20 năm chưa xuất khẩu được thịt heo, trách nhiệm thuộc về ai?

26/04/2017 - 12:00

PNO - Sau 20 năm phát triển, thịt heo Việt Nam vẫn chưa vào được thị trường nào theo đường chính ngạch.

Để xảy ra tình trạng “bế tắc” này, trách nhiệm lớn thuộc về các cơ quan chức năng vì chưa quan tâm đúng mức, thậm chí thờ ơ với vấn đề phát triển nông sản Việt. Một trong những giải pháp mang tính “dài hơi” được Bộ NN-PTNT tập trung hướng tới trong thời gian gần đây là khai thông thị trường xuất khẩu thịt heo, giải quyết tình trạng cung vượt cầu tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đến thời điểm này mới quyết liệt tìm đường đi cho con heo là quá muộn.

20 nam chua xuat khau duoc thit heo, trach nhiem thuoc ve ai?
Hai mươi năm qua, thịt heo Việt Nam vẫn chưa được xuất khẩu.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam rất bức xúc trước thực tế 20 năm phát triển, thịt heo Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu; thị trường trong nước liên tục lao đao vì phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc - một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng giá heo đang diễn ra.

“Khi chúng ta hội nhập ASEAN, đã có nhiều ý kiến về việc Việt Nam phải xem đây là một thị trường tiêu thụ thịt heo tiềm năng. Bên cạnh chúng ta, rất nhiều quốc gia đang nhập hàng trăm tấn thịt heo hàng năm như Brunei, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc…”, ông Lịch nói.

Trách nhiệm hàng đầu của vấn đề này, theo ông Lịch, thuộc về Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT; trong đó, Bộ Công thương phải là đơn vị xúc tiến đàm phán các hoạt động thương mại, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) xây dựng các hiệp định thú y cam kết giữa hai nước. Ông Lịch bức xúc đặt câu hỏi: “Bộ trưởng Bộ Công thương nghĩ gì khi nông sản bị ùn ứ như hiện nay?”.

Đồng tình với ông Lịch, đại diện một công ty chăn nuôi chiếm thị phần lớn tại Việt Nam cho rằng, đơn vị mình cũng đã có kế hoạch xuất khẩu thịt heo nhưng chưa thể thực hiện vì còn phụ thuộc vào việc đàm phán và ký kết hiệp định thú y của chính phủ. Thật ra, xuất khẩu thịt heo cũng còn là một “bài toán khó” vì sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật do đối tác đặt ra như quy trình giết mổ, điều kiện nhà máy giết mổ, chất lượng thịt…

Trong khi đó, giá thành sản xuất của Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới nên khó có khả năng cạnh tranh. Giá thành cao là vì năng suất chăn nuôi của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia đã áp dụng kỹ thuật chăn nuôi đồng bộ, tiên tiến. Chi phí cho thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60-65% giá thành, trong khi phần lớn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi lại phải nhập khẩu. 

Bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu, các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng nhập nhèm “tạm nhập, tái xuất” gây ảnh hưởng đến thị trường thịt heo trong nước. Hiện mỗi năm có khoảng 3 triệu công hàng đông lạnh vào thị trường nội địa theo cơ chế tạm nhập - tái xuất. Hình thức này đã tạo ra nhiều lỗ hổng khó kiểm soát.

Thời gian qua, với giá bán heo, gà nhập khẩu “rẻ như cho”, nhiều người không khỏi nghi vấn: liệu có tình trạng hàng tồn thải, hết hạn từ các quốc gia khác không tiêu thụ được, đã được các DN tạm nhập nhưng không tái xuất mà tuồn ra thị trường, góp phần “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước?

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI