Phóng viên: Năm học này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai cho các khối lớp Bốn, Tám và Mười một. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai chương trình đổi mới giáo dục phổ thông?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một trong những thuận lợi lớn nhất của ngành là nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân. Tuy nhiên, đổi mới cũng đi kèm những thách thức từ những cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, giáo viên gặp rất nhiều thiệt thòi, thách thức với khối lượng công việc nhiều hơn, khó lên, trong khi sự động viên về cơ sở vật chất, thu nhập chưa có nhiều thay đổi.
Bên cạnh học sinh, giáo viên, quá trình đổi mới cũng cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Có rất nhiều thay đổi trong công cuộc đổi mới và khi chưa hiểu hết những thay đổi đó, một phần không nhỏ trong xã hội sẽ kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, đòi hỏi phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ xã hội, nhân dân, phụ huynh để họ đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục.
* Nhưng khó khăn cũng đến từ sự chuẩn bị chưa đầy đủ của ngành về cơ sở vật chất?
- Do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như hoàn cảnh khác nhau của mỗi địa phương nên việc đáp ứng điều kiện cho công cuộc đổi mới còn nhiều hạn chế. Chương trình và phương pháp mới đòi hỏi số lượng học sinh trên lớp, tỉ lệ học sinh và giáo viên, chuẩn bị phòng học, thư viện, phòng học bộ môn, thực hiện giáo dục trải nghiệm… phù hợp. Do đó, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm các điều kiện để việc đổi mới thành công.
Trước khi đổi mới giáo dục, vẫn còn nhiều khó khăn chưa khắc phục xong, như phòng học chưa được kiên cố hóa. Trên cả nước, số điểm trường, số phòng học bán kiên cố, tạm, mượn còn chiếm 30%. Ở những vùng sâu, xa, khó khăn, thách thức còn chồng chất hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ hiệu quả. Trong khi đó, ở các đô thị lớn, lại có sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường. Nhìn chung, mỗi nơi đều có những khó khăn riêng.
|
Niềm vui của học sinh lớp Một, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) trong ngày tựu trường - Ảnh: Trần Huy |
* Xin bộ trưởng nêu vài nhận xét và giải pháp về đội ngũ giáo viên?
- Lần đổi mới này trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà giáo rất nhiều. Tiêu biểu là việc lựa chọn cách thức dạy, kiểm tra, đánh giá, lựa chọn học liệu… nhằm giáo dục theo hướng phát huy năng lực cá nhân của học sinh nhiều hơn; chuyển vai trò của giáo viên từ chủ thể truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh. Để làm được điều này, năng lực của giáo viên phải được đổi mới và nâng lên rất nhiều.
Tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì mức độ đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn nằm ở chỗ, những cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới theo yêu cầu của sự đổi mới. Do đó, rất cần sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ này.
Về phía mình, Bộ GD-ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng, áp lực. Bộ cũng yêu cầu ngành GD-ĐT các địa phương tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá… Bộ đã có những điều chỉnh về hoạt động tuyển sinh, đào tạo của các trường sư phạm để cung ứng nhiều hơn nguồn giáo viên cho các địa phương. Bộ cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội phương án tạm thời tuyển dụng giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ với yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Đó cũng là biện pháp tạm thời để có đủ giáo viên dạy môn tin học và ngoại ngữ.
* Công việc của giáo viên mầm non nặng nhọc, vất vả nhưng thu nhập lại rất thấp. Vấn đề này có được giải quyết trong năm học mới không, thưa bộ trưởng?
|
Cô trò lớp Một, Trường tiểu học Nguyễn Hồng Thế (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM) trong buổi tựu trường - Ảnh: Thu Lê |
- Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ làm việc với các bộ, ngành để xem xét nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bước đầu, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ nhất trí sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự nhất trí với Bộ Tài chính và các bộ, ngành. Hy vọng phương án này sớm được thông qua, tuy mức phụ cấp không nhiều nhưng sẽ góp phần động viên đội ngũ giáo viên mầm non. Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét thù lao cho giờ làm việc của giáo viên mầm non.
* Trước thềm năm học mới, bộ trưởng có nhắn nhủ gì đến các thầy cô giáo và học sinh?
- Đây là năm học trọng tâm của quá trình đổi mới giáo dục, khó khăn nhiều nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước. Tôi mong toàn thể nhà giáo và học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình với ngành, với xã hội. Mong rằng xã hội, quý vị phụ huynh tiếp tục ủng hộ ngành giáo dục.
* Xin cảm ơn bộ trưởng.
Dung Nhi (thực hiện)
12 nhiệm vụ của ngành giáo dục trong năm học 2023-2024 Với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, Bộ GD-ĐT đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành trong năm học 2023-2024: - Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. - Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. - Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. - Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. - Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng, an ninh. - Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. - Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. - Hội nhập quốc tế trong giáo dục. - Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá. - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. - Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. - Tăng cường công tác truyền thông giáo dục. |
Các tỉnh, thành tích cực tuyển giáo viên Hiện sở GD-ĐT các tỉnh, thành trong cả nước đã ban hành khung chương trình và kế hoạch năm học, trong đó chú trọng công tác sắp xếp, bố trí giáo viên. Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên tiếp cận những nội dung mới, đặc biệt là nội dung dạy học đối với khối lớp Bốn, lớp Tám và lớp Mười một. UBND tỉnh Cà Mau đã đầu tư khoảng 114 tỉ đồng xây mới và sửa chữa trường lớp. Sở GD-ĐT tỉnh này cũng linh hoạt đào tạo, tuyển dụng để bù đắp cho việc thiếu 240 giáo viên mầm non, 250 giáo viên môn tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật. Năm học này, ngành GD-ĐT tỉnh Kiên Giang xây thêm 830 phòng học mới, sửa chữa hơn 800 phòng, trang bị 4.330 bộ máy vi tính, ti vi, thiết bị dạy học. TP Cần Thơ thiếu 688 giáo viên mới, gồm 160 giáo viên mầm non, 313 giáo viên tiểu học, 110 giáo viên THCS và 105 giáo viên THPT. Các trường đã cố gắng tuyển dụng nhưng số người dự tuyển vẫn thấp hơn chỉ tiêu nên việc tuyển dụng vẫn được tiếp tục. Văn Phước - Thuận Hóa |