20 năm, hàng chục ngàn phép mầu

21/08/2017 - 10:00

PNO - Sau 20 năm kể từ ngày Việt Nam cho phép thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (tháng 8/1997 - 8/2017), đã có hàng chục ngàn “phép mầu” đến với những gia đình hiếm muộn.

Làm mẹ ở tuổi 60

Bế cậu bé kháu khỉnh 18 tháng tuổi, bà Nguyễn Thị Nguyệt (61 tuổi, Bắc Giang) khiến nhiều người bất ngờ khi biết đây chính là con ruột của bà. Hoàn cảnh gia đình ít người, cô quạnh, năm 2010, bà Nguyệt quyết định sinh thêm con sau khi đã về hưu. Tuy nhiên, do tuổi cao nên sau 5 năm mơ ước, hai vợ chồng bà vẫn không thể có con bằng phương pháp tự nhiên.

20 nam, hang chuc ngan phep màu
Bà Nguyệt (bìa phải) hạnh phúc làm mẹ ở tuổi 60


Ở thời điểm đã lên chức “bà ngoại”, bà Nguyệt vẫn quyết định nhờ tới các biện pháp can thiệp của y học, dù cho bạn bè, người thân đều phản đối. Tại bệnh viện (BV) nơi bà Nguyệt thăm khám, các bác sĩ (BS) không khỏi lo lắng khi tuổi của bà đã cao. Được biết, ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) cao tuổi nhất trước đó là 58.

Tuy nhiên, trước quyết tâm của bà Nguyệt và cân nhắc các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép, các BS đã TTTÔN theo nguyện vọng của bà. Kết quả, đầu năm 2016, bước sang tuần thai 38, bà Nguyệt sinh được bé trai nặng 2,6 kg an toàn. Đến nay, cháu bé đã được 18 tháng tuổi, nói sõi và nhanh nhẹn. 

Tại hội thảo chuyên về hiếm muộn được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, cùng với gia đình bà Nguyệt, trường hợp của gia đình chị Trương Thị Hà và anh Lê Văn Năm cũng thắp lên hy vọng cho nhiều cặp đôi hiếm muộn.

Mặc dù hai vợ chồng đều bị liệt nửa người, nhưng sau nhiều lần nỗ lực, bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, họ đã có được một bé trai. Một trường hợp khác là gia đình anh Nguyễn Tuấn, sau 6 lần xin tinh trùng TTTÔN vẫn không thành công, nhưng khi sử dụng phương pháp chọc PESA, anh đã có một “mụn con” từ chính tinh trùng của mình.

20 nam, hang chuc ngan phep màu
 

Hơn 50% trường hợp thành công sau lần đầu chuyển phôi 

Hàng loạt câu chuyện cảm động, những phép mầu đến với các cặp đôi hiếm muộn trong thời gian qua là kết quả có thể nhìn thấy sau 20 năm Bộ Y tế quyết định thực hiện phương pháp TTTÔN ở Việt Nam. 

GS-TS Trần Thị Phương Mai - cố vấn chuyên môn về chăm sóc sức khỏe sinh sản Bộ Y tế cho biết, ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được triển khai tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước, giúp cho hàng chục ngàn gia đình hiếm muộn có con. Trong đó, trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật đưa lĩnh vực hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới.

“Việc trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được nỗi lo về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng mang lại”, GS-TS Phương Mai phân tích.

20 nam, hang chuc ngan phep màu
 

Cụ thể, một quy trình có thể tạo ra nhiều phôi. Sau khi được chuyển phôi tươi, người mẹ có thể trữ các phôi còn lại để chuyển những lần sau. Đặc biệt, việc trữ lạnh toàn bộ được chỉ định triệt để cho các ca có nguy cơ quá kích buồng trứng, nội mạc tử cung bất thường, xơ tử cung… 

Chuyển phôi đông lạnh được thực hiện thành công lần đầu tiên ở BV Từ Dũ TP.HCM từ năm 2003 với cả trứng và tinh trùng đông lạnh. Theo các chuyên gia, trước đây, phôi được đông lạnh bằng kỹ thuật đông chậm nên tỷ lệ sống thường không cao sau khi rã đông. Hiện nay, nhờ áp dụng kỹ thuật thủy tinh hóa với môi trường bảo quản không ngừng được cải tiến, tỉ lệ phôi bị thoái hóa sau rã rất thấp và tỷ lệ thành công khá cao.

Theo BS Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng Labo hỗ trợ sinh sản của BV chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội, có tới trên 50% các bà mẹ ngay trong lần đầu được chuyển phôi trữ lạnh đã sinh em bé khỏe mạnh tại BV này.

Mặc dù thời gian lưu trữ phôi không làm ảnh hưởng tới chất lượng phôi sau khi rã đông, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, các bà mẹ không nên để quá lâu mới chuyển phôi, bởi tuổi tác càng lớn sẽ càng đối mặt với nhiều nguy cơ trong quá trình mang thai và ảnh hưởng tới cả em bé. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI