2017 - Năm của những sự kiện gây bất ổn toàn cầu

21/12/2017 - 08:10

PNO - Năm 2017 khép lại với những sự kiện tích cực và những điểm sáng, nhưng cũng chứng kiến không ít thiên tai và khủng bố, sự hoảng sợ xen lẫn niềm hy vọng.

1. Tỷ phú Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và ban hành một loạt chính sách gây tranh cãi, ảnh hưởng đến toàn cầu

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Tổng thống Donal Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2017 - Ảnh: ABC News

Ngày 20/1/2017, tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sau một cuộc bầu cử căng thẳng và gay cấn đến tận phút cuối.

Vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump ban hành một loạt chính sách gây tranh cãi, không chỉ tác động đến công dân Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu.

Sau nhiều tranh cãi và phản đối trong nước cũng như trên thế giới, Toà án Tối cao Hoa Kỳ ngày 4/12 đã cho phép toàn bộ Sắc lệnh nhập cư phiên bản cuối cùng của Tổng thống Trump có hiệu lực, sắc lệnh này thường được gọi là lệnh cấm nhập cảnh, hay cấm Hồi giáo, vì nhắm tới công dân nước ngoài từ sáu quốc gia có số đông là người Hồi giáo: Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen.

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Hàng trăm người Mỹ biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump bên ngoài ga quốc tế sân bay Los Angeles - Ảnh: EPA

Tổng thống Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi cam kết quốc tế của Hội nghị Khí hậu Paris 2015, trong khi các lãnh đạo khắp nơi trên thế giới vẫn tái khẳng định cam kết của mình với hiệp định Paris. Hành động của Mỹ gây khó khăn cho việc đảm bảo tài chính các dự án chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

2. Chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên đe dọa an ninh thế giới

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên đe dọa an ninh toàn cầu - Ảnh: AFP/KCNA

Hoa Kỳ hôm 29/11 đưa ra lời cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ bị “tiêu diệt hoàn toàn” nếu nổ ra chiến tranh, sau khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất, đưa nước Mỹ vào tầm ngắm.

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông HR McMaster nói rằng Triều Tiên là "mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ" và khả năng xảy ra chiến tranh với Bình Nhưỡng tăng lên từng ngày.

Ngày 18/12, Nhà Trắng công bố Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, một tài liệu khẳng định Bình Nhưỡng đang "theo đuổi các vũ khí hóa học và sinh học, có thể được đưa đến mục tiêu bằng tên lửa".

3. Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, thành công tốt đẹp

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 11/11 ở Đà Nẵng, Việt Nam - Ảnh: NDO

“Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vừa kết thúc tốt đẹp”, đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi họp báo quốc tế, thông báo kết quả Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào chiều ngày 11/11.

Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) ở Đà Nẵng, Việt Nam, các nhà lãnh đạo 21 quốc gia trên thế giới tham gia thảo luận các vấn đề thương mại, chính trị và an ninh khu vực.

Hội nghị thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Trong một tuyên bố chung, 11 nước tham gia ký kết TPP (ngoại trừ Mỹ) đã nhất trí về những “yếu tố cốt lõi” của một thỏa thuận, đánh dấu sự thành công của công tác đàm phán tại Việt Nam.

4. Cuộc chiến chống IS kết thúc tại Syria và Iraq, việc chiếm đóng thành phố Marawi của Philippines là một báo động về sự chuyển hướng của IS sang Đông Nam Á

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Quân đội Iraq ăn mừng chiến thắng tại khu vực biên giới Iraq-Syria, kết thúc cuộc chiến chống IS – Ảnh: Sky News

Ngày 9/12 ở Baghdad, Thủ tướng Haider al-Abadi tuyên bố quân đội Iraq đã hoàn toàn kiểm soát khu vực biên giới Iraq-Syria và cuộc chiến chống lại lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) đã kết thúc.

Thông báo của Iraq được đưa ra hai ngày sau khi quân đội Nga tuyên bố họ đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại IS ở nước láng giềng Syria.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng như các lãnh đạo Trung Đông đều muốn tuyên bố chiến thắng IS sau khi đánh bật chúng khỏi các lãnh địa “bất khả xâm phạm” Mosul và Raqqa. Nhưng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng, vì IS đã tính đến cách tập hợp lại lực lượng của mình, và Philippines là một trong những phương án hàng đầu.

Theo các nhà phân tích quốc tế, vụ các chiến binh thánh chiến kiểm soát thành phố Marawi trong vòng 3 tháng khiến cho lực lượng an ninh Philippines gánh chịu tổn thất nặng nề để tái chiếm, là một minh chứng cho ý đồ của IS đối với khu vực Đông Nam Á.

5. Năm 2017 diễn ra nhiều vụ tấn công khủng bố trên thế giới

Trong năm 2017, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố ở London, Manchester (Anh), Saint Petersburg (Nga), Tehran (Iran), liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Hiện trường vụ tấn công khủng bố làm thiệt mạng 19 người và hơn 50 người bị thương tại sân khấu hòa nhạc Manchester tối 22/5 - Ảnh: Getty Images

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio gọi vụ tấn công bằng xe tải giết chết 8 người trên đường đi bộ và đi xe đạp chiều 31/10 là “một hành động khủng bố hèn hạ”.

Trước đó, vụ tấn công liên tiếp tối 3/6 trên Cầu London và khu vực lân cận, khiến 9 người thiệt mạng, 48 người bị thương, một lần nữa khiến thủ đô nước Anh rúng động.

Đêm 22/5, một nghi phạm thực hiện đánh bom liều chết tại sân khấu Manchester nơi diễn ra buổi hòa nhạc của ngôi sao nhạc trẻ Mỹ Ariana Grande, làm thiệt mạng 22 người và làm bị thương 59 người.

Ngày 22/3, đã xảy ra một vụ tấn công khủng bố gần trụ sở Quốc hội Anh, làm thiệt mạng 4 người, trong đó có kẻ tấn công, và khoảng 40 người bị thương nhẹ.

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Hiện trường vụ nổ bom khủng bố tại ga tàu điện ngầm Tekhnologichesky Institut ở thành phố St.Petersburg, Nga ngày 3/4 - Ảnh: AP

Ngày 3/4, một vụ đánh bom kép xảy ra tại ga xe điện ngầm Quảng trường Sennaya và Đại học Công nghệ ở Saint-Peterburg, Nga, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 45 người khác bị thương.

Ngày 7/6, hai vụ tấn công khủng bố tại tòa nhà Quốc hội Iran và lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ayatollah Khomeini đã làm 17 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.

6. Năm của những thiên tai nặng nề

Siêu bão thế kỷ Irma là cơn bão mạnh nhất ở Đại Tây Dương được ghi nhận đến thời điểm hiện tại. Cơn bão cấp độ 5, sức gió tối đa lên đến 295 km/h ập đến vào tháng Chín đã biến bang Florida của Mỹ thành đống hoang tàn, ví như ngày tận thế.

Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là thành phố Miami và đảo san hô Florida Keys. Theo ước tính, thiệt hại do bão Irma gây ra có thể lên đến 25 đến 30 tỷ USD. Số người thiệt mạng ở Cuba và Mỹ trong cơn bão là gần 40 người.

Cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử bang Californa khiến hàng chục người thiệt mạng, thiêu rụi hàng ngàn ngôi nhà. Với điều kiện khí hậu khô và gió giật, đám cháy liên tục bùng phát trong suốt nhiều tháng qua. Hơn 10.000 lính cứu hỏa đã được huy động chiến đấu với bão lửa.  

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Chuỗi đảo Florida Keys tan hoang sau cơn bão - Ảnh: AP

7. Xả súng kinh hoàng nhất lịch sử hiện đại của Mỹ

#prayfornevada, #prayforlasvegas là những hashtag (từ khóa gắn thẻ) xuất hiện tràn ngập trên các trang mạng xã hội sau vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.

59 người chết, hơn 500 người bị thương. Thế giới rúng động vì cách ra tay tàn nhẫn của hung thủ - Stephen Paddock (64 tuổi). Paddock gom đến 17 loại vũ khí lên tầng 32 của tòa nhà gần nơi diễn ra bữa tiệc âm nhạc để xả súng điên loạn.

Đây là vụ xả súng có số lượng vũ khí nhiều chưa từng có và ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, càng khiến mọi người hoang mang, phẫn nộ.

Dân số Mỹ có khoảng 330 triệu người nhưng có đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ được nhắm là ứng cử viên cho cuộc đua Tổng thống Mỹ năm 2020 nhanh chóng kêu gọi họ sẽ nỗ lực cho một đạo luật nghiêm khắc về kiểm soát quyền sở hữu súng đạn. 

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Đám đông hoảng loạn sau vụ xả súng kinh hoàng - Ảnh: Business Insider

8. Tổng thống Trump công nhận Jerusalem, làm thế giới Ả Rập và Hồi giáo phẫn nộ, đe dọa tới an ninh và hòa bình tại Trung Đông

Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường vì đây là vấn đề nhạy cảm, đặt ra câu hỏi liên quan đến hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông.

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump được cho là sẽ khiến nỗ lực cho tiến trình hòa bình Trung Đông tiêu tan. Hành động này của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia Ả Rập, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ như Saudi Arabia hay Jordan.

Quốc vương Jordan Abdullah- một đồng minh thân cận của Mỹ- cũng cảnh báo, đây là động thái hết sức nguy hiểm và có thể tạo lỗ hổng để những kẻ khủng bố, khơi gợi sự thù hằn và reo rắc tâm lý phản kháng vào đầu người dân trong khu vực để phục vụ lý tưởng man rợ của chúng.

Trước đó,trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã hứa thúc đẩy tiến trình chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. 

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: CNN

9. Vết nhơ bê bối tình dục bắt đầu từ Mỹ, và lan ra châu Âu

Quả bom tố cáo bê bối tình dục được châm ngòi sau khi nữ diễn viên Ashley Judd tố cáo ông trùm điện ảnh Hollywood – đạo diễn Harvey Weinstein quấy rối tình dục. Ngay sau đó, hàng loạt vụ vố táo vạch trần sự thật của yêu râu xanh Harvey đã gây chấn động cả thế thế giới.

Liên tiếp là những vụ phanh phui vết nhơ bê bối tình dục của những nhân vật có máu mặt không chỉ trong làng giải trí mà đến chính trường Mỹ.

Trong khi đó, hàng ngàn phụ nữ Pháp đã xuống đường ủng hộ phong trào những phụ nữ là nạn nhân của lạm dụng tình dục dám nói ra sự thật. Những phụ nữ Pháp đã thẳng thắng đề cập đến việc họ bị quấy rối bởi các cảnh sát, bị quấy rối cả trên mạng xã hội và đường phố.

Những khẩu hiệu được đưa ra trong các cuộc biểu tình là: “Cơ thể tôi thuộc về tôi”, “Tôi sẽ không im lặng nữa". 

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Phụ nữ Pháp xuống đường biểu tình phản đối lạm dụng tình dục - Ảnh: AFP

10. Khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar và những câu chuyện nhức nhối chưa có lời giải

Sau chưa đến một tháng, hơn 420.000 người Rohingya đã phải chạy nạn khỏi bang Rakhine của Myanmar sang Bangladesh, vì quân đội Myanmar phát động chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy người Rohingya tấn công các trạm kiểm soát biên giới.

Tư lệnh Lục quân Myanmar Min Aung Hlaing cũng đã kêu gọi những người dân của nước này rời bỏ quê hương vì tình trạng bạo lực tại bang Rakhine trở về nhà và tái thiết cộng đồng.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina mới đây kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực tại bang Rakhine và thành lập khu vực an toàn tại Myanmar để người tị nạn có thể trở về.

2017 - Nam cua nhung su kien gay bat on toan cau
Hình ảnh người Rohingy rời bỏ quê hương lánh nạn gây rúng động trên thế giới - Ảnh: ABC

Người Rohingya đã sống ở đây nhiều thế hệ, chính quyền Myanmar công khai và chính thức coi người Rohingya là tộc người không có tổ quốc. Myanmar từ chối cấp quốc tịch cho họ.

Người Rohingya đối diện với nhiều hạn chế về quyền đi lại, quyền tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác. Trong nhiều thập kỷ, căng thẳng sắc tộc đã âm ỉ ở bang Rakhine, với nhiều lần bùng phát bạo lực.

Việt Hưng - Anh Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI