20.000 hộ dân sẽ được hỗ trợ làm nông nghiệp xanh

15/03/2021 - 14:56

PNO - Dự án khu vực các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm sẽ được thực hiện từ năm 2021 - 2024 tại Hà Nội và 6 tỉnh, thành của Đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng đến việc làm cho phụ nữ và thanh niên.

Ngày 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác đến các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai xúc tiến thực hiện dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm (GIC).

Dự án trên do Chính phủ Đức tài trợ với tổng kinh phí dự kiến 6.790.000 EUR (hơn 183 tỷ đồng), cùng nguồn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.

Dự án hỗ trợ ứng dụng các giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng nông sản một cách bền vững, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Dự án hỗ trợ ứng dụng các giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng nông sản một cách bền vững, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Dự kiến triển khai từ năm 2021 đến 2024, mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy việc giới thiệu và nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, góp phần phát triển nông thôn bền vững tại Hà Nội và 6 tỉnh, thành của Đồng bằng sông Cửu Long (gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp).

Dự án GIC được triển khai trên 2 đối tượng cây trồng chính là cây lúa và cây ăn trái (trong đó, các địa phương sẽ chọn loại cây ăn trái cụ thể để thực hiện dự án). Sẽ có 20.000 nông hộ được hỗ trợ ứng dụng các giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng nông sản một cách bền vững, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ áp dụng các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị gạo tăng 15% và trong chuỗi giá trị cây ăn trái tăng 20%.

Dự án tập trung vào việc nâng cao năng suất, chuỗi giá trị cho cây lúa và cây ăn trái tại các địa phương ở miền Tây Nam bộ
Dự án tập trung vào việc nâng cao năng suất, chuỗi giá trị cho cây lúa và cây ăn trái tại các địa phương ở miền Tây Nam bộ

Bên cạnh đó, nông hộ tham gia dự án được áp dụng các giải pháp sáng tạo thông minh nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; doanh nghiệp - hợp tác xã nông nghiệp cải thiện về doanh thu, chi phí sản xuất và đầu tư; tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và các dịch vụ nông nghiệp sẵn có; tạo việc làm mới trong các chuỗi giá trị lúa gạo và trái cây, trong đó chú trọng đến phụ nữ và thanh niên…

Được biết, dự án GIC được triển khai tại 16 quốc gia, bên cạnh 14 quốc gia ở châu Phi, tại châu Á có Việt Nam và Ấn Độ.

Đông Phong

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI