Cháy bệnh viện điều trị COVID-19 ở Romania, 20 người thương vong

15/11/2020 - 07:00

PNO - Các quan chức cho biết ngọn lửa bùng phát trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ở thành phố Piatra Neamt và nhanh chóng lan sang một căn phòng liền kề khiến ít nhất 10 người chết.

Ít nhất 10 người chết sau vụ cháy ở Romania

Tối 14/11 (giờ địa phương), vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở đông bắc Romania, khiến ít nhất 10 người tử nạn và làm bị thương 10 người khác, trong đó có 7 người nguy kịch.

Người phát ngôn của Cơ quan Thanh tra các Tình huống Khẩn cấp địa phương, Irina Popa cho biết ngọn lửa lan rộng qua khu chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện công ở thành phố Piatra Neamt. Hầu hết những người tử vong hoặc bị thương trong vụ cháy đều là bệnh nhân của bệnh viện.

Vụ cháy tại Romania khiến ít nhất 10 người chết.
Vụ cháy tại Romania khiến ít nhất 10 người chết

Đáng chú ý, trong số các nạn nhân nguy kịch, có 1 bác sĩ đã cố gắng cứu các bệnh nhân khỏi ngọn lửa và hiện trong tình trạng bỏng cấp độ hai, tổn thương cơ thể 80%. Một bác sĩ và 2 y tá khác cũng đang được chữa trị bỏng.

Bộ trưởng Y tế Nelu Tataru nói với truyền thông Romania rằng ngọn lửa "rất có thể đã bùng phát sau sự cố về điện". Theo các hãng truyền thông, từ lâu bệnh viện cấp cứu khu vực Piatra Neamt đã có hệ thống quản lý kém.

Người quản lý hiện tại của bệnh viện, Lucian Micu, đã được bổ nhiệm chỉ 3 tuần trước, sau khi người tiền nhiệm từ chức vì công tác điều trị bệnh nhân không tốt. Cụ thể, việc từ chức diễn ra khi các phương tiện truyền thông đưa tin về một loạt bệnh nhân, trong đó có nhiều người bị nghi ngờ nhiễm COVID-19, buộc phải đợi ngoài trời lạnh để chờ gặp bác sĩ.

Châu Âu thắt chặt các biện pháp kiểm soát

Một loạt các biện pháp mới được ban hành nhằm hạn chế làn sóng COVID-19 thứ hai đã được công bố và bắt đầu có hiệu lực từ Áo đến Hy Lạp, Ý đến Bồ Đào Nha, khi số người chết toàn cầu tăng lên 1,3 triệu.

Hơn 53 triệu người đã bị lây nhiễm trên toàn thế giới bởi COVID-19, đồng thời dịch bệnh đang hoành hành khắp châu Mỹ và châu Âu, buộc các chính phủ phải hành động quyết liệt hơn bất chấp khả năng tàn phá kinh tế.

Châu Âu thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.
Châu Âu thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Áo thông báo các trường học và cửa hàng không thiết yếu sẽ đóng cửa từ ngày 17/11, sau khi áp đặt lệnh phong tỏa một phần đất nước vào hai tuần trước.

Thủ tướng Sebastien Kurtz cho biết: “Vẫn có nhiều người nói rằng lây nhiễm virus không xảy ra ở trường học, ở các cửa hàng hoặc dịch vụ. Nhưng sự thật là các nhà chức trách không còn có thể theo dõi con đường lây truyền của 77% ca nhiễm mới, điều đó có nghĩa là họ không biết tình trạng lây nhiễm đang xảy ra ở đâu”.

Tương tự, Hy Lạp cũng đang chống chọi với hệ thống y tế quá tải, tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả trường học sau khi áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc.

"Đóng cửa các trường tiểu học là điều cuối cùng chúng tôi muốn làm. Đây là thước đo để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh"- Bộ trưởng Y tế Vassilis Kikilias cho biết.

Trong khi đó, một số thành phố của Đức đã chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối yêu cầu đeo khẩu trang khiến cảnh sát phải sử dụng vòi rồng để giải tán gần 1.000 người ở Frankfurt. Hay hàng trăm người biểu tình cũng xuất hiện ở Bồ Đào Nha, bất chấp lệnh giới nghiêm cuối tuần của chính phủ.

Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu công chúng hợp tác khi dịch COVID-19 tăng đột biến

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi công chúng hợp tác, tuân thủ các biện pháp hạn chế khi số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 ngày càng tăng cao.

“Cơ quan y tế và chính quyền địa phương phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Sự hợp tác của cộng đồng cũng rất quan trọng. Mắc dù dịch bệnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát nhưng đây là một tình huống bấp bênh và đáng lo ngại”- Tổng thống Moon Jae-in cho biết.

Hàn Quốc đã báo cáo hơn 166 trường hợp mắc mới COVID-19 và 39 trường hợp nhập khẩu trong ngày 14/11, đây là mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ đầu tháng 9.

Bộ Y tế Hàn Quốc nói thêm họ đang theo dõi xu hướng, sự tiến triển của dịch COVID-19 và sẽ xem xét liệu các biện pháp an toàn có cần được tăng cường hay không.

Chung Thu Hương (theo AP, CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI