Tháng 7/1983, tôi với cấp bậc trung úy, được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường lên biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Giai đoạn này cuộc chiến bảo vệ biên giới không còn căng thẳng đụng độ lớn như tháng 2/1979 nhưng vẫn có những đụng độ nhỏ xảy ra.
Trên tuyến biên giới Hoàng Liên Sơn, Trung Quốc chủ yếu là xâm lấn, thám báo và thực hiện những trận phục kích. Khi ta có chủ trương xây dựng tăng cường tuyến phòng thủ, mỗi xã một đồn biên phòng, Trung Quốc chủ trương chống phá bằng cách gây ra các cuộc đụng độ, ngăn cản Việt Nam xây dựng.
|
Khu nhà lắp ghép 4 tầng của cán bộ, công nhân tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN |
Trước tháng 2/1979, đường bộ, đường tàu hỏa có thể đi từ Hà Nội sang đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau tháng 2/1979, đi từ ga Hàng Cỏ lên đến phố Lu là ga cuối cùng. Lên tàu ở ga Hàng Cỏ, chúng tôi nhận được thông tin, tình hình biên giới có chiều hướng căng thẳng trở lại.
Mặc dù đi chuyến tàu đêm, vẫn nhận thấy khí thế của cả nước sôi sục hướng về biên giới. Biết chúng tôi là lớp sĩ quan vừa tốt nghiệp, hành khách trên tàu ai cũng vui vẻ trò chuyện. Mấy bác cao tuổi cứ nắm tay dặn dò. Khí thế cả nước hướng về biên giới càng thúc đẩy mọi người nhanh có mặt tuyến đầu.
Trong số 24 sĩ quan mới ra trường được phân đều cho các đồn, tôi về Đồn biên phòng 206 Hoàng Liên Sơn.
Đồn biên phòng 206 Hoàng Liên Sơn án ngữ ngã ba con sông Hồng, chia biên giới Hoàng Liên Sơn làm hai hướng. Phía tả sông Hồng thuộc miền Đông, phía hữu thuộc cánh Tây. Đồn biên phòng 206 nguyên là Đồn cửa khẩu quốc tế, nơi có cầu Kiều, đường bộ bắc qua con sông Nậm Thi.
Nhảy tàu quặng từ phố Lu lên Làng Giàng, tuy đường ray vẫn còn nhưng tàu không thể đi vì đã bị phía Trung Quốc phá, các cầu qua suối cũng bị đánh sập. Từ Làng Giàng, chúng tôi bám quốc lộ, men theo đường tàu hỏa, ngược sông Hồng, nhằm hướng Bắc mà đi. Hai bên đường lau sậy mọc cao hơn đầu người. Nhiều chỗ cây lau cao, ra hoa, bị gió đổ rạp xuống đường. Rồi tre. Những cành tre gai xòa ra lấn hết cả khoảng không. Thi thoảng có con chim bìm bịp bay vụt qua, chui vào đám dây leo rậm rạp bên đường.
|
Cầu Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3/1979. Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN |
Từ Làng Giàng lên đến đồn gần như vườn không nhà trống. Trước tháng 2/1979, thị xã Lào Cai chạy dọc theo hai bờ sông Hồng, là một thị xã đẹp của cả nước, bên hữu có dãy Hoàng Liên, bên tả có đền Thượng, ngay bên dòng Nậm Thi. Sông Nậm Thi nước trong vắt, khi gặp sông Hồng tạo thành ngã ba sông đổ vào đất Việt. Chỗ ngã ba, dòng sông Hồng có hai màu rõ rệt. Phía tả nước trong, phía hữu màu sa hồng. Khi sông Hồng chảy sâu vào nội địa Việt Nam thì sông mới mang đậm màu phù sa.
Đồn biên phòng 206 từng là nhà điều hành của ga Mới, đây cũng là ngôi nhà còn sót lại duy nhất sau chiến tranh. Xảy ra chiến tranh, cầu Kiều bị đánh sập về phía Việt Nam, phần cầu phía Trung Quốc đưa ra chỗ phân thủy, giữa dòng chảy của sông Nậm Thi. Từ cầu Kiều, đi xuôi về hướng tay trái là nhà ga và đường bộ rồi đi sâu vào nội địa. Đường tàu và đường bộ chạy song song từ Lào Cai về phố Lu.
Gần nhà ga Mới, nơi đồn đóng quân, trước đây là Nhà máy điện Lào Cai. Nhà máy điện không chỉ cung cấp điện cho thị xã Lào Cai mà còn bán cho thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc. Nhà máy điện cũng bị san phẳng tận chân móng. Đứng từ bên hữu có thể nhìn qua sông Hồng sang bên tả mà không hề bị vướng tầm nhìn. Các loại cây to cũng bị chặt, đốn hạ. Ngút tầm mắt chỉ còn lau, sậy và cỏ chỉ.
Để bảo đảm có thể đánh chặn bước đầu, ngoài lực lượng chính ở đồn, còn có ba chốt chính. Một chốt bên chợ Cốc Lếu, ngăn chặn tuyến đường từ Lai Châu, Sa Pa đi Tằng Loỏng. Một chốt đóng ngay núi Đổ, gần mố cầu Cốc Lếu. Chốt này có nhiệm vụ ngăn chặn địch tấn công trực diện từ Hà Khẩu hoặc từ Bản Phiệt theo sông Nậm Thi sang. Chốt còn lại, đóng ở cồn nổi giữa sông, gần ngay ngã ba sông, có nhiệm vụ đánh chặn máy bay tầm thấp và đột nhập bằng phương tiện thủy.
Vì chốt đóng ở khu vực chân cầu Kiều, mắt thường cũng có thể quan sát được sang bên kia Hà Khẩu của Trung Quốc, đồn xác định là hướng chủ yếu trong quyết tâm chiến đấu. Để có thể nắm chắc các diễn biến, ngoài sử dụng đài quan sát trên đỉnh 400, chốt núi Đổ phải tuần tra, tổ chức mật phục chân núi đền Thượng.
|
Bộ đội Việt Nam trên chiến trường biên giới phía Bắc |
Đền Thượng nguyên là nơi thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền ngự trên đỉnh núi, hướng mặt ra phía sông Nậm Thi. Chiến tranh, Trung Quốc đã phá sập. Các cột kèo, hoành phi, câu đối, tượng đều bị đập, đốt, chặt. Trên các tượng gỗ, có bức bị phạt mất tai, mất mũi, chặt đầu. Tất cả các nằm lăn lóc bên gốc cây, cỏ chỉ và dây leo phủ kín. Lưng các tượng đều có một lỗ thủng hình vuông.
Sau này được biết, trước đây, khi thuê người Việt gốc Hoa tạc các ngôi tượng này, tượng đều được đục một lỗ hình vuông sau lưng. Trong các lỗ đục hình vuông ấy thường yểm vàng bên trong sau đó mới lấy gỗ bịt lại, trám sơn cho kín rồi mới sơn son, thếp vàng bên ngoài. Khi đánh sang, quân Trung Quốc đã đục các lưng tượng để tìm vàng. Thảo nào, nhìn mặt các pho tượng đều có khuôn mặt tròn tròn, cằm ngắn, tai xệ, đôi má đầy. Khu vực núi đền Thượng là nơi duy nhất còn cây to, lâu năm. Ở xung quanh chân đền có mấy cây xoài và mít.
Do lực lượng mỏng, các khu vực xung quanh đồn là trận địa mìn. Các bãi đều là mìn chết, nghĩa là không có sơ đồ. Ngay khi cài xong, người vừa cài cũng không thể xâm nhập bởi có đủ các loại mìn chống tăng, vướng nổ, đè nổ và đều được cài bẫy. Các bãi mìn chủ yếu cài ở hướng tấn công chính diện và hướng có nhiều khả năng vu hồi. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến, Trung Quốc tấn công chính diện dùng chiến thuật biển người song luôn đi kèm các mũi vu hồi đánh từ phía sau. Chiến thuật này ban đầu đã gây cho ta những khó khăn và thiệt hại nhất định.
|
Đường sắt liên vận và Trạm biên phòng cửa khẩu Lào Cai bị phá hủy |
Lợi dụng địa hình biên giới, phía Trung Quốc thường đóng trên điểm cao, tầm quan sát rộng, đặt pháo trong các hầm đào trên núi. Khi bắn, lính Trung Quốc đẩy ra ngoài cửa. Bắn xong lại kéo pháo vào. Địa thế bên Việt Nam thấp, trang bị lại hạn chế. Tuyến trên chủ yếu là lực lượng biên phòng, chủ yếu trang bị hỏa lực là trung liên, cối 60 hoặc 82mm. Khi phát hiện bộ đội Việt Nam hoạt động giáp đường biên, phía Trung Quốc thường hạ nòng súng phòng không 12ly7 bắn. Tiếng 12ly7 hạ nòng bắn nghe ùng ục, căng, rát.
Tổ chốt mố cầu Kiều, có một lần, lính Trung Quốc phát hiện Ngọ đi một mình ra phía cầu. Lính Trung Quốc hạ nòng bắn. Nhờ có mấy bức tường gạch ba vanh còn sót lại, Ngọ kịp nhảy vào hốc đá, thoát. Sau lần đó, mấy anh em thường sử dụng súng bắn tỉa của Hungary sản xuất để áp chế. Nếu so về hỏa lực thì không thể bằng 12ly7, nhưng lại rất hiệu quả. Sử dụng súng bắn tỉa gọn, nhẹ, dễ di chuyển.
Phía Trung Quốc có muốn phản pháo cũng rất khó vì không thể phát hiện ở đâu. Phần nữa độ chính xác, sát thương và tiêu diệt rất cao. Khi quan sát phía bên Trung Quốc đưa pháo ra khỏi hầm hoặc có hoạt động gần biên giới, mấy anh em chủ động sử dụng súng bắn tỉa. Chỉ cần bộ đội nổ súng là tất cả lính pháo hay lính các loại hỏa lực bên kia sẽ không thể hoạt động.
Dựa vào địa hình rừng núi, hầm hào giao thông và hiệu quả vũ khí, đồn không có thiệt hại về người, bảo vệ vững chắc tuyến phòng thủ khu vực Lào Cai. Năm 1985, Đồn biên phòng 206 Hoàng Liên Sơn được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phạm Thanh Khương
Cán bộ Đồn biên phòng 206 Hoàng Liên Sơn, 1983-1984