2020 có thể là năm nóng kỷ lục

03/12/2020 - 17:18

PNO - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nồng độ khí nhà kính đã tăng lên mức kỷ lục mới từ năm 2019 cho đến nay, mặc dù lượng khí thải dự kiến giảm do hạn chế đi lại vì COVID-19.

Nhân loại gây chiến với thiên nhiên

Theo báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới, 2020 đang trên đà trở thành năm nóng thứ hai được ghi nhận, sau năm 2016. Bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng, hạn hán, bị thiêu đốt bởi nhiệt độ cực cao, các đám cháy rừng bùng lên khắp Australia, Siberia và Hoa Kỳ, kéo theo những đám khói trên toàn cầu khiến 2020 là năm ấm thứ hai, kể từ năm 1850.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Columbia ở New York, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres cho biết, phát thải khí nhà kính do con người gây ra là nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng cực đoan này.

“Nói một cách đơn giản là trạng thái của hành tinh bị phá vỡ. Nhân loại đang gây chiến với thiên nhiên. Đây là hành động tự sát” - ông Antonio Guterres nói.

Năm 2020 có thể là năm nóng thứ hai trên thế giới, sau năm 2016.
Năm 2020 có thể là năm nóng thứ hai trên thế giới, sau năm 2016

WMO cho biết thêm, một dấu hiệu thay đổi ít thấy hơn là nhiệt độ biển đã tăng lên mức kỷ lục, với hơn 80% đại dương toàn cầu đang trải qua đợt nắng nóng trên biển.

“Thật không may, năm 2020 lại là một năm đặc biệt khác đối với khí hậu của chúng ta, đồng thời thúc giục nhiều nỗ lực hơn nữa để hạn chế khí thải” - Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết.

Báo cáo mới nhất của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,2 độ C so với mức cơ bản từ năm 1850-1900 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, xếp thứ hai sau năm 2016 và nhỉnh hơn so với năm 2019.

Ông Guterres nói rằng, năm ngoái các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại nặng nề cho thế giới ước tính 150 tỷ USD. Trong khi đó, ô nhiễm không khí và nước đang giết chết 9 triệu người mỗi năm. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới điều chỉnh tài chính toàn cầu, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 và tài trợ cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hy vọng về năm 2021

Khi một năm cực đoan về bão, cháy rừng và sóng nhiệt kết thúc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu năm 2021 là năm mà nhân loại chấm dứt “cuộc chiến với tự nhiên” và cam kết hướng tới một tương lai không còn carbon.

Với các báo cáo mới nêu bật việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra một lời kêu gọi khẩn cấp khác nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu. Tới đây, Liên Hiệp Quốc sẽ chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 12/12 tại Pháp, nhân kỷ niệm 5 năm thỏa thuận khí hậu Paris 2015 mang tính bước ngoặt để bàn luận về các giải pháp.

Biến đổi khí hậu là nguồn gốc của một loạt thiên tai trong năm 2020.
Biến đổi khí hậu là nguồn gốc của một loạt thiên tai trong năm 2020

Ông Guterres kỳ vọng vào lời hứa của hơn 100 quốc gia rằng vào giữa thế kỷ này, họ sẽ không thải nhiệt vào bầu khí quyển, cắt giảm ô nhiễm trong thời gian ngắn hơn. Đáng chú ý, Trung Quốc và Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã cam kết không phát thải carbon.

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng năm 2021 có thể là một năm tốt hơn”. Ông cho biết thêm khi các quốc gia chi hàng ngàn tỷ USD để phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, thì họ cũng cần phải chi số tiền như vậy đầu tư vào năng lượng sạch, nên ngừng tài trợ và trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, nhấn mạnh các nước cần thực hiện lời hứa dành 100 tỷ USD hàng năm để giúp các nước nghèo hơn phát triển năng lượng sạch.

Báo cáo mới nhất cho thấy các quốc gia sẽ cần cắt giảm sản lượng khai thác dầu, than và khí đốt tự nhiên 6% mỗi năm vào năm 2030 để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. 

Chung Thu Hương (theo Reuters và AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI