Năm 1965, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất kỷ lục 5 tấn lúa/ha và những phụ nữ góp công lớn vào kỳ tích đó được gọi với cái tên đầy tự hào “chị Hai 5 tấn”. Ngày nay, Thái Bình tiếp tục có những phụ nữ tiên phong đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị cho những cánh đồng lúa lớn. 2 thế hệ phụ nữ trên mảnh đất Thái Bình đã góp phần làm nên “thương hiệu quê lúa” theo cách của riêng mình. |
Năm 1965, Hợp tác xã Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là đơn vị đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha và tiếp đó là 7 tấn/ha, được Bác Hồ 2 lần gửi thư khen. Ngày 1/1/1967, Bác Hồ trực tiếp đến thăm nhân dân Thái Bình, trong 9 nữ xã viên tiêu biểu vinh dự được gặp Bác ngày ấy, có chị Phạm Thị Mùi.
Đội trưởng đội khoa học kỹ thuật tuổi đôi mươi
Năm nay, bà Phạm Thị Mùi, 80 tuổi, đi lại có phần chậm chạp nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, linh loạt. Gần 60 năm trước, ở độ tuổi đôi mươi, bà là Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật của Hợp tác xã (HTX) Tân Phong phụ trách về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.
|
Bà Phạm Thị Mùi giới thiệu vị trí đứng của mình trong bức ảnh các xã viên Hợp tác xã Tân Phong chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ nhân dịp Người đến thăm Thái Bình ngày 1/1/1967 |
Bà kể, do đã được thông báo trước, sáng 1/1/1967, chị em xã viên HTX Tân Phong ăn mặc chỉnh tề để đón Bác Hồ đến thăm. Mọi người diện những bộ quần áo đẹp nhất mà mình có như quần xa tanh, áo nõn trắng, đội nón lá, đi dép nhựa Tiền Phong.
“Chị em xã viên hồi hộp cả đêm không ngủ. Sáng hôm đó, trời vẫn còn tối và rét, 9 nữ xã viên tiêu biểu chúng tôi chạy bộ qua mấy cánh đồng để đến nơi gặp Bác” - bà Mùi nhớ lại.
Khi đó, HTX Tân Phong đã chuẩn bị sẵn một số lọ thủy tinh đựng các giống lúa mới, có năng suất cao do đội khoa học kỹ thuật sản xuất ra - như di hương, nếp quýt - để dâng lên báo công với Bác. Biết Bác luôn nghĩ về miền Nam ruột thịt, lãnh đạo UBND xã Hiệp Hòa tìm trong dân được chùm dừa để biếu Bác. HTX Tân Phong sản xuất ra nhiều thóc lúa, muốn biếu Bác thật nhiều lúa gạo mang về nhưng sợ Bác mắng nên chỉ dám cử người mang ra xe 1 yến gạo biếu Bác.
Sự kiện Bác đến thăm đã tiếp thêm động lực tinh thần cho toàn bộ xã viên HTX. Các HTX khác cũng lần lượt tới học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăm bón lúa của HTX Tân Phong. Bà Mùi và đội khoa học kỹ thuật được lãnh đạo HTX giao cho một mảnh ruộng tốt nhất, rộng cỡ 3ha, để quyết tâm đưa năng suất lên 7 tấn lúa/ha, rồi 10 tấn/ha. Khu ruộng đó được đặt tên là “Cánh đồng 10” và tên gọi đó được giữ đến tận ngày nay.
|
Bà Phạm Thị Mùi bên bức ảnh lưu niệm chụp các xã viên Hợp tác xã Tân Phong với Bác Hồ nhân dịp Bác đến thăm hợp tác xã ngày 1/1/1967 |
Từ năm 1959, khi mới 16 tuổi, bà Mùi đã vào HTX Tân Phong - một HTX nhỏ. Khi đó, phong trào xây dựng HTX rầm rộ khắp miền Bắc, để vừa chi viện lương thực cho miền Nam đánh Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1961, bà Mùi được cử làm đội trưởng đội khoa học kỹ thuật, phụ trách 22 thành viên gồm 5 nam, 17 nữ. Không lâu sau, 2 xã viên nam lên đường ra mặt trận, đội còn lại 20 người.
Bà Mùi lấy ra ảnh chụp xã viên HTX Tân Phong cùng Bác Hồ ngày 1/1/1967 tại đình Phương Cáp. Trong ảnh, cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn đứng rất gần Bác có gương mặt rạng rỡ nhưng vẫn không giấu vẻ bẽn lẽn của cô gái quê thuần nông chính là bà. Ngày Bác đến thăm HTX Tân Phong, bà Mùi mới 24 tuổi.
Trong hội trường của HTX Tân Phong hiện nay, 2 bức thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho xã viên trong năm 1966 được phóng to trên 2 bức phù điêu, gồm 1 bức thư gửi ngày 2/3/1966 và 1 bức gửi ngày 20/12/1966 khi HTX đạt năng suất lúa lần lượt là 6,7 tấn/ha và 7,2 tấn/ha.
Đi cấy sáng trăng, bế em cho mẹ đi cày…
Tôi hỏi bà Mùi về bí quyết để có được năng suất lúa 5 tấn/ha trong giai đoạn mà khoa học kỹ thuật chưa phát triển, việc canh tác nông nghiệp chủ yếu bằng chân tay với các công cụ hết sức thô sơ, bà chậm rãi, tỉ mẩn giải thích đúng với phong cách của một người làm công tác kỹ thuật.
|
Bà Phạm Thị Mùi bên “Cánh đồng 10” - khu ruộng từng được Hợp tác xã Tân Phong giao cho đội khoa học kỹ thuật của hợp tác xã để phấn đấu đưa năng suất lên 10 tấn lúa/ha |
Bà nói, HTX cũng vận dụng kinh nghiệm dân gian của Việt Nam là “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước thì ruộng của HTX rất dồi dào do nằm sát sông, chỉ cần lấy sức người đào mương máng tưới tiêu, dẫn nước vào tận bờ. Cần là cần cù, là thứ mà xã viên có thừa bởi ai cũng toàn sức, toàn tâm cho đồng ruộng. Còn giống và phân thì phải đi học hỏi.
Bà kể: “Tôi cùng mấy xã viên trong đội đi bộ sang tận tỉnh Hưng Yên để học kỹ thuật cấy lúa ngửa tay được giáo sư Lương Định Của truyền cho. Trước đó, các cụ ở quê tôi còn quen cấy úp tay, vừa mất thời gian tách mạ, vừa hao mạ mà cây mạ bị cắm sâu, nghẹn rễ, phát triển chậm. Khi cấy ngửa tay, rễ cây lúa bám trên lớp đất mặt đã được chuẩn bị đủ dinh dưỡng nên phát triển nhanh, đẻ nhánh nhanh, cho năng suất cao hơn. Hồi ấy làm gì có xe đạp, nên tôi phải cơm đùm cơm nắm đi bộ học cấy rồi về phổ biến cho các xã viên toàn HTX”.
Đội khoa học kỹ thuật của bà Mùi đã nghiên cứu, sưu tầm được trên 10 giống lúa chủ lực của HTX như mộc tuyền, nếp quýt (nếp thơm), dâu rừng, di hương, Qn5… để gieo trồng. Với những khoảnh ruộng bị chua, độ pH cao, đội đi phá đá, nung vôi, đập mịn thành vôi bột để rắc khử chua. Chỗ nào đất xấu, chị em đi tát ao múc bùn, sau đó phơi bùn khô rồi gánh gồng, chở bằng xe cải tiến đem bồi lên để tăng chất cho đất. Đội có 2 con trâu vừa cày bừa, vừa kéo xe. Trâu cày xong, xã viên ra đắp luống, lật đất để phơi ải. Những chỗ cày lỏi, xã viên dùng cuốc, dùng vồ băm nhỏ, đập mịn.
Về phân, bà Mùi nhớ lại: “Ngày đó, phân đạm hóa học hiếm, chỉ có phân đạm, phân lân Lâm Thao, Văn Điển. Phân hữu cơ là chủ lực. Chị em đi cắt rau, cắt cỏ về ủ làm phân xanh hoặc rải cho bò, lợn giẫm đạp. Xã viên mang phân xanh, phân chuồng ra ruộng, đắp đất ủ cho hoai, lại phá lớp đất ủ, rắc rải, bừa nhuyễn. Trong các thứ làm phân xanh, cây bèo hoa dâu là lợi hại nhất”.
Những lúc thưa việc, đội khoa học kỹ thuật của bà Mùi chia nhau đi khắp nơi thu gom phân trâu, phân bò ngoài đường về phơi khô, rồi đập mịn, đảo với đất. Để có bèo hoa dâu, bà Mùi cùng các xã viên đi bộ sang các huyện Hải Hậu, Giao Thủy (tỉnh Nam Định) mót bèo về làm giống, nhân giống; đi và về mất 2 ngày, chỉ mót được vài ký. Cứ “nuôi” 3 ngày thì được 1 lứa bèo. Đội đã sản xuất đủ bèo hoa dâu làm phân bón cho toàn bộ diện tích lúa của HTX, lại còn dư để bán cho các xã bạn.
“Sao mà hồi đó nhiều việc đến thế. Chúng tôi làm hết việc này đến việc khác, làm hăng say đến quên cả ăn. Con cái đẻ ra, hết cữ 3 tháng là gửi cho nhà bố mẹ ruột rồi lại lăn ra đồng làm. Thế mà chẳng biết mệt, mọi việc cứ băng băng” - bà Mùi say sưa hồi tưởng.
Những lời hát “đi cấy sáng trăng”, “bế em cho mẹ đi cày”… trong những lời hát ru hay những bài đồng dao của trẻ em mấy chục năm về trước, có lẽ được ra đời trong thời điểm ấy, khi phong trào thi đua sản xuất được phát động sâu rộng toàn miền Bắc.
Sau thời làm HTX, bà Mùi làm công tác đoàn thể ở địa phương cho đến năm 2003 (tròn 60 tuổi) để vui vầy cùng con cháu. Bà dẫn tôi ra “Cánh đồng 10” - nơi từng đạt năng suất 5 tấn, rồi 7 tấn và phấn đấu đạt 10 tấn lúa/ha. Cánh đồng này nằm sát con đường chính dẫn vào UBND xã Việt Hùng vẫn đang được trồng lúa, vẫn thuộc HTX Tân Phong do anh Trần Quý Bình làm giám đốc.
Chi Mai
* Kỳ tới: Những phụ nữ trẻ làm lúa trên cánh đồng 100ha
Báo Phụ nữ TPHCM số ra thứ Hai, ngày 23/10/2023, trên trang 4, mục Xã hội, có bài "Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu” của tác giả Hoàng Lưu Ly (quận 11, TPHCM) viết về hoạt động thiện nguyện của người dân Sài Gòn. Tác giả đã tự ý trích dẫn một đoạn từ bài đăng trên trang Facebook cá nhân của chị Phạm Tuyền (là người thực hiện buổi tặng quà cho chị em phụ nữ đêm 20/10 tại các đường phố TPHCM) mà không thông báo cũng như chưa được sự đồng ý của chị Phạm Tuyền, dẫn đến việc diễn giải ý nghĩa việc làm của chị trong bài báo không chính xác. Báo Phụ nữ TPHCM chân thành xin lỗi chị Phạm Tuyền cùng bạn đọc của báo về sai sót nghiệp vụ này. Báo Phụ nữ TPHCM |