết: “Đồng chí Tâm là phụ nữ duy nhất của đơn vị. Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Mậu Thân. Sau đó, đồng chí Tâm được phân công trở vào nội thành nhưng vì giấy đi đường giả nên bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Sau ngày giải phóng, đồng chí được bố trí công tác tại Q.11. Tiểu đoàn 6, trung đoàn 31 không còn phiên hiệu nữa”. 

Được trời trao quyền làm mẹ

Ngày đất nước hòa bình, nữ chiến sĩ biệt động thành Võ Thị Tâm đã để lại nơi chiến trường cả tuổi thanh xuân, một con mắt và 1/4 hộp sọ, tỷ lệ thương tật của bà lên đến 81%.

Như nhiều đồng đội, vì lý do sức khỏe, bà chuyển ngành về làm công tác đảng ở địa phương. Từ năm 1975-1990, bà miệt mài đi học bù cho những tháng năm thơ ấu. Bà tiếp tục công tác và từng là Bí thư Đảng bộ các phường 3, 5, 9 của Q.11 và Thẩm phán Tòa án nhân dân Q.11 (TP.HCM) cho đến lúc nghỉ hưu. 

22/12/1944 - 22/12/2019 - Hanh phuc don so cua nu anh hung
Bà Võ Thị Tâm ngày trẻ

Những ngày sau giải phóng, nhìn bạn bè lần lượt báo cáo tổ chức xin được kết hôn, bà Võ Thị Tâm không khỏi ngậm ngùi. Trong chiến tranh, khi hoạt động nội đô, với dáng người cao ráo, tóc dài, da trắng, mũi cao của thiếu nữ xứ dừa, không ít đối tượng ngụy quân, ngụy quyền theo đuổi bà. Sau ngày giải phóng, nhiều đồng chí, anh em thương mến, xin đến với bà, nhưng đôi mắt long lanh chỉ còn một khiến bà tự ti dù trong thâm tâm, bà cũng ao ước có chồng, có con. 

“Trong cái rủi, có cái may. Trời đã cho tôi quyền làm mẹ” - bà nói vậy. Một trưa nắng, như thường lệ, bà từ Tòa án nhân dân Q.11 trở về nhà, ngang bùng binh Cây Gõ, bỗng có gì đó như níu chân bà quay trở lại. Nhìn trên vạt cỏ, bà nhận ra một đứa bé chừng hơn tháng tuổi, mặc bộ quần áo trắng cũ màu, đang nằm huơ tay huơ chân. Bà dừng lại ngắm nhìn bé, tự hỏi không biết con ai bỏ đây, rồi toan bỏ đi. Bà đi chừng vài bước, bỗng thấy trời tối sầm đi, mây đen vần vũ. Bà liền lại quay ngược lại, ôm đứa bé bỏ vào cái nón vải, chạy riết về nhà.

Chiều hôm ấy, người bạn tên Yến Nga ghé nhà chơi, thấy bà bỗng dưng có con, đã tặng bà hai con heo để nuôi, kiếm tiền mua sữa cho con. Thương nghĩa tình của bạn, bà đặt tên con gái nuôi là Võ Thị Yến Nga. Vào vai người mẹ đơn thân, bà đã trải không biết bao nhiêu khó nhọc, buổi đi làm, buổi chật vật nuôi heo, chăm con… Nhưng đổi lại, bé Nga của bà ngoan ngoãn, dễ nuôi, dễ dạy.

Trong lần họp mặt đồng đội, bà tình cờ gặp đại tá Nguyễn Phú Hằng, công tác tại Quân khu 7. Như nhiều người quen biết, ông cũng cảm phục, thương mến và theo đuổi bà. Ông không giấu giếm về cuộc hôn nhân đổ vỡ, về cảnh phải thường xuyên vắng nhà của người lính thời bình. Lâu ngày, bà bị thuyết phục. Ông bà đến với nhau bằng một lễ tuyên bố đơn sơ. 

Một năm sau, bà mang thai, nhưng bào thai đã bị nhiễm độc, đứa trẻ ra đời không cột sống và khiếm khuyết đủ thứ khiến bà chết lịm. Ông an ủi bà, không có đứa con này, mình sinh đứa khác. Thế nhưng, mọi hy vọng làm mẹ vụt tắt đi khi kết quả kiểm tra cả ông và bà đều nhiễm dioxin rất nặng, bác sĩ khuyên hai người không nên sinh con. Nhận tin buồn này chưa lâu, đại tá Nguyễn Phú Hằng lại vào chiến dịch Tây Nam, phải đi biền biệt. 

Trong nỗi buồn đau đó, một lần nữa, điều kỳ lạ lại xuất hiện. Năm 1982, bà nhặt được Võ Trung Hiếu đúng chỗ đã nhặt bé Yến Nga. Vài năm sau đó, bà có thêm cô gái út Trúc Linh cũng theo cách lạ lùng như vậy. Ngày hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về, ông Nguyễn Phú Hằng đã ngây ngất trong niềm vui của người bạn đời. Cùng bà Tâm, ông vui vẻ nuôi dạy, dìu dắt ba đứa con trưởng thành. 

Nhắc chuyện nhận được các con như nhận được những món quà từ trên trời trao tặng, mắt bà Tâm long lanh ngấn nước: “Trời cao như thấu hiểu chân tình và khao khát của tôi, đã ban cho tôi ba đứa con ngoan ngoãn, dễ thương vô cùng”. 

Bình yên sau bao mất mát

Được sự nuôi dạy của người mẹ anh hùng ấy, những đứa con lớn lên rất hiếu đễ, yêu thương nhau. Yến Nga lập gia đình, có hai con, về sống với bên chồng. Hiếu đi bộ đội về học nghề thợ bạc, phụ mẹ cất nhà thờ họ ở Bến Tre, sau thấy mẹ không yên lòng về mồ mả tổ tiên, đã xin bà Tâm cho về quê gìn giữ. Trúc Linh học xong đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Năm 2011, bà Võ Thị Tâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cả nhà ai cũng vui mừng, ông Hằng gặp ai cũng hớn hở, tự hào khoe về vợ con. Những đứa con riêng của ông Hằng cũng đến chúc mừng bà Tâm, cả nhà nối thêm sợi dây thân ái. 

22/12/1944 - 22/12/2019 - Hanh phuc don so cua nu anh hung
Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm từng được đồng đội đặt biệt danh “trực thăng cá lẹp” vì sự nhanh nhạy, mưu trí và quả cảm nơi chiến trường

Thế nhưng, niềm vui ấy kéo dài chưa được bao lâu thì năm 2012, ông Hằng qua đời vì bạo bệnh. Nỗi buồn mất người bạn đời tri kỷ chưa lâu thì năm 2017, Yến Nga bỗng qua đời sau cơn đột quỵ. Nỗi đau ấy làm bà Tâm như quỵ ngã. Bà Tâm kể: “Con gái mất, tôi như đứt một khúc ruột của mình”. 

Yến Nga để lại cho bà Tâm hai đứa cháu ngoại, trong đó bé lớn mắc chứng động kinh. Thương cháu, bà giữ con rể lại ở chung nhà để mẹ con, bà cháu cùng nương tựa, chăm sóc lẫn nhau. Nỗi buồn mất chồng và con gái chưa vơi thì đầu năm 2019, Trung Hiếu bỗng trở bệnh nặng, các bác sĩ chẩn đoán ung thư vòm mặt giai đoạn cuối. Bà Tâm lại càng buồn hơn.

Mỗi ngày, người nữ anh hùng ấy lại ra vào chăm khoảnh vườn bé xíu, lại làm thơ và đọc thơ cho các cháu ngoại nghe, ngóng con rể (chồng Yến Nga giờ như là con trai ruột của bà), con gái và bầy cháu đi làm, đi học trở về. Trong bầy cháu đó, có hai cháu gái do Trúc Linh nhận nuôi, đang học đại học. Bà nói: “Con trai bệnh, thiệt là buồn, nhưng buồn thôi, không tủi, bởi các con có hiếu, có nghĩa, có tình, biết yêu thương nhau, còn mong chi nữa”.

Tiễn tôi, bà quày quả vào khu vườn nhỏ của mình: “Để tôi làm nốt chỗ này cho ra hết mồ hôi. Lát con Linh về, thế nào cũng bắt má đi tắm. Từ khi ba nó mất, suốt bao năm nay, ngày nào đi làm về, nó cũng nấu nước rồi bắt tôi vào tắm rửa cho thiệt thơm tho. Hỏi nó sao làm chi cực vậy, nó nói thì hồi xưa, ngày nào má cũng làm cho chị em con luôn thơm tho như vậy mà. Tôi nghĩ, đời có cho, có nhận, vậy mình là nhất đời này rồi còn đòi gì”. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI