20 người Trung Quốc 'nắm' thị trường thanh long Bình Thuận

07/10/2019 - 11:00

PNO - Những đầu nậu Trung Quốc đứng sau, bỏ tiền ra cho người Việt làm vườn thanh long, thu mua và thao túng giá thanh long của cả vùng rồi xuất tiểu ngạch về Trung Quốc.

Ông Đặng Ngọc Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thanh long Ninh Thuận 9 - cho biết, diện tích đất của HTX trên 50ha, có thể thu hoạch đến 1.000 tấn/năm. Cũng giống như các HTX thanh long khác trong tỉnh, phần lớn thanh long của HTX này được xuất sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu 80% thanh long của Bình Thuận. Người trồng thanh long từng không ít lần bị thương lái Trung Quốc quỵt tiền xuất phát từ việc mua bán bằng miệng. 

Theo ông Hưng, tại tỉnh Bình Thuận, chỉ có khoảng 20 người Trung Quốc bỏ tiền ra cho người Việt làm vườn thanh long và đứng đằng sau thao túng giá cả thanh long của cả vùng. Giá cả lên xuống thất thường, vụ được vụ mất cũng chính từ nhóm người này. “Làm ăn với những người này mình phải lấy tiền trước hoặc ngay lúc đó; nếu không, họ giật luôn” - ông Hưng chia sẻ.

20 nguoi Trung Quoc 'nam'  thi truong thanh long Binh Thuan
Người trồng thanh long chịu nhiều rủi ro do phụ thuộc vào nhóm người Trung Quốc

Người trồng thanh long biết rõ những rủi ro từ việc buôn bán này nhưng khó tránh được do phụ thuộc thị trường này quá nhiều. Chẳng hạn, các HTX biết rõ từ ngày 20/9 - 10/10 rơi vào dịp lễ quốc khánh của Trung Quốc, nước này có chính sách “đóng” hết các hoạt động giao thương dù thị trường vẫn có nhu cầu. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian này, thanh long Việt Nam một là nằm chết, hai là thương lái Trung Quốc vẫn nhận nhưng không thanh toán tiền; những thương lái có kho lạnh sẽ nhập hàng với số lượng rất hạn chế và giá thu mua rất rẻ. 

Những năm gần đây, doanh nghiệp và người trồng thanh long tại Bình Thuận đang tìm thị trường xuất khẩu thay thế như Nhật Bản, châu Âu để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, những thị trường này đều có yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, muốn đáp ứng thì không được dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, mà không thuốc thì trái thanh long bị đốm nâu, hàng xuất đi lại bị trả về.

20 nguoi Trung Quoc 'nam'  thi truong thanh long Binh Thuan
Thanh long Bình Thuận nhiều lần rớt giá đổ về vỉa hè các thành phố bán với giá rẻ như cho

Các lô hàng bị trả lại, theo đúng chuẩn quốc tế, buộc phải tiêu hủy hoàn toàn và không được bán cho người dân trong nước. Một số đầu mối tìm cách mua lại các lô hàng bị trả về này và bán với giá siêu rẻ tại thị trường nội địa, khiến giá của cả ngành hàng này giảm theo. Đây giống như một vòng luẩn quẩn của người trồng thanh long. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thừa nhận, việc liên kết sản xuất thanh long còn bất cập, chủ yếu là tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống, qua nhiều tầng nấc trung gian và người nông dân phải tự sản xuất cũng như tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Phương thức giao dịch đều thỏa thuận bằng miệng, không thông qua hợp đồng, quan hệ mua bán thường bị chi phối bởi thị trường và thương lái.
Gần đây, khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch, cho phép loại trái cây này được nhập chính ngạch, những đầu nậu Trung Quốc này bị hạn chế việc thu mua. Phía Trung Quốc chỉ cho phép thông quan khi các lô hàng có giấy nhập khẩu chứng minh được giữa bên cung cấp và thu mua có ký hợp đồng với nhau.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Trí - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận - đến lúc phải quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng trồng thanh long; công khai quy trình quy hoạch thanh long; UBND các huyện, thị xã, thành phố điều chỉnh quy hoạch vùng trồng thanh long tập trung, công bố cho người dân biết và thực hiện theo đúng quy hoạch.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số vùng trồng thanh long tại Bình Thuận cũng đã đầu tư công nghệ sấy khô hoặc làm nước ép, rượu vang… 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI