20/10, đau đầu chuyện quà mẹ anh, quà mẹ em

16/10/2019 - 11:30

PNO - Khi kể ra chuyện quà cáp cho mẹ ruột, mẹ chồng ở nhà tôi, bạn bè ngạc nhiên, có người phản đối, cho rằng đó là cách dễ mất tình cảm, không giống vợ chồng. Nhưng tôi còn biết làm gì khác?

Sắp tới ngày 20/10, mấy chị em trong cơ quan lại chộn rộn chuyện mua quà gì tặng mẹ chồng. Lướt Facebook, tôi cũng thấy không ít người đăng lên trang cá nhân để tham khảo ý kiến. Những năm trước tôi cũng thế, nhưng từ mấy năm nay, tôi không bận tâm đến chuyện này nữa.

Do tôi biết chắc chồng đã chuẩn bị một món quà ưng ý cho mẹ mà không cần hỏi ý kiến tôi. Đối với mẹ ruột thì đơn giản hơn, cứ hỏi thẳng mẹ thích gì để con mua hoặc biếu mẹ ít tiền là được, chẳng lo bị bắt bẻ này nọ.

20/10, dau dau chuyen qua me anh, qua me em
Ngày lễ, tôi không phải đau đầu chọn quà tặng mẹ chồng. Ảnh minh hoạ

Trước khi lấy chồng, tôi luôn nghĩ mình sẽ là cô con dâu biết điều, đối xử với mẹ chồng như mẹ ruột. Nhưng chỉ được một thời gian, tôi hiểu ra điều này là không thể, vì đối với gia đình chồng, tôi mãi mãi là người ngoài.

Nhà chồng tôi có truyền thống kì lạ, bàn bạc chuyện gì cũng chỉ gọi con ruột về chứ không thấy bóng dáng con rể, con dâu. Mọi việc trong nhà chồng, tôi luôn là người biết sau cùng khi được chồng thông báo.

Lúc mới làm dâu, tôi rất để ý đến cách cư xử đối với người trong gia đình, nhất là ba mẹ chồng. Chúng tôi ở riêng trên thành phố, thỉnh thoảng cuối tuần về chơi, bao giờ tôi cũng chuẩn bị quà cáp đầy đủ, biếu ba mẹ chồng tiền tiêu.

Nhưng về sau, tôi mới vô tình phát hiện ra mình làm vậy là thừa, bởi chồng tôi vẫn đều đặn cho tiền và sắm sang cho ông bà, bất chấp tôi đã mua sắm. Đến ngày lễ, dù tôi đã mua quà cho hai mẹ như nhau, nhưng chồng vẫn tặng thêm cho bà nội thứ này thứ kia. Tất nhiên những việc này anh làm lén sau lưng tôi và gia đình chồng cũng rất kín kẽ, tôi chỉ vô tình mà phát hiện ra.

Tôi không ích kỷ, nhưng tôi cho rằng hai vợ chồng thì cần thống nhất chứ không thể mỗi người mỗi đường. Như về nhà ngoại, nếu chồng tôi đã mua quà thì tuyệt nhiên tôi không mua sắm thêm bất cứ thứ gì.

Hơn một lần, tôi góp ý với anh về chuyện quà cáp cho bên nội, nhưng anh chỉ im lặng. Về sau, dù không nói ra, nhưng giữa vợ chồng tôi có thoả thuận ngầm “cha mẹ ai, người nấy lo”. Nghĩa là việc quan tâm ba mẹ hai bên là trách nhiệm riêng của mỗi người: nhà ngoại tôi lo, nhà nội anh lo. Tôi chẳng phải lăn tăn chuyện cân đo nặng nhẹ nhất bên trọng nhất bên khinh, tôi lo cho ba mẹ tôi trong khả năng của mình.

20/10, dau dau chuyen qua me anh, qua me em
Vợ chồng tôi chọn cách "cha mẹ ai, người nấy lo" do không tìm được sự thống nhất. Ảnh minh hoạ

Không chỉ riêng việc quan tâm ba mẹ hai bên, mà chuyện ngoại giao nhà nội nhà ngoại, vợ chồng tôi cũng thống nhất ngầm như thế. Nếu nhà ngoại có đám cưới, đám tang hay đau ốm thì tôi sẽ là người bỏ ra chi phí đi thăm và ngược lại. Chồng tôi cũng chủ động việc cư xử với bên nội trong việc thăm ai, biếu cái gì, đóng góp như thế nào.

Chuyện tài chính gia đình, hàng tháng tôi và chồng phân chia cụ thể: anh lo phần trả nợ ngân hàng còn tôi lo chi phí sinh hoạt. Thỉnh thoảng chúng tôi góp chung nếu có khoản dư để gửi tiết kiệm. Phần còn lại, ai kiếm được thêm đồng nào thì tự lo chi phí cá nhân, kể cả việc quan tâm gia đình hai bên.

Khi kể ra chuyện nhà mình, bạn bè tôi ngạc nhiên, phản đối, cho rằng vợ chồng tôi chọn cách như thế dễ mất tình cảm, vợ chồng phải đồng lòng, ai lại "mạnh ai nấy sống". Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác, thậm chí tôi thấy mình làm đúng, vì tâm trí thoải mái.

Thà rõ ràng, rạch ròi còn hơn lúc nào cũng lo canh chừng sợ vợ, chồng mình dấm dúi tiền cho nhà nội rồi nảy sinh mâu thuẫn. Suy cho cùng, con cái phải có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ, còn chọn cách như thế nào thì tuỳ mỗi người miễn sao đừng ảnh hưởng đến gia đình nhỏ là ổn.

                                                                                                                   Bích Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI