edf40wrjww2tblPage:Content
Nhiều phụ nữ vội vã ra đi không nghĩ đến đường về và trở thành nạn nhân của bọn buôn người (ảnh có tính minh họa)
Manh mối từ một cuộc điện thoại quốc tế
Đầu tháng 5/2014, thông qua nhiều nguồn tin, Báo Phụ Nữ xác định có một nhóm bao gồm cả người Trung Quốc (TQ) và Việt Nam tại tỉnh Sơn Đông (TQ) đang tiến hành một phi vụ đòi tiền chuộc. Nạn nhân bị băng nhóm nói trên giam giữ là Đỗ L.T.M. (SN 1990, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM). Thời điểm này, thông tin vụ việc được giữ kín tuyệt đối vì băng nhóm ở TQ dọa sẽ thủ tiêu nạn nhân nếu biết công an (CA) hai nước phối hợp can thiệp.
Đầu tháng 7/2014, sau cuộc vây ráp bất ngờ của cảnh sát Sơn Đông vào một căn nhà heo hút ở TP Tế Ninh, M. được giải cứu và trao trả qua biên giới Việt Nam. Trở về nhà, M. gần như kiệt sức và hoảng loạn nên thông tin chi tiết về hành trình của cô tiếp tục là ẩn số. Trong khi đó, lá đơn cầu cứu của ông H. gửi đến CA TP.HCM và sau đó được chuyển đến Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) cũng là một câu chuyện không liền mạch. Manh mối để lần ra các đối tượng đầu vụ lại là một chủ chứa ở bên kia biên giới.
Ông H. kể, chiều 22/3/2014, ông nhận được tin nhắn của con gái cho biết được bạn rủ sang TQ tìm việc làm để kiếm tiền nuôi con. Khi ấy, M. và chồng đang ly thân, M. bế con nhỏ về sống chung với vợ chồng ông H. Do gia cảnh nghèo khó nên ông H. dù rất thương con gái cũng không ngăn cản quyết liệt.
Trong hai ngày kế tiếp, ông H. liên tục gọi M. hỏi thăm tình hình đi lại ra sao. M. cho biết, được bạn mua vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội và sẽ sang TQ bằng đường bộ để gặp một người tên Lụa. Thấy con gái nói chuyện hồ hởi, ông H. cũng tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, gia đình mất liên lạc với M. Ông H. và vợ mất ăn mất ngủ. Đúng một tháng sau ngày M. đi, ngày 22/4/2014, M. nhắn tin vào điện thoại ông H.: “ba ơi, con bị lừa bán cho người TQ, ba đến CA nhờ cứu con”. Ông H. đau xót nói: “Đọc xong tin nhắn tui muốn té xỉu vì hồi giờ chỉ thấy mấy vụ này trên báo. Con M. sao lại ra nông nỗi này?”.
Nạn nhân M.
Gần 1g sau khi nhận tin nhắn “sét đánh”, ông H. chợt nhớ ra bản thân cũng chưa biết gì về nơi con gái đang bị bắt giữ, làm sao trình báo để cơ quan CA nắm rõ. Ông bèn gọi lại vào số điện thoại của M. thì đầu dây bên kia, một người đàn ông TQ nghe máy. Do bất đồng ngôn ngữ, ông H. lại phải tắt máy ngang và nhờ chồng của cháu gái (người TQ) gọi điện thương lượng giúp. Qua điện thoại, người đàn ông kia cho biết đã mua M. và hai cô gái Việt Nam khác từ một phụ nữ ở cửa khẩu Bằng Tường - TQ. Kẻ giữ người ra điều kiện, nếu muốn M. trở về thì người nhà phải trực tiếp qua TQ mang theo số tiền 23 vạn nhân dân tệ để chuộc người. Nếu không, M. sẽ bị bán cho người khác. Kẻ giữ người cũng ra thời hạn trong vòng 10 ngày để gia đình thu xếp và dọa nếu báo CA, M. sẽ bị thủ tiêu.
Hành trình cay đắng
Chiều 14/11, tiếp chúng tôi tại nhà mẹ ruột ở Thủ Đức, M. đã hoàn toàn bình phục. Sau khi xếp dọn vội những món đồ ve chai lăn lóc dưới nền nhà, câu chuyện M. kể là những thước phim quay chậm sống động, đầy nước mắt. “Đầu tháng Ba, em và một người bạn tên S. chung xóm lên quán cà phê ở gần ngã tư 550 H.Dĩ An, Bình Dương chơi. Trong nhóm bạn mà S. quen, có một cô gái tên Thủy, đang làm phục vụ ở quán cà phê này”, M. kể. Thông qua S., Thủy biết M. đang thất nghiệp, phải nuôi con nhỏ, lại vừa ly thân với chồng nên hoàn cảnh rất khó khăn. Chỉ sau vài giờ tâm sự tỉ tê, Thủy đã nhanh chóng được M. tin tưởng. “Thủy nói với em là có người quen bên TQ, bên đó đang tuyển công nhân may lương cao. Nếu em chịu đi, Thủy sẽ giúp đỡ chi phí ban đầu, khi nào có trả lại. Thủy cũng đi cùng em”, M. nhớ lại.
Hạ Vĩnh Lôi (A) và Ô Hoa Băng (B) (cùng quê ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) là hai đầu mối "thu mua" phụ nữ lớn nhất tại TP.HCM. Cả hai đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam từ cuối năm 2013
Ngay trong ngày 22/3, M. vội vã về nhà thu xếp quần áo rồi đi theo Thủy với hy vọng tìm được việc và có tiền gửi về cho ba má nuôi con. Thủy nhờ người mua ngay hai vé máy bay từ TP.HCM đi Hà Nội và tỏ ra biết sắp xếp chuyến đi rất chu đáo nên càng khiến M. tin tưởng hơn. Đến sân bay Nội Bài ngay trong đêm, Thủy dẫn M. ra đón xe đò đi Lạng Sơn.
Theo điều tra, khảo sát của Cục cảnh sát hình sự Bộ công an, hiện toàn quốc có hơn 22.000 phụ nữ và trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, bặt tin tức. Phần lớn trong số này nghi ngờ bị buôn bán. Con số 160 phụ nữ bị bán sang Trung Quốc và Hàn Quốc trong chuyên án vừa qua mà CA tỉnh Tây Ninh khám phá, so với số liệu khảo sát trên, vẫn chỉ là… số nhỏ. Vấn đề tréo ngoe nhất hiện nay, theo cơ quan chức năng các cấp là nhiều nạn nhân không cho rằng mình bị bán. Họ đi vội vã, âm thầm không nghĩ đến đường về, trong khi những kẻ buôn người “bốc hơi” ngay sau khi phi vụ vừa trót lọt. |
Tại đây, Thủy gọi điện cho một người đàn ông tên Giang thuê ô tô chở cả hai đến một chân núi sình lầy rồi dừng lại. Thấy nghi ngờ, M. hỏi sao không đi qua cửa khẩu mà lại dừng ở đây thì được Thủy và Giang cho biết: “Đi cửa khẩu lâu hơn đi đường này”. Lỡ bỏ nhà theo bạn, trong túi cũng hết tiền, M. đành bấm bụng đi theo Thủy. Cả ba leo đường đồi núi 3g sau thì đến một căn nhà mái tôn xập xệ, xung quanh heo hút. Từ đây, Giang thuê một ô tô chở hai cô gái đi tiếp đến Bằng Tường (TQ).
Khi xe đến Bằng Tường, một phụ nữ mập mạp tên Lụa ra đón Thủy và M. còn người đàn ông tên Giang quay lại Việt Nam. Từ đó, M. ăn ở trong nhà bà Lụa và hy vọng người phụ nữ này sẽ giúp cô tìm việc làm. Tuy nhiên, nơi mà bà Lụa dẫn M. đến không phải một công ty may như Thủy đã hứa hẹn mà là một quán massage của một phụ nữ tên Diệu. Vỡ lẽ, M. khóc và năn nỉ bà Lụa cho về nhà. Lúc này, người đàn bà có cái tên mỹ miều trở mặt, lộ rõ là kẻ buôn người. “Bà ta bảo đã tốn rất nhiều tiền đưa cho Thủy để Thủy đưa em sang đây, nếu em muốn về phải trả tiền lại. Thủy nó bán em cho bà Lụa rồi sau đó bà Lụa bán em cho tiệm massage”, M. nói, mắt đỏ hoe.
Do cô không chịu phục vụ khách đến massage kích dục, bà Lụa tức giận lôi cô về nhà. Trên đường, bà Lụa lấy một khúc cây to bằng bắp tay đánh liên tục vào chân M. khiến cô đau đớn phải lạy bà ta cho đến khi bà ta dừng lại. Chưa dừng lại ở lần bán hụt này, giữa tháng 4/2014, bà Lụa bán M. cho một người đàn ông tên Dân. M. cắn răng chịu nhục cùng hai cô gái khác, theo chân gã đàn ông lạ mặt đón xe về TP. Nam Ninh. Trên xe, hai cô gái tên Vy và Lan liên tục nói với M. “tụi mình mà bỏ trốn là bà Lụa giết chết đó, bả ác lắm”.
Buổi tối trong một nhà trọ ở Nam Ninh do người đàn ông tên Dân thuê ở, M. nghĩ đến cái chết để mong chấm dứt hành trình đau đớn này. Nhưng hình ảnh cậu con trai sáu tháng tuổi hiện lên tràn ngập trong M. “Em nghĩ mình phải cố gắng thoát cho bằng được để về gặp con. Em nghĩ sẽ đợi vài ngày để tìm hiểu khu vực xung quanh rồi chạy trốn”, M. kể. Nhưng cô không hề hay biết, ông Dân cũng là một kẻ buôn người như bà Lụa. Và M. lại sắp có người mua.
Trả lại “cô dâu”
Rời TP. Nam Ninh, ông Dân dẫn ba cô gái ra một ga tàu. Tại đây, một người đàn bà tên Thanh xuất hiện đưa cho các cô ba cái CMND giả để phòng khi có cảnh sát kiểm tra. Chuyến tàu trót lọt theo dự tính và đến TP. Tế Ninh (T.Sơn Đông) vào buổi tối. Tranh thủ lúc ông Dân sơ hở, hai cô gái đi cùng M. đã bỏ trốn khiến gã buôn người hậm hực, về đến nhà thì đập phá đồ đạc. “Dù không hiểu được ông ta nói gì nhưng em thấy ánh mắt hung dữ và ngầm dọa đừng mong bỏ trốn. Ông ta nhốt em trong một căn phòng và thức canh đến sáng”, M. cho biết.
Đường vào "lò nuôi gái" ở Q.Tân Phú, TP.HCM
Một trong những nạn nhân của bọn buôn người
Ngay buổi sáng đầu tiên M. ở nhà ông Dân, đã có một nhóm người đến hỏi “mua”. Đó là bốn người trong một gia đình đi tìm vợ cho cậu con cả. Không rõ hai bên thỏa thuận thế nào nhưng M. phải theo “nhà trai” về. Ông Dân nhận một xấp tiền, cười khoái chí, gật đầu cảm ơn “nhà trai” liên tục. Mất 1g di chuyển, “cô dâu” bất đắc dĩ đã có mặt tại “nhà mới”. Trong đêm tân hôn, M. khóc liên tục và không chịu “gần gũi” khiến chú rể TQ “chịu thua” phải ra nằm riêng ngoài phòng khách. Sáng hôm sau, chú rể buộc phải dùng kim từ điển để nói chuyện xem vì sao M. lại như vậy. Sau gần 2g vừa nói vừa ra hiệu, cả gia đình chú rể mới hiểu M. bị lừa bán nên thống nhất đem cô trả lại cho ông Dân. Do bị dọa báo cảnh sát, ông Dân buộc phải trả lại cho nhà trai tám vạn nhân dân tệ (gần 280 triệu đồng).
Sau khi nhà trai bỏ về, gã buôn người nổi giận đánh đập M. và bảo nhắn tin về cho gia đình Việt Nam qua chuộc. Gã đòi 23 vạn nhân dân tệ vì cho là M. “xui xẻo” quá nên khó bán. Ngoài ra gia đình M. cũng phải bù cho gã khoản tiền do hai cô gái kia chạy trốn và bà Lụa đã “biến mất” sau khi nhận tiền. Thông tin về vụ việc của M. được Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội C45 (Bộ CA) tiếp nhận, báo cho phía TQ hỗ trợ tìm kiếm khẩn cấp. Đầu tháng 5/2015, cảnh sát Sơn Đông mở cuộc truy tìm vào khu vực Tế Ninh và phát hiện ngôi nhà đang giam giữ M. Thấy xe cảnh sát, ông Dân ra hiệu cho M. vào nhà trốn nhưng cô nhất định chạy ra cầu cứu. Cảnh sát Sơn Đông sau đó bắt giữ ông Dân và tạm giữ M. trong vòng một tháng để điều tra về các đối tượng mua bán người, rồi mới trao trả cô qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai). Từ đây, M. đón xe về TP.HCM. Tâm sự với tôi, M. cho biết, trên chuyến xe Bắc-Nam mà có nằm mơ cũng không thể ngờ tới ấy, cô thấy những gương mặt xung quanh quen thuộc đến lạ kỳ.
VINH QUỐC
Theo đánh giá của Phòng chống tội phạm mua bán người (Phòng 6 - Cục C45 Bộ CA), những năm qua TP.HCM được xem là điểm trung chuyển phụ nữ và trẻ em bị lừa bán sang các nước thứ ba. Gần đây, các nhánh nhỏ của những đường dây buôn người đang có dấu hiệu hoạt động rải rác ngay tại TP, vì ngày càng xuất hiện nhiều nạn nhân sinh sống và làm việc tại TP trước khi bị lừa bán. Ghi nhận của PV báo Phụ Nữ trong thời gian từ 2013-2014, có hàng loạt phụ nữ ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Q.8, Q.Thủ Đức bị lừa bán sang Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc. |
Kỳ 2: Từ bi kịch đến… thảm kịch
Bùi T.T.S. (SN 1986, ngụ H.Gò Dầu, T.Tây Ninh)
là nạn nhân đầu tiên để từ đó công an tỉnh Tây Ninh
xác lập chuyên án mua bán người mang bí số 2PN814.