Hai ca là điển hình từ sự chủ động của thai phụ đã chuyển viện khi bé còn trong bụng mẹ.
Ca cứu sống bé sơ sinh đầy kịch tính
Còn vài tiếng nữa đến giờ phẫu thuật cho thai phụ H.L.N.X. (24 tuổi, ở H.Bình Chánh), nhưng các bác sĩ (BS) liên chuyên khoa của Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM vẫn chưa ngã ngũ việc chọn phòng mổ lấy thai cho chị X. và can thiệp, xử lý bệnh tim bẩm sinh cho đứa bé sắp chào đời.
Thường lệ, ca mổ lấy thai sẽ được thực hiện ở lầu hai, còn can thiệp tim ở lầu sáu và chỉ mất hai phút để di chuyển từ phòng này đến phòng kia bằng thang máy. Thế nhưng, tranh luận nổ ra khi tiến sĩ - bác sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản của BV, kiên quyết đưa thai phụ lên mổ tại lầu sáu - ngay sát phòng can thiệp tim. Vì thai nhi được dự đoán cần phải cấp cứu và trải qua cuộc đại phẫu khi còn sơ sinh.
|
Ca phẫu thuật cứu bé bị hoán vị đại động mạch tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM |
Trước đó, chị X. khám thai tại phòng mạch tư và tính sanh ở BV gần nhà. Nhưng lúc thai 22 tuần tuổi, BS phát hiện thai nhi có vấn đề tim mạch nên khuyên chị vào BV Đại học Y Dược TP.HCM để theo dõi. Vào đây, BS chẩn đoán thai nhi mắc bệnh hoán vị đại động mạch khiến quá trình trộn lẫn ô-xy vào máu tại phổi không được diễn ra. Do đó, cơ thể bị thiếu ô-xy.
Khi thai được 34 tuần tuổi, kết quả siêu âm cho thấy có nhiều khả năng phải can thiệp sớm. Do vậy, nhóm hội chẩn sản nhi quyết định mổ lấy thai chủ động khi thai được 38 tuần 5 ngày. Đúng 8g5 ngày 21/11/2019, chị X. vào phòng mổ. Ê-kíp nhân sự cho hai cuộc mổ này gần 50 người. Hơn 10 phút sau, bé gái nặng 3,45kg chào đời.
Tiếng khóc của bé vang to khiến các BS đều vui mừng và hy vọng “tình trạng tim không quá nặng”. Nhưng ngay sau đó, chỉ số ô-xy của bé liên tục sụt giảm và rơi vào tình trạng nguy hiểm. Ê-kíp sản lùi về sau, nhường chỗ cho ê-kíp hồi sức sơ sinh vào ổn định hô hấp cho bé. Ngay khi cắt rốn, bé đã được chuyển sang Phòng Can thiệp nội mạch để can thiệp tim.
Như dự tính ban đầu, bé được can thiệp để phá vách ngăn liên nhĩ, giúp máu đen, đỏ trộn vào nhau để một phần máu đỏ đi nuôi cơ thể, một phần máu đen được đưa lên phổi trao đổi khí nhằm duy trì sự sống. Chờ vài ngày sau, khi các cơ quan của bé phát triển hơn sẽ phẫu thuật chữa hoán vị đại động mạch.
Ngày thứ tư, trái tim bé nhỏ yếu đi, hơi thở nặng hơn. BS kiểm tra thấy vách thông trộn máu đã hẹp lại, nên máu đỏ đi nuôi cơ thể ít đi. Những phương pháp điều trị nội khoa tích cực được thực hiện và bé đã ra khỏi vòng nguy hiểm. Đến ngày thứ tám, khi sức khỏe của bé đã ổn định, các BS đã tiến hành ca đại phẫu thuật chuyển gốc động mạch. Thạc sĩ - bác sĩ Cao Đằng Khang, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch của BV, cho biết: “Bệnh lý này chúng tôi đã thực hiện nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên trên bé sơ sinh nhỏ ngày tuổi đến thế. Dù vậy, ca phẫu thuật đã kết thúc tốt đẹp, cho bé sự sống khỏe mạnh như bao người khác”.
Tái sinh đứa con khỏe mạnh cho vợ chồng hiếm muộn
Ngày 25/12/2019, vợ chồng chị Dương Thị Diễm Linh, ở Q.Tân Phú, TP.HCM, đã đưa con trai bốn tháng tuổi đến BV Quốc tế Hạnh Phúc tái khám. Nhìn cậu bé bụ bẫm này không ai nghĩ bốn tháng trước cậu chào đời ở tuần thai 26 với cân nặng chỉ 800g.
Trước đó, khi đang mang thai 25 tuần, chị Linh bị rỉ ối nên được BS của một BV theo dõi thai cho chị, chỉ định đình chỉ thai kỳ. Vì hiếm muộn, khó khăn lắm mới thụ tinh trong ống nghiệm thành công nên không suy nghĩ gì, vợ chồng lập tức xin xuất viện và gọi điện khắp nơi để tìm vận may giữ bé.
Ngày 7/8/2019, chị Linh nhập BV Hạnh Phúc. Bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng khoa Sản của BV, phân tích: “Chị Linh bị rỉ ối, chỉ số bạch cầu tăng cao nhưng không sốt, vì vậy có thể kéo dài thêm tuổi thai được ngày nào thì tốt cho bé ngày ấy. Hiện tại, thai 25 tuần tuổi thì khả năng sống của bé khi ra ngoài khoảng 30% và giai đoạn thai 24-26 tuần, mỗi ngày giữ được thai nhi trong bụng mẹ có thể tăng thêm 3% cơ hội sống”.
Sau 5 ngày theo dõi, chị Linh bắt đầu sốt, BS biết không thể dưỡng thai thêm nên quyết định cho chị Linh sinh thường. Một bé trai chỉ 800g chào đời. Bé tím tái và không thở được. Ngay lập tức, các BS áp dụng phác đồ “giờ vàng”, hồi sức tích cực cho bé. Khi hô hấp ổn định, bé được đưa về Khoa Hồi sức sơ sinh chỉ nằm cách phòng sinh một cánh cửa. BS và điều dưỡng chuẩn bị sẵn dụng cụ đặt catheter vào tĩnh mạch rốn, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để cung cấp dung dịch đường giúp bé không bị hạ đường huyết. Bé được bơm surfactant vào nội khí quản ổn định hô hấp... Niềm vui trọn vẹn, bé xuất viện ngày 2/11/2019 và không có các dị tật thường gặp ở trẻ sinh non. Khi trở lại tái khám, bé nặng 4,8kg.
Tiến sĩ - bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Nhi Sơ sinh và Hồi sức sơ sinh của BV, cho biết thêm ngày 24/12/2019, BV nhận được cuộc gọi từ Phú Quốc về trường hợp tương tự: bé sinh non 26 tuần, muốn chuyển vào BV Hạnh Phúc chăm sóc. Tuy nhiên, BS Phượng cho biết đành “bó tay” vì bé sinh non không thể đi được máy bay, mà đi bằng tàu, xe thì đã muộn. “Nếu ca này mà chuyển viện đến các BV sản lớn, có hồi sức sơ sinh tốt từ khi bé còn trong bụng mẹ thì có cơ hội cứu sống. Bởi thời gian di chuyển là thử thách khắc nghiệt đối với trẻ sinh non. Ngay cả có thể giữ được tính mạng bé nhưng sẽ chịu di chứng nặng nề”, BS Phượng nói.
Nhắc lại ca kịch tính kể trên, giọng của các BS vẫn còn vẻ gấp gáp của phép tính y khoa quá đỗi ngặt nghèo. Với bé bị hoán vị đại động mạch, BS Cao Đằng Khang chia sẻ: “Nhờ được can thiệp ngay sau khi lọt lòng mẹ, nên bé đã qua cơn nguy kịch. Chứ nếu phải chuyển từ BV này sang BV khác thì có thể chuyện xấu đã xảy ra, hoặc giữ được mạng sống cho bé, nhưng di chứng thần kinh là điều khó tránh”. BS Trần Nhật Thăng cũng cho rằng: “Với ca này, nếu không được chẩn đoán trước thì rất có khả năng sau sinh trẻ tử vong và được liệt vào tai biến sản khoa”. Khi đó, có thể thầy thuốc sẽ bị người nhà “trút tội” bởi trước đó nhịp tim, tim thai của thai nhi vẫn bình thường.
Chuyển viện trong tử cung là giải pháp giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trẻ sinh rất non, hoặc trẻ có bệnh lý bẩm sinh như tim mạch... Thai phụ cần lưu ý vấn đề này để không rơi vào tình cảnh con hiểm, mẹ nguy.
Thùy Dương