2023 là năm quyết định sống còn của doanh nghiệp bất động sản

19/02/2023 - 09:08

PNO - Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM (HoREA), yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp (DN) BĐS là phải giải quyết được “nút thắt” về dòng tiền.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số DN BĐS giải thể trong năm 2022 lên đến gần 1.200 DN, tăng 38,7% so với năm 2021. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết, nhiều DN BĐS đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, thậm chí phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô hoạt động, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư. Không ít DN phải cắt giảm nhân lực, thậm chí đến 50% số lao động, giảm lương từ 30 - 50%... Nhiều DN BĐS tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên DN thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.

“Dự báo năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các DN BĐS nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết, nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các DN BĐS là có thể tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này” - ông Châu nhận định. Hiện nay, “vướng mắc pháp lý” là vấn đề chiếm 70% khó khăn của các DN BĐS. Tiếp theo là vấn đề “trái phiếu DN riêng lẻ đến hạn” các khoản vay tín dụng đến hạn chuyển thành “nợ xấu” hoặc “chuyển sang nhóm nợ xấu hơn”. 
Do đó, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ các DN BĐS bằng cách xem xét ban hành quy định mới cho phép DN BĐS được tái cơ cấu khoản nợ tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm... 

Ngọc Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI