212 nhà hoạt động môi trường bị sát hại trong năm 2019

29/07/2020 - 13:30

PNO - Colombia và Philippines là hai quốc gia chiếm hơn một nửa số lượng nhà hoạt động môi trường tử vong năm qua.

Theo tổ chức phi chính phủ Global Witness, ít nhất 212 nhà vận động môi trường trên thế giới bị sát hại, khiến 2019 được xem là năm cực kỳ nguy hiểm với các nhà hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Colombia và Philippines chiếm hơn một nửa số ca tử vong được xác nhận, lần lượt là 64 và 43, tiếp theo là Brazil, Mexico, Honduras và Guatemala.

Thực tế, số lượng nhà hoạt động môi trường bị giết hại thậm chí còn cao hơn, do nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc kê khai sai nguyên nhân tử vong, đặc biệt là ở châu Phi.

212 nhà hoạt động môi trường bị sát hại trong năm 2019.
212 nhà hoạt động môi trường bị sát hại trong năm 2019.

Trong nhiều thập kỷ qua, cộng đồng người dân ở Trung và Nam Mỹ, châu Á và châu Phi đã chứng kiến hàng loạt khu rừng bị phá hủy, đôi khi có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương lẫn các quan chức tham nhũng.

141 vụ giết người năm 2019 có liên quan với các sự vụ nhà vận động môi trường phản đối hoạt động khai thác tài nguyên bất hợp pháp.

“Các nhà vận động bảo vệ đất đai và môi trường liên quan đến hoạt động kinh doanh nông nghiệp, dầu mỏ, khí đốt và các ngành khai thác khác đã liên tục là mục tiêu của các cuộc tấn công. Đây cũng chính là những ngành công nghiệp góp phần không nhỏ gây nên tình trạng biến đổi khí hậu thông qua nạn phá rừng, tăng lượng khí thải carbon"- nhà vận động của Global Witness Rachel Cox nói.

Ở Rumani, quốc gia thành viên EU, một nhân viên kiểm lâm công tác tại một trong những khu rừng nguyên sinh lớn nhất châu Âu đã bị bắn chết vì cố gắng bảo vệ tài nguyên, chiến đấu với các đăng bảng tội phạm có tổ chức. Trước đó, 1 nhân viên cũng bị sát hại bằng rìu.

Chưa kể, các nhà hoạt động môi trường nữ còn đối mặt với các mối đe dọa bạo lực và quấy rối tình dục cũng như chiến dịch bôi nhọ danh dự được bọn tội phạm sử dụng hòng bịt miệng dư luận.

"Vào thời điểm mà chúng ta cần mọi người nhất để bảo vệ hành tinh trước sự tàn phá từ các ngành công nghiệp, chúng ta lại chứng kiến số vụ sát hại các nhà bảo vệ đất đai và môi trường kỷ lục, kể từ khi Global Witness bắt đầu theo dõi vấn đề từ năm 2012 đến nay.” - báo cáo kết luận.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI