|
Video: Tiệm sửa giày dép miễn phí cho người nghèo |
Giúp người nghèo từ đường kim mũi chỉ
Vò mái tóc đã lấm tấm sợi bạc bằng bàn tay bám đầy bụi, anh Huỳnh Thanh Tuấn (46 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) kể: “Hồi nhỏ, tôi học kém quá, không phải quậy phá lông bông mà thiệt sự học không nổi. Thêm cảnh nhà khổ quá khổ, nên tôi xin ba mẹ cho đi học nghề. Ba mẹ không la mắng mà còn khuyến khích. Thế là, tôi chọn nghề sửa giày dép”.
|
Anh Huỳnh Thanh Tuấn, chủ tiệm sửa giày dép miễn phí cho người nghèo |
3 năm học nghề, thầy không thu học phí nhưng anh Tuấn phải làm không lương. Trong tay không có tiền, chỉ có cái nghề mới học, anh đã nghĩ ngay đến việc đặt tấm bảng sửa giày dép miễn phí cho người nghèo. Bởi những ngày theo thầy sửa giày dép ở vỉa hè, anh Tuấn chứng kiến bao cảnh khó của người nghèo.
Anh Tuấn nói: “Hồi còn học nghề, khách đến chỗ thầy tôi sửa giày dép có nhiều người bán vé số, nhặt ve chai, đạp xích lô, ba gác… Họ mang đôi dép mỏng đến mức có thể “đem cạo râu”. Từ đó, tôi đã nung nấu ý định ra nghề sẽ sửa giày dép miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn”.
Đó là những năm 2000-2001, trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM, người qua đường đều nhìn thấy tấm bảng đơn sơ viết dòng chữ “Tuấn nhận sửa giày dép miễn phí cho anh chị: vé số, xích lô, ba gác, khiếm thị…”. Theo thời gian, tấm bảng với nét chữ nguệch ngoạc của anh thanh niên nghèo sửa giày được thay thế bằng bảng chữ đỏ tươi, đẹp đẽ.
“Thời đó, vé số mỗi tờ có 2.000 đồng, nếu dép hư vào tiệm sửa mất 2.000 đồng thì coi như bằng 1 tờ vé số. Tiền lãi để lo gia đình của họ cũng bị giảm đi. Tôi may dùm họ thì cũng mất có vài đường chỉ mũi kim, có đáng gì đâu. Tôi không mất mát nhiều mà lại giúp họ phần nào trong cuộc sống, bớt một khoản chi tiêu, bớt một nỗi lo toan”, anh Tuấn tâm sự.
|
Giày dép cũ được Mạnh Thường Quân tặng, anh Tuấn sửa chữa gửi đến tay người nghèo |
Anh chợt xúc động: “Nhiều khi sửa giày dép cho người nghèo mà tôi buồn muốn rơi nước mắt. Nó quá cũ. Nếu là người khác, có thể đôi giày, đôi dép ấy đã bị vứt bỏ từ lâu. Có người không có tiền để mua dép mới, cứ cố sửa mãi đôi dép cũ mà mang. Khi nhận từ tay tôi đôi giày vừa được sửa chữa, có thể tiếp tục sử dụng, họ vui lắm. Nhìn thấy họ vui, tôi cũng hạnh phúc.
Tôi luôn tự nhủ và dặn dò học trò khi sửa giày dép miễn phí phải làm bằng tâm huyết, tấm lòng của mình. Những lần sửa như thế phải thật trân trọng. Bởi, họ đi nhiều, mệt mỏi hay khỏe khoắn đều nhờ vào những đôi giày, đôi dép tốt. Nguồn sống của nhiều gia đình phụ thuộc vào đôi bàn chân, đôi giày, đôi dép mình sửa chữa.
Mặt khác, chúng tôi phải sửa bằng cái tâm để họ không cảm thấy buồn, tổn thương, mặc cảm. Xác định giúp người là phải giúp cho tận tình chứ không làm theo kiểu qua loa, chiếu lệ”.
Thậm chí, một số người không hề khó khăn nhưng vẫn liên tục đem giày đến nhờ anh Tuấn sửa miễn phí. Biết người ta lợi dụng lòng tốt của mình nhưng anh vẫn giúp đỡ đến khi người đó tự nhận ra, xấu hổ và không đến nhờ nữa.
Làm việc trên hè phố, chứng kiến bao mảnh đời vất vả, anh Tuấn hiểu suy nghĩ của người nghèo. Cho nên, anh viết lên bảng đặt trước tiệm để người nghèo không cảm thấy ngại ngùng.
|
Tấm bảng nhận sửa giày dép miễn phí được dán ở nơi dễ nhìn thấy nhất |
“Có người mang đôi dép cũ đến nhờ tôi sửa. Sửa xong, họ ôm đôi dép vào lòng khóc nức nở. Sau đó, họ quay sang ôm tôi và thầm thì câu cảm ơn”, anh Tuấn nghèn nghẹn.
Người nghèo ít đến, chủ tiệm mừng rơn
Anh Huỳnh Thanh Tuấn không nhớ nổi đã sửa miễn phí giày dép cho bao nhiêu người nghèo. Anh chỉ nhớ, giày dép của người nghèo thì sứt quai, mòn đế, có khi tài sửa chữa của anh cũng không “cứu” nổi.
“Đối với những đôi giày hư hỏng nặng quá, không thể sửa chữa, tôi đều khuyên họ bỏ đi, rồi tặng họ đôi giày cũ mà tôi được Mạnh Thường Quân gửi tặng cho người cần”, anh nói.
Chỉ tay ra phía những đôi giày đã cũ, anh nói tiếp: “Nhiều người có lòng hảo tâm, biết tôi sửa và tặng giày cũ cho người nghèo nên đem giày dép cũ đến tiệm. Tôi thấy đôi nào còn sửa được thì đem đi sửa, rồi để trên kệ. Người nào mang vừa chân, tôi lấy ra tặng”.
|
Anh Tuấn nói, đôi dép bị chó cắn rách phần đế nhưng còn rất tốt, anh sẽ tìm cách sửa chữa, rồi tặng cho người cần |
Những đôi giày cũ được anh Tuấn khâu may, dán keo, căn chỉnh lại cẩn thận. Anh bày biện ở chỗ dễ nhìn thấy nhất. “Ai dùng được thì tôi mới cho, nếu thấy họ không dùng được tôi cũng không cho vì như thế sẽ phí, trong khi đó, người khác cần lại không có”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn kể, lúc mới đặt bảng, các anh chị bán vé số, đạp xích lô đến nhờ sửa rất đông. Bây giờ giảm nhiều, có ngày, chỉ 1-2 người đến nhờ sửa miễn phí. Tuy nhiên, anh vẫn duy trì tấm bảng và công việc thiện nguyện. Ai có nhu cầu thì cứ đến tiệm, anh vẫn sẽ giúp hết lòng.
“Ít việc thì cũng buồn tay nhưng tôi rất vui vì đời sống của bà con được nâng lên, bớt khổ hơn trước. Hiện tại, việc cho giày dép cũ vẫn có người đến nhận đều đặn”, anh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh sửa và tặng giày dép cũ, anh Tuấn còn nhận dạy nghề miễn phí. Anh tâm sự, trong xóm của anh, nhiều em có hoàn cảnh éo le, em thì cha mẹ tù tội, đứa thì nhà nghèo… Em nào muốn học nghề anh đều dang tay bảo bọc.
“Tôi lấy kinh nghiệm sống của mình để truyền lửa cho các em. Khi nhận các em, tôi luôn bảo ban đạo đức, cách làm người trước rồi mới dạy nghề. Em nào muốn học, tôi đều yêu cầu các em phải được ba mẹ, người thân đồng ý, đến nhà tôi đặt vấn đề, gửi gắm”, anh Tuấn cho biết.
|
Đôi tay lấm lem của anh Tuấn đã tạo ra "cổ tích" cho rất nhiều người nghèo |
Trước đây, anh đi học nghề thì phải làm không công cho thầy. Tuy nhiên, hiện tại, anh không áp dụng cách thức này mà mỗi tháng đều gửi lương cho các em. Lương sẽ tăng dần theo kinh nghiệm, tay nghề.
Anh Tuấn mở cửa căn tiệm nhỏ từ 7g30 đến 18g mỗi ngày. Với uy tín, tay nghề của anh, nguồn khách đến tiệm luôn ổn định, đủ để anh an tâm tiếp nối chuỗi ngày sửa chữa giày dép miễn phí cho người nghèo.
Không riêng gì giày dép, ai cần vá chiếc túi đựng vé số, cái bạt mui xe xích lô… anh Tuấn cũng sẵn lòng làm. Vui với những điều tốt giản dị, anh Tuấn không thấy cô đơn dù mang cảnh đời "gà trống nuôi con".
Ngọc Lài