Mặc dù biện pháp tránh thai có thể giúp phụ nữ không mang thai, nhưng nó cũng thường gây ra những thay đổi đối với cơ thể. Một số tác dụng phụ có thể tích cực (kinh nguyệt đều hơn, da sáng hơn...), song cũng có thể khiến bạn đau đầu, tăng ký, lên mụn... Cùng điểm qua 20 tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng các biện pháp tránh thai phổ biến (thuốc tránh thai, vòng tránh thai, miếng dán, que cấy...):
Rút ngắn thời gian hành kinh: Nerys Benfield, MD, trợ lý giáo sư tại khoa Sản phụ khoa và Sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Y tế Montefiore, Đại học Y khoa Albert Einstein, cho biết: “Uống estrogen (hoạt chất có trong thuốc ngừa thai) dưới mọi hình thức sẽ có khả năng giúp điều chỉnh thời gian hành kinh của bạn và giúp da mịn đẹp hơn".
Căng tức ngực là một triệu chứng phổ biến đối với những người dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên kể từ khi bắt đầu sử dụng. Nếu xuất hiện u vú hoặc đau vú, hãy đi khám.
Vòng một tăng vài cm: Khi bắt đầu dùng estrogen hoặc progestin lần đầu tiên, bạn có khả năng giữ nước trong vài chu kỳ kinh nguyệt đầu, điều này có thể khiến vòng một của bạn tăng vài cm - Đây hẳn là tin vui với không ít người, nhất là những ai luôn mong muốn có vòng một tròn đầy. Tuy nhiên, tin buồn là, sau khi cơ thể thích ứng với lượng estrogen ngoài ý muốn này (vì bạn uống đều đặn), những cm tăng của vòng một sẽ lại giảm dần, vòng một của bạn sẽ trở lại số đo như ban đầu.
Da sáng hơn: Tiến sĩ Benfield cho biết: “Estrogen ngăn chặn bã nhờn gây mụn, mang lại cho bạn làn da sạch và khỏe mạnh hơn - đây là tin vui, tuy nhiên có thể theo thời gian, tác dụng này giảm dần".
Nhức đầu: Bất kỳ sự dao động nào của hormone có thể gây đau đầu, vì thế, trong thời gian đầu áp dụng các biện pháp tránh thai, bạn có thể bị nhức đầu. Tuy nhiên, điều này sẽ giảm dần theo thời gian, trong trường hợp sau 6 tháng, cơn đau này không kết thúc, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ cũng như thử thay đổi biện pháp tránh thai.
Tăng cân thường liên quan đến thuốc chỉ chứa proestin (còn gọi là thuốc nhỏ) hoặc mũi tiêm Depo-Provera (tiêm 3 tháng/lần). Tiến sĩ Benfield nói: “Hầu hết phụ nữ sử dụng các biện pháp ngừa thai có hoạt chất này sẽ không tăng cân, nhưng nếu bạn rơi vào trường hợp ngược lại, bạn có thể tìm một phương pháp khác tốt hơn".
Chậm kinh: Thời gian đầu áp dụng các biện pháp ngừa thai có thể làm ngừng hẳn chu kỳ kinh nguyệt, giảm tần suất xuất hiện, rút ngắn thời gian hoặc giảm bớt lượng kinh nguyệt, về lâu dài, việc này sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu lo lắng, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.
Giảm đau bụng kinh: Que cấy progestin và miếng dán tránh thai đều có thể giúp giảm đau bụng kinh do chúng làm giảm tần suất kinh nguyệt hoặc tạm dừng hoàn toàn.
Buồn nôn: Uống thuốc estrogen có thể dẫn đến buồn nôn (thông thường sẽ giảm dần theo thời gian). Liều lượng estrogen trong biện pháp tránh thai càng cao thì càng có nhiều khả năng bị buồn nôn. Tin mừng là triệu chứng này sẽ giảm dần sau một tuần đầu dùng thuốc.
Kích ứng da Miếng dán tránh thai là một hình thức ngừa thai nội tiết tố được dán trên bụng, mông, lưng hoặc cánh tay trên. Vì nó dính trực tiếp vào da nên chất kết dính có thể gây kích ứng da. Tiến sĩ Benfield cho biết: “Chúng tôi khuyên bạn nên đổi vị trí miếng dán trên cơ thể mỗi tuần. Trong trường hợp, dù thay đổi, tình trạng kích ứng vẫn không giảm bớt, hãy hỏi bác sĩ về việc chuyển sang nhãn hiệu miếng dán khác hoặc chuyển đổi phương pháp khác".
Cục máu đông: Theo Alyssa Dweck, MD, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Trường Y khoa Mount Sinai, miếng dán ngừa thai được cảnh báo có thể khiến bạn có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn so với các hình thức ngừa thai khác. Nếu bạn hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình bị cục máu đông hoặc bệnh tim, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc lựa chọn một phương thức ngừa thai khác.
Chuột rút là tác dụng phụ đối với người sử dụng vòng tránh thai. Bạn sẽ thấy khó chịu và bị chuột rút khi được bác sĩ đặt lần đầu tiên, nhưng bạn sẽ được bảo vệ từ 3 đến 5 năm (tùy loại). Nếu sử dụng vòng tránh thai nội tiết tố, có thể nhẹ nhàng hơn, ít bị chuột rút hơn. Tiến sĩ Benfield nói: “Vòng tránh thai nội tiết tố cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ của biện pháp tránh thai nội tiết tố khác trong danh sách này (như căng tức ngực và đau đầu), nhưng ít hơn so với thuốc tránh thai đường uống.
Khó chịu khi giao hợp: Vòng tránh thai cũng có thể gây trở ngại trong quan hệ tình dục sau khi vòng được cấy vào. Có những sợi dây nhỏ ở dưới cùng của thiết bị mà đối tác của bạn có thể cảm thấy. Tiến sĩ Benfield nói: “Lúc đầu, dây hơi cứng, nhưng chúng sẽ mềm dần theo thời gian. Và nếu những sợi dây tiếp tục cản trở đời sống tình dục, bạn luôn có thể tháo vòng ra".
Kinh nguyệt nhiều hơn: Khi đặt vòng tránh thai, phụ nữ sẽ có gặp tình trạng lượng máu kinh nhiều hơn so với bình thường. Có khi 1,2 tiếng phải thay băng vệ sinh mới. Tiến sĩ Benfield nói: “Sau một năm, mọi thứ sẽ như cũ".
Phát ban đỏ, sần sùi và kích ứng: Bao cao su có tác dụng phụ đối với những người bị dị ứng latex. Tiến sĩ Benfield nói: “Dị ứng latex sẽ xuất hiện trong vòng 20 đến 30 phút sau khi sử dụng: Phát ban đỏ, sần sùi... không chỉ ở khu vực mà bao cao su đã chạm vào. Nếu bị dị ứng, bạn có thể thử dùng bao cao su polyurethane hoặc tự nhiên".
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một tác dụng phụ phổ biến của màng ngăn, đặc biệt là đối với những phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu.
Ít sữa nếu con bú mẹ: Nếu bạn đang cho con bú, điều quan trọng cần lưu ý là estrogen có thể làm cạn kiệt nguồn sữa. Tiến sĩ Dweck khuyên bạn nên cân nhắc dùng thuốc chỉ chứa progestin.
Rụng tóc có thể xảy ra khi dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, đặc biệt đối với những người có tiền sử gia đình bị hói.
Tăng tiết dịch âm đạo: Một trong những tác dụng phụ liên quan đến NuvaRing, một vòng nhựa nhỏ mà bạn đưa vào âm đạo mỗi tháng là tăng tiết dịch âm đạo.
Đau nhức trên cánh tay: Que cấy tránh thai là một hình thức ngừa thai nội tiết chỉ có progestin, có dạng một que nhựa dẻo (kích thước bằng que diêm) được cấy bên dưới da. Ngoài các tác dụng phụ của biện pháp tránh thai liên quan đến progestin, bạn cũng có thể bị đau nhức, sưng tấy và bầm tím trên cánh tay tại vị trí cấy ghép trong tối đa 2 tuần.
An Huỳnh (theo Glamour)