Khác với suy nghĩ của nhiều người, thủ thuật bơm, tiêm môi không chỉ đơn giản như việc nhuộm tóc. Đó là một quy trình với nhiều rủi ro, đòi hỏi thực hiện với kỹ thuật chính xác.
Nhằm có một bờ môi gợi cảm căng mọng như mong muốn, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng về thông tin trước khi tiến hành. Dưới đây là các chia sẻ của Tiến sĩ - bác sĩ thẩm mỹ Shereene Idriss đến từ New York về những điều cần biết liên quan đến thủ thuật bơm - tiêm môi.
1. Nên chọn loại filler nào?
Filler (chất làm đầy) là nguyên liệu không thể thiếu trong thủ thuật này. Hiện trên thị trường có các loại chất làm đầy tạm thời và vĩnh viễn, tuy nhiên một khi đã sử dụng filler vĩnh viễn và bán vĩnh viễn thì việc chỉnh sửa rất khó để thực hiện, ngay cả trong trường hợp kết quả không như mong muốn.
Phương án an toàn hơn là chất làm đầy tạm thời axit hyaluronic (HA). Đây chính là thành phần trong serum, là một dẫn xuất đường tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể và có khả năng ngậm nước gấp 1.000 lần trọng lượng phân tử của nó. HA có chức năng dưỡng ẩm cực kỳ tốt, lại là một loại chất làm đầy hiệu quả. Nó cũng được ưa chuộng do mang lại vẻ ngoài tự nhiên và khả năng tự hòa tan theo thời gian hoặc theo một số tác động tùy mong muốn.
2. Bơm môi rồi có thể lấy chất làm đầy ra ngoài được không?
Điểm tích cực của chất làm đầy tạm thời là nếu như không thích dáng môi đã tạo thì chúng ta có thể nhờ bác sĩ tiêm một loại enzyme hòa tan có tên là hyaluronidase để phá vỡ các hạt HA và tăng tốc độ làm tan chất làm đầy.
Theo Tiến sĩ Idriss, quá trình này chỉ kéo dài trong vài giây, kết quả có thể sẽ được trông thấy tức thì, nhưng sẽ mất vài ngày để chất làm đầy cùng vết sưng tan hoàn toàn. Đáng chú ý là việc tiêm tan môi như vậy cũng khá đau đớn.
3. Gương mặt sẽ như thế nào sau khi tiêm môi?
Giống như người nghệ sĩ cùng các loại màu, mỗi bác sĩ lại có một công thức chất làm đầy và một dạng kỹ thuật mà họ yêu thích sử dụng. Tiến sĩ Idriss giải thích, chất làm đầy HA có thể được liên tưởng như một cây cọ vẽ mà từ đó một số bác sĩ có thể tạo ra các “kiệt tác”. Kỹ thuật của họ sẽ tạo ra độ nâng, độ dày và thành phẩm sau cùng cho môi.
Tiến sĩ Idriss thường sử dụng chất làm đầy Restylane ở những bệnh nhân lớn tuổi để định hình lại và xác định lại đường viền, kết cấu của môi vốn đã lão hóa dần theo thời gian. Ở những bệnh nhân trẻ với đôi môi mỏng hơn, bà sử dụng chất làm đầy Juvéderm Volbella, tạo độ dày cho môi. Khi chọn bác sĩ, con mắt thẩm mỹ của họ là yếu tố quan trọng.
4. Làm thế nào để tìm đúng bác sĩ?
Để tránh bị hỏng môi, chúng ta chỉ nên gặp một chuyên gia đã được đào tạo bài bản, có bằng cấp trong ngành thẩm mỹ, nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao. Đồng thời, yêu cầu xem hình ảnh về các bệnh nhân trước đó của họ.
5. Chất làm đầy có gây rủi ro nào không?
Mặc dù tiêm chất làm đầy thường được coi là khá an toàn, chúng ta vẫn cần xem đây là một thủ thuật có khả năng xâm lấn, ẩn chứa rủi ro nghiêm trọng, chẳng hạn như tắc mạch máu (hiếm gặp, nhưng có thể dẫn đến hoại tử mô) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
6. Tiêm môi có đắt không?
Tại Việt Nam, giá thành cho một ca bơm, tiêm môi có thể giao động từ vài triệu đồng ở các cơ sở bình dân đến vài chục triệu đồng ở những viện thẩm mỹ lớn. Mức giá này phụ thuộc vào loại chất làm đầy, lượng chất làm đầy được sử dụng và trình độ của bác sĩ. Đừng dại dột trao gửi đôi môi vào những cơ sở không có uy tín, bởi họ có thể dùng loại filler kém chất lượng, nguồn gốc trôi nổi và không đủ tay nghề thực hiện, gây nguy cơ hỏng môi, thậm chí dẫn đến hoại tử.
7. Môi tôi sẽ dày thế nào sau khi bơm?
Chỉ sau 1 lần bơm, môi sẽ không thể có kích cỡ quá lớn. Độ dày của môi sẽ dần dần lớn hơn sau nhiều lần bơm. Cạnh đó, đôi môi cũng cần thời gian để định vị được hình dạng cũng như độ dày mới. Trong quá trình này, bác sĩ có vai trò cực kỳ quan trọng để tư vấn cho khách hàng trong việc tiêm bao nhiêu chất làm đầy là vừa đủ, và tạo hình môi như thế nào là phù hợp.
8. Filler tồn tại trong bao lâu?
Thời gian tồn tại trung bình của filler là khoảng 6 tháng, ngắn hơn hoặc lâu hơn tùy vào cơ địa của mỗi người.
9. Chuẩn bị cho thủ thuật bơm môi như thế nào?
Cần tránh tình trạng loãng máu, dễ khiến vùng tiêm bị bầm tím và chảy máu. Do đó, 10 ngày trước khi thực hiện thủ thuật, nên ngưng dùng thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen, dầu cá, vitamin E và không uống rượu. Những người có tiền sử bị bệnh lở môi nên dùng thuốc ngừa 2 ngày trước khi thực hiện bơm môi.
10. Tiêm môi có cần gây tê không?
Bác sĩ có thể làm tê khu vực xung quanh môi bằng thuốc tê dùng trong nha khoa (tiêm vào nướu), hoặc gây tê tại chỗ với kem gây tê. Khi chọn tiêm thuốc tê nha khoa, cách đôi môi di chuyển và hình dạng môi có thể sẽ bị thay đổi trong một vài giờ.
11. Tiêm môi có đau không?
Khi gây tê, chúng ta sẽ cảm thấy một chút châm chích và áp lực nhẹ. Một khi chất làm đầy được tiêm, đôi môi sẽ cảm thấy đau nhói, nhưng sẽ không quá đau đớn nếu đã được gây tê. Sau đó, bác sĩ sẽ mát xa đôi môi, chườm đá trong 10 phút, và khách hàng có thể ra về ngay.
12. Có thể chỉ tiêm môi trên hoặc môi dưới không?
Điều này hoàn toàn có thể. Khách hàng cùng bác sĩ sẽ thảo luận và đưa ra quyết định về vị trí tiêm môi dựa trên sở thích cũng như đặc điểm khuôn mặt của khách hàng.
13. Kết quả có thể hiện nhanh chóng?
Lúc đầu, đôi môi sẽ hơi sưng, nhưng tác dụng của chất làm đầy sẽ xuất hiện khá nhanh. Chúng ta có thể dùng thuốc kháng histamine hoặc một liều steroid nhỏ để giúp giảm sưng trong 24 giờ đầu. Hầu hết các vết sưng giảm dần trong một ngày, và sau ba đến năm ngày, đôi môi sẽ ổn định hoàn toàn.
14. Sau khi bơm, môi có bị bầm tím hoặc chảy máu không?
Hiện tượng này có thể xảy ra. Bác sĩ Idriss khuyến cáo khách hàng nên bắt đầu sử dụng Arnica, một loại thuốc giảm đau tự nhiên, có thể uống hoặc bôi tại chỗ một vài ngày trước và sau thủ thuật để giảm vết bầm tím và viêm.
Bác sĩ cũng lưu ý rằng bệnh nhân có cục máu đông hoặc uống thuốc làm loãng máu không nên sử dụng dạng uống. Các vết bầm sẽ mờ dần sau năm đến bảy ngày, nhưng bác sĩ cũng có thể sử dụng tia laser để làm cho chúng biến mất nhanh hơn nếu cần thiết.
15. Tiêm môi có cần nghỉ dưỡng không?
Thực tế là không. Tổng thời gian cho thủ thuật kéo dài từ 15 đến 20 phút và tình trạng tê sẽ bắt đầu giảm đi sau khoảng 30 phút. Sau đó, bạn có thể đi về làm việc và sinh hoạt bình thường, nhưng không nên thực hiện bất kỳ kế hoạch lớn nào (như tham dự đám cưới hoặc một sự kiện quan trọng) trong ít nhất ba ngày trong trường hợp bị bầm tím.
16. Tập thể dục sau khi bơm môi có được không?
Hãy dừng việc tập thể dục trong ít nhất là 24h sau thủ thuật. Đặc biệt, chúng ta nên tránh các hoạt động làm tăng lưu lượng máu đến khuôn mặt, như mát-xa mặt hoặc làm động tác “trồng cây chuối”, bởi điều đó có thể gây sưng.
17. Môi có bị mất cảm giác sau khi tiêm?
Nếu thủ thuật được thực hiện chính xác, thì sau khi thuốc tê hết tác dụng, môi sẽ có cảm giác bình thường trở lại, không khác gì với môi tự nhiên cả.
18. Tôi sẽ có những cục u hoặc vết sưng trên môi?
Khả năng này có thể xảy ra. Nếu đôi môi của bạn rất mỏng, bạn gặp nguy cơ xuất hiện cục u hoặc vết sưng cao hơn. Nếu dấu vết tiêm xuất hiện trên bề mặt môi, đó có thể là do kỹ thuật thực hiện kém.
19. Chất làm đầy môi liệu có bị di chuyển sang vị trí khác?
Tùy thuộc vào tính chất của chất làm đầy, một số chất có xu hướng khuếch tán (còn gọi là di chuyển) nhiều hơn những chất khác sau khi chúng được tiêm. Khi chúng được bơm quá nhiều, chúng có thể khuếch tán vào vùng da phía trên môi và tạo ra bờ môi trên dày thái quá, mất thẩm mỹ. Hãy chắc chắn rằng chúng ta chọn được một bác sĩ có uy tín và lắng nghe lời khuyên của họ.
20. Chất làm đầy môi có tồn tại vĩnh viễn không?
Nếu sử dụng filler tạm thời, đôi môi của bạn sẽ trở lại bình thường. Thậm chí, theo Tiến sĩ Idriss, việc tiêm môi gián tiếp kích thích cơ thể sản xuất collagen tự nhiên do chấn thương từ mũi kim, vì vậy bờ môi có thể vẫn lớn hơn một chút so với trước kia.
Lan Phương