20 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Thị Thập: Nỗi đau mình mẹ nặng mang

07/03/2016 - 13:48

PNO - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của má Mười Thập đã trở thành biểu tượng về sự anh dũng, bất khuất của phụ nữ miền Nam...

20 nam ngay mat dong chi Nguyen Thi Thap: Noi dau minh me nang mang

Bà con miệt Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp… vẫn quen gọi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập một cách thân thương là “má Mười Thập”. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của má Mười Thập đã trở thành biểu tượng về sự anh dũng, bất khuất của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Vượt dòng Cửu Long sinh con

Tôi về xã Long Hưng (H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vào những ngày cuối tháng Hai nắng rát mặt người. Qua một lần đò, hỏi đường đến Khu di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa tỉnh Tiền Giang (ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng), một cô bé nhanh nhẩu: “Chị tìm nhà thờ má Mười phải không? Để em đưa đi cho lẹ, khỏi sợ lạc. Tụi em nghe có ai về thăm nhà thờ má Mười đều mừng bởi má là niềm tự hào của Long Hưng”.

Nằm trong khuôn viên khu di tích, nhà thờ má Mười Thập được thiết kế theo lối kiến trúc cổ Nam bộ, gồm ba gian, hai chái. Gian thờ ở chính giữa nhà, treo hai bức ảnh trắng đen khổ lớn hai bên tường. Ảnh bên trái chụp má và Bác Hồ gặp gỡ phụ nữ Tây Bắc, bên phải là ảnh má cùng hai người con Lê Ngọc Thu (SN 1938) và Lê Văn Quang (SN 1940) đoàn tụ năm 1954, sau 14 năm xa cách. Tất cả hiện vật trong nhà, từ bộ phản gỗ, cái giường con, những chiếc áo bà ba sờn cũ, bình chứa nước bằng gáo dừa… đều thể hiện rõ phong cách sống và làm việc giản dị của má.

Má Mười Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt (SN 1908), là một người con của vùng đất Long Hưng anh hùng. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, thuở bé suy nghĩ của Ngọc Tốt như đã được mặc định: “Xưa ông bà tôi nghèo thì cha mẹ và anh chị em tôi cũng phải chịu nghèo”. Ước mơ cao nhất lúc đó của Ngọc Tốt là tết đến ba má, anh chị em trong nhà mỗi người có một bộ quần áo mới. 12 tuổi, Ngọc Tốt mồ côi mẹ.

17 tuổi, theo sắp đặt của cha, cô lấy một người đàn ông khá lớn tuổi làm chồng. Hôn nhân không hạnh phúc cùng với thời cuộc lúc bấy giờ đã buộc Ngọc Tốt phải gửi lại con trai đầu là Lương Văn Thuận cho nhà nội để đi “vô sản hóa”. Khi được anh Thái Văn Đẩu - người phụ trách tổ chức nông hội của xã hỏi, việc đấu tranh với bọn chủ điền, bọn đế quốc để đòi quyền lợi cho dân cày có thể bị bắt, bị tù đày, tra tấn thì cô có sợ không? Ngọc Tốt trả lời không chút do dự: “Bắt thì bắt, tù thì tù. Tôi không sợ đâu”. Năm đó, Ngọc Tốt 21 tuổi. Con đường cách mạng của người mẹ anh hùng ấy đã bắt đầu như vậy.

Thoát ly gia đình lên Sài Gòn hoạt động, bị bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn một năm, đến năm 1936, bà được chuyển công tác về lại Mỹ Tho. Tại đây, bà đi bước nữa với người chiến sĩ cách mạng Lê Văn Giác (SN 1902, còn gọi là Năm Giác). Năm 1940, bà mang thai người con trai út. Là một trong những người lãnh đạo Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23/11/1940 ở Mỹ Tho, bà búi cao tóc, xắn quần tận gối, nịt bụng bằng chiếc khăn rằn, chỉ huy “cánh quân” từ rừng Ba U ra đánh đồn Tam Hiệp. Sau ngày Nam kỳ khởi nghĩa, địch bố ráp dữ dội, lùng sục khắp nơi.

20 nam ngay mat dong chi Nguyen Thi Thap: Noi dau minh me nang mang
Má Mười và hai con

Tới ngày trở dạ, má Mười Thập nơm nớp lo phải “đẻ ở đâu” để xóm làng không bị liên lụy vì che chở cán bộ, để con được an toàn. Cuối cùng, người mẹ ấy ngồi xuồng ba lá ròng rã một đêm vượt sông từ Mỹ Tho sang Bến Tre sinh con. Sau này, bà viết trong hồi ký: “Lúc nào con ngủ tôi cũng vạch từng ngón tay, ngón chân xem có tật nguyền gì không. Ngón tay nó hơi thô và dài, giống ngón tay ba nó như đúc. Tôi đã đặt tên nó là Quang. Quang là trời quang mây tạnh, quang rạng sáng sủa. Ước sao cho đời nó sau này thoát khỏi cảnh tăm tối, gian lao như cha mẹ nó giờ đây”.

Khóc thầm lặng lẽ

Quang mới tám ngày tuổi thì má Mười Thập nghe tin chồng bị địch bắt. Trên đường đày Côn Đảo lần thứ hai (ông Năm Giác từng bị đày ra Côn Đảo năm 1930 do tham gia biểu tình chống thuế), địch đã thủ tiêu ông, ném xác xuống biển. Từ lâu bà đã gửi con gái Ngọc Thu sống tại nhà người cô, đổi tên con thành Cụt vì sợ địch lùng bắt. Lúc này, Quang ở cạnh mẹ, bà lại lo thế nào cũng gặp nguy hiểm. Bà quyết định trao Quang cho Tám Thẩm - một đảng viên trẻ chăm sóc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI