2022 - năm của nỗi lo về lạm phát

29/12/2022 - 06:14

PNO - Sau nỗi ám ảnh đại dịch, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều đối mặt với tình trạng giá cả tăng vọt trong năm 2022. Tình hình được dự đoán sẽ cải thiện vào năm 2023, nhưng đổi lại là cái giá phải trả về tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát tác động đến mọi mặt đời sống

Vào tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng lạm phát - kết hợp với việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhằm chống lạm phát - đã đe dọa toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Khi giá cả tăng, tiền không thể mua nhiều hàng hóa như trước, điều này kích hoạt nhu cầu tăng lương từ người lao động và sau đó gây ra lạm phát nhiều hơn khi các doanh nghiệp tiếp tục nâng giá để bù vào khoản lương đã tăng. 

Khi giá tăng nhanh chóng, chức năng cơ bản của một nền kinh tế có thể bị phá vỡ. Ví dụ, trong thời kỳ “siêu lạm phát”, mọi người đổ xô đi tiêu tiền ngay khi họ được trả tiền, bởi vì mỗi giờ trôi qua đồng nghĩa giá cả cao hơn. Vì lý do đó, các ngân hàng trung ương thường đặt ra mục tiêu lạm phát và sử dụng lãi suất để đảm bảo rằng giá cả tăng với tốc độ định trước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt mục tiêu tăng giá 2% mỗi năm. Nhưng kể từ mùa xuân năm 2021, giá cả đã tăng nhanh hơn nhiều tại Mỹ. Lạm phát cao buộc FED tăng lãi suất từ mức sàn 0% vào tháng 3/2022 lên hơn 4% hiện nay, mức thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong 4 thập niên nhằm giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường. Động thái này đẩy nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới vào cuộc đua tăng lãi suất, đe dọa làm chậm tăng trưởng toàn cầu và thậm chí có thể gây ra suy thoái kinh tế ở một số quốc gia vào năm 2023.

Về gốc rễ, lạm phát được thúc đẩy bởi quá nhiều cầu so với cung. Nhưng điều gì khiến cầu vượt cung? Lạm phát cao trong năm qua có thể bắt nguồn từ cả yếu tố cung và cầu. Về phía cung là những khó khăn trong vận chuyển và tình trạng thiếu nhân công do COVID-19, kết hợp với giá năng lượng và lương thực tăng đột biến do chiến sự tại Ukraine. Chi phí năng lượng và vận chuyển đã làm tăng giá của nhiều hàng hóa. Về phía cầu, nhiều quốc gia đã chuyển một khoản tiền lớn cho các hộ gia đình và công ty trong đại dịch, nhằm đảm bảo rằng họ có thể hoạt động qua giai đoạn phong tỏa và tránh sa thải nhân viên. Điều đó làm tăng cung tiền và có thể góp phần gây ra lạm phát. Nhu cầu đối với hàng hóa vật chất tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch, bởi vì người tiêu dùng có nhiều tiền trong túi và không thể chi tiêu cho ăn uống, du lịch hoặc các dịch vụ khác. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế của FED ước tính rằng 40% nguyên nhân tăng giá vào năm 2021 là do các yếu tố bên cung và 60% là do các yếu tố bên cầu.
 

Một phụ nữ đắn đo lựa chọn hàng hóa trong siêu thị ở Warsaw, Ba Lan - một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có tỉ lệ lạm phát cao nhất - ẢNH: AP
Một phụ nữ đắn đo lựa chọn hàng hóa trong siêu thị ở Warsaw, Ba Lan - một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có tỉ lệ lạm phát cao nhất - ẢNH: AP

Triển vọng nào cho năm 2023

FED kỳ vọng lạm phát bắt đầu giảm vào năm 2023. Dù vậy, FED tin rằng lạm phát sẽ khó trở lại mục tiêu 2%/năm cho đến ít nhất là năm 2025. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) kỳ vọng lạm phát chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân sẽ giảm đáng kể vào năm 2023, từ khoảng 5% xuống còn 3%. 

Một cách nhìn đơn giản về triển vọng lạm phát năm 2023 là cuộc đối đầu giữa việc nguồn cung phục hồi và nhu cầu giảm. Hiện tại, một số yếu tố thúc đẩy lạm phát vào đầu năm 2022 đã bắt đầu giảm dần. Giá hàng tiêu dùng giảm khi chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Giá dầu quay trở lại mức cách đây 1 năm, một phần nhờ vào sự phục hồi trong sản xuất và khai thác. Chính sách tiền tệ thắt chặt hoạt động bằng cách siết chặt nhu cầu chi tiêu và điều đó đang bắt đầu có hiệu quả. 

Các lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất như thị trường bất động sản đang trải qua đợt hạ nhiệt bất ngờ, thậm chí gần như đóng băng tại một số quốc gia, với số giao dịch ở mức thấp. Nếu sự phục hồi của nguồn cung - bao gồm cả nguồn nhân lực - đủ lớn và nhanh, các ngân hàng trung ương có thể ngừng thắt chặt tiền tệ trước khi gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc. 

Nhưng tại thời điểm này, dường như nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động tiêu cực. Vào năm 2023, nỗi lo về lạm phát có thể nhường chỗ cho nỗi lo về thất nghiệp. 

Tấn Vĩ (theo Economists, Washington Post, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI