PNO - "Cháu nằm viện Việt Đức 2 tháng ròng rã. Có lẽ đó là chuỗi ngày kinh khủng nhất trong đời tôi. Cháu bị nát hết bàn chân trái, bác sĩ bảo nguy cơ phải cắt bỏ chân là rất cao, gia đình nên chuẩn bị tinh thần"
Chị Đạt (Bắc Giang), người từng chứng kiến con trai 6 tuổi của mình trải qua những phút sinh tử vì một tai nạn thương tâm, chia sẻ, chị không mong con cái sau này thành ông nọ bà kia mà chỉ mong con được khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Con trai đầu của chị Đạt bị tai nạn tưởng mất 1 bàn chân lúc 6 tuổi
“Tôi có hai đứa con, đều là trai cả. Đứa lớn cách đứa bé gần 7 năm, trộm vía cả hai cháu đều ngoan ngoãn, nuôi nấng chẳng mất ngủ đêm nào trừ những khi đau ốm. Bây giờ thằng anh đã chuẩn bị lên lớp 4 còn thằng em thì vào mẫu giáo 3, 4 tuổi. Hai anh em mỗi đứa một tính nhưng được cái quấn nhau cả ngày, nhiều khi ngủ, thằng nhỏ chỉ theo anh mà chẳng đoái hoài cần mẹ. Anh nói câu nào nghe lời răm rắp và luôn theo một phe mỗi khi cả nhà tranh luận.
Hai anh em quấn quýt nhau cả ngày
Nhớ lại những ngày ấy... Cách đây hơn hai năm, tai họa ập đến gia đình tôi. Thằng lớn nhà tôi bị xe container quệt vào (Cháu đi với bố và bị tai nạn, bố cháu không sao). Khi ấy, thằng út mới được 16 tháng, vẫn đang bú mẹ. Tôi nghe tin khi đang chơi với bé ở nhà mà như sét đánh ngang tai. Lúc ấy, trong đầu chỉ nghĩ con bị ngã sứt chân tay thôi, dặn lòng chắc chắn con chỉ bị nhẹ, không được khóc.
Cả nhà đi lên chỗ hai bố con cháu gặp tai nạn, không ai cho tôi đi cả, mọi người bảo cứ yên tâm ở nhà không phải lo. Tôi gọi điện thoại cho chồng và các anh chị thì máy bận liên tục, lúc ấy mới nghĩ chắc tình hình nghiêm trọng rồi nên mới giấu tôi thế. Con thì bé, đầu óc hoang mang, chân tay rã rời, nước mắt tôi cứ giàn giụa mà chẳng biết làm thế nào cả. Thằng bé thấy mẹ khóc cũng sợ khóc theo và còn đưa tay lên lau nước mắt cho mẹ. Hàng xóm cũng chạy sang, tôi đưa con cho chị hàng xóm và lên xe chị dâu đưa đến chỗ tai nạn. Đến nơi thì xe đưa con tôi vào bệnh viện rồi, tôi cứ đứng như trời chồng giữa đường. Cả đêm ấy, chồng và anh chị gọi về trấn an tôi rằng con không sao, ở nhà cứ yên tâm nhưng chưa nhìn thấy con thì tôi yên tâm sao được.
Ba giờ sáng, tôi cùng bố chồng và chị dâu lên xe ra Bệnh viện Việt Đức. Đến nơi thì con đã mổ xong và được chuyển vào phòng hồi sức, chẳng ai được vào, chỉ ngồi ở ngoài chờ đợi. Cái cảm giác chờ đợi hôm ấy có lẽ đến chết tôi cũng không thể nào quên được. Khi bác sĩ gọi người nhà vào và thông báo cháu đã tỉnh thì tôi chạy vào. Nhìn thấy con máu me đầy người, chân tay đầy đất cát, chân băng kín mít còn miệng thì kêu khóc bảo con đau lắm lòng tôi quặn thắt lại, tôi ôm lấy con khóc nấc lên, lúc ấy chỉ ước giá như mình được đau thay con. Nhưng thấy con vẫn gọi được mẹ là tôi hạnh phúc lắm rồi chứ không thì tôi khụy ngã mất.
Rồi mình tôi ở lại bệnh viên nuôi con vì chồng và các anh chị phải về đi làm. Cháu nằm ở Bệnh viện Việt Đức 2 tháng ròng rã. Có lẽ đó là chuỗi ngày kinh khủng nhất trong đời tôi. Cháu bị nát hết bàn chân trái, bác sĩ bảo nguy cơ phải cắt bỏ chân là rất cao, gia đình nên chuẩn bị tinh thần. Cũng may con tôi chỉ bị nát thịt còn xương thì không sao, cháu bị gãy hai ngón thì được đóng đinh nẹp lại.
Những ngày đầu, một ngày, 2- 3 lần bác sĩ gọi tôi vào nói chuyện về tình trạng của cháu, câu cuối cùng bao giờ cũng là: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhưng tỉ lệ đôi chân còn nguyên vẹn là rất thấp”. Mỗi lần tôi nghe đến đấy là một lần khóc nấc. Bác sĩ ở đây tốt lắm, quan tâm và không hề đòi hỏi gì. Tôi đưa phong bì họ cũng không nhận, bảo là cho cháu.
Chị Đạt chia sẻ, cháu lớn rất dũng cảm và ra dáng anh cả.
Con tôi hai ngày phải thay băng một lần, mỗi lần thay là cháu khóc ghê lắm vì đau, cháu hét mà cả khoa ai cũng tưởng có chuyện gì xảy ra. Bác sĩ lại gọi mẹ vào dỗ cho cháu nín mà tôi còn khóc to hơn. Nhìn bác sĩ thay băng, nhìn vết thương của con mà tôi rùng mình. Bàn chân cháu nát hết, biến dạng méo mó. Bác sĩ cho cái gạc vào kì cọ, thằng bé đau quá khóc thét còn tôi thì ngất lên ngất xuống. Hôm sau bác sĩ không cho vào nữa. Tôi ngồi bên ngoài hành lang mà nghe rõ tiếng con gọi mẹ, rồi khóc lặng mặc dù phòng cửa kính cách âm mấy lần liền.
Một ngày con tôi tiêm rồi truyền kháng sinh liều cao 3 lần. Rồi thay băng đau đớn mà chẳng ăn được gì. Ở nhà, từ bé cháu đã được gọi là Su mô thì lúc nằm viện cháu gầy chỉ còn da bọc xương. Tôi xót xa lắm, ở trong bệnh viện chợp mắt ngủ quên lúc nào thì thôi chứ mở mắt ra là sợ, sợ thay băng, sợ bác sĩ gọi, sợ bảo con phải cưa bỏ chân...nói chung cứ nghe gọi tên là tôi đã giật bắn mình rồi! Hai tháng nằm viện thì 1 tháng trog tình trạng hôm nay không biết ngày mai ra sao, hôm nay con vẫn đầy đủ hai chân còn ngày mai liệu có còn giữ được hay không? Tôi cứ thấp thỏm lo sợ và hi vọng...
Ai đó nói rằng dù trong hoàn nào, khó khăn đến mấy thì cũng không được mất niềm tin. Và tôi cũng vậy, tôi luôn tin rằng con sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nói vậy nhiều người cho rằng tôi đang tự an ủi thôi chứ tình trạng con tôi thì 10 người cả 10 đều bảo không còn hi vọng nữa. Nhưng niềm tin của người mẹ mách bảo tôi không được nản chí, phải đấu tranh và kiên cường lên.
Dù chân con không còn cả hai thì tôi sẽ là bàn chân thứ 2 để con bước tiếp trên cuộc đời này. Tôi tự nhủ không cho phép bản thân gục ngã vì nếu lúc này tôi không mạnh mẽ thì con biết dựa vào ai?
Nghĩ về 2 con là nguồn động viên lớn của chị Đạt
Chỉ cần con nói muốn ăn cơm rang hay cái xúc xích thì dù là mưa gió hay đêm hôm tôi cũng đi bộ ra mãi ngoài đường vì ở xa mới ngon. Và rồi trời không phụ lòng người, nói đúng hơn là có “phép màu”. Sau sáu lần phẫu thuật, con tôi giữ được đôi chân, chỉ là chắp vá chỗ nọ vào chỗ kia thôi. Toàn bộ da trên bàn chân được ghép bằng da đùi, gót chân thì được cắt từ bụng chân ghép vào. Tuy trông không giống bàn chân của người bình thường nhưng với tôi, đôi chân của con đẹp và quý lắm. Mỗi lần ai nhìn chân thằng bé mà chỉ trỏ rồi kêu sợ là tôi giận vô cùng. Với họ, đó chỉ là nỗi sợ chứ đâu biết để có bàn chân này là nỗ lực, sự dũng cảm của con tôi và các bác sĩ, điều này chắc chỉ có ai từng trải qua mới hiểu.
Sau 2 tháng thì con tôi về nhà, tôi hạnh phúc không gì tả hết.
Hai mẹ con trong lần ra Hà Nội khám lại
Chị Đạt tranh thủ đưa con đi công viên
Lại nói chuyện thằng út, từ ngày mẹ đi nuôi anh thì cháu cũng cai sữa luôn. Ai cũng khen cháu ngoan, không khóc đêm hôm nào. Mẹ về, cu cậu nhìn thấy mẹ mà không dám ra, ánh mắt cứ lấm lét. Tôi bảo ra với mẹ nào thì cháu mới ra và vạch áo mẹ lên sờ ti luôn.
Nụ cười của 2 con là niềm vui của cả nhà.
Bữa cơm nhà đầu tiên sau 2 tháng ăn cơm viện thật là ngon. Ăn xong tôi quay ra thì thấy thằng nhỏ đang sờ ti mèo (mèo nhà tôi đang nuôi con nên có nầm sữa). Ôi… Thì ra trẻ con cũng hiểu là mẹ không có nhà thì ta sờ ti mèo cũng được! Lúc ấy tự dưng tôi lại bật khóc vì thương con.
Hiện giờ con thứ hai của chị đã lớn
Anh cả cũng vào lớp 4
Con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn là niềm hạnh phúc của chị Đạt
Chị Đạt mong muốn con trai lớn lên khỏe mạnh, cứng cáp, không bao giờ nản bước trước khó khăn
Bây giờ, sau hai năm, hai đứa đã lớn nhiều rồi. Vết thương của thằng lớn đã đỡ đau hơn, con đi lại chạy nhảy bình thường như các bạn. Vậy nên các mẹ ạ, đừng bao giờ mất niềm tin nhé, dù nó mong manh đến đâu... Đối với con cái lại càng phải nhẫn nại và kiên cường.”
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.