"Cha đẻ" của bóng đá nữ Việt Nam
Ông Tư Ngữ tên thật là Trần Thanh Ngữ, sinh năm 1930 tại Rạch Giá, tốt nghiệp ngành dược ở Pháp. Trước năm 1975, ông là nhà kinh doanh, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Sau ngày 30/4/1975, ông được giao làm Trưởng phòng Thể dục thể thao (TDTT) quận 1, TPHCM.
Khi “làm” thể thao, ông được người trong ngành rất nể phục do luôn có những ý tưởng “độc lạ” và luôn thành công. Ông đã khởi xướng các môn bóng đá nữ (BĐN), đua xe đạp nữ, thể dục nhịp điệu (aerobic), bi da (billiards) ở Việt Nam. Giới thể thao thường gọi ông với tên thân mật là “chú Tư”.
Chú Tư từng có câu nói bất hủ: “Tin tôi đi, BĐN sẽ có mặt ở vòng chung kết World Cup trước cả bóng đá nam”. Thậm chí, khi bóng đá Việt Nam còn trầy trật tìm kiếm huy chương ở SEA Games, chú Tư vẫn tuyên bố: “Đời tôi chắc không đợi được Huy chương Vàng SEA Games của bóng đá nam, nhưng BĐN thì có”. Đúng như tiên đoán của ông, ở kỳ SEA Games 2001, đội tuyển BĐN Việt Nam đã đoạt Huy chương Vàng, trước khi chú Tư qua đời 5 năm sau đó.
|
Ông Tư Ngữ (bìa phải) và các tuyển thủ nữ Việt Nam đời đầu - Ảnh tư liệu |
Chú Tư có ý tưởng thành lập đội BĐN từ năm 1984 nhưng mãi đến năm 1990, ý tưởng đó mới thành hiện thực. Khi đó, chú Tư cùng các cô gái phải vượt qua định kiến xã hội, phải đối phó với lãnh đạo ngành thể thao để tồn tại. Các cô gái ra sân tập luyện chỉ với đôi chân trần và chú Tư phải bỏ tiền túi nuôi đội, dùng sân Tao Đàn do Phòng TDTT quận 1 quản lý làm “đại bản doanh”.
Là người am hiểu ngành thể thao, chú Tư biết rất rõ rằng, để BĐN tồn tại, phát triển, cần phải liên kết với Hà Nội. Vì vậy, ông đã đề nghị với ông Hoàng Vĩnh Giang - khi đó là Giám đốc Sở TDTT TP Hà Nội - cùng nhau phát triển BĐN, bắt đầu từ thủ đô Hà Nội và quận 1, TPHCM. Ông Giang đồng ý ngay.
Thế là, nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994), chú Tư tổ chức cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên”, xuất phát từ thủ đô Hà Nội, lên Điện Biên và có chặng đua quanh đồi A1 vào chiều 7/5. Cùng có mặt với đoàn đua, 2 đội BĐN Hà Nội và quận 1 đã thi đấu giao hữu ở một số địa phương mà đoàn đua đi qua như Sơn La, Mộc Châu, Điện Biên… nhằm quảng bá cho BĐN.
3 năm sau, ngay trong lần xuất ngoại đầu tiên, đội tuyển BĐN Việt Nam đã đoạt chức vô địch giải tiền SEA Games ở Malaysia và 3 tháng sau thì giành Huy chương Đồng SEA Games 1997 ở Indonesia. Ở kỳ SEA Games này, chú Tư tiếp tục bỏ tiền túi để hỗ trợ việc ăn uống cho các nữ cầu thủ và còn kiêm nhiệm vai trò chăm sóc y tế cho đội tuyển. Do đó, không có gì khó hiểu khi những tuyển thủ đời đầu của BĐN Việt Nam như thủ môn Kim Hồng, tiền vệ Mỹ Oanh, tiền đạo Ngọc Mai… luôn xem chú Tư là người cha thứ hai của mình.
Có một chi tiết vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá mà chú Tư đã làm được cho BĐN: một đội tuyển quốc gia được thành lập khi chưa có câu lạc bộ chính thức, cũng chưa có giải vô địch quốc gia mà đã đoạt được Huy chương Đồng SEA Games ngay lần đầu tiên tham dự. Từ cột mốc này, BĐN Việt Nam đã dần phát triển và gặt hái được những thành tựu đáng tự hào.
|
Buổi gặp ấn tượng với Bầu Hiển (bìa phải) vào tháng 7/2024 đã khiến Văn Thị Thanh đồng ý làm huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T |
"Gái có công, chồng không phụ"
Đó là câu nói của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn T&T - mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam thường gọi là bầu Hiển. Khi trả lời báo giới, Văn Thị Thanh - người phụ nữ đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở Việt Nam có bằng AFC Pro (chứng chỉ cao nhất của Liên đoàn Bóng đá châu Á cấp cho các huấn luyện viên (HLV) chuyên nghiệp đủ điều kiện dẫn dắt các đội tuyển quốc gia) - cho biết, chính câu nói đó đã thuyết phục cô nhận lời làm HLV trưởng Câu lạc bộ BĐN Thái Nguyên T&T.
Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với bầu Hiển (vào tháng 7/2024), cựu tuyển thủ quốc gia Văn Thị Thanh càng ấn tượng hơn khi bầu Hiển biết rất rõ cuộc sống vất vả của các nữ cựu tuyển thủ quốc gia, như chuyện thủ môn Kim Hồng - nay là HLV thủ môn cho đội tuyển BĐN quốc gia Việt Nam - từng bán bánh mì, còn một số cầu thủ khác phải làm thợ may, bán cà phê, bán nước mía, xôi chè, sửa xe máy… mới có tiền nuôi bản thân và theo đuổi được niềm đam mê đá bóng.
Chính bầu Hiển đã thay đổi tư duy làm BĐN của những quan chức, lãnh đạo các đội BĐN ở Việt Nam. Khi đội BĐN Thái Nguyên đứng trên bờ vực giải tán do không có đủ kinh phí hoạt động dù lương cầu thủ chỉ 1,3 triệu đồng/tháng và tiền ăn chỉ 100.000 đồng/ngày, Tập đoàn T&T liền nhận làm nhà tài trợ chính.
Ngay lập tức, thu nhập của các nữ cầu thủ, đã tăng lên 5-10 lần tùy tài năng, đồng thời có thêm nhiều chế độ đãi ngộ khác. Không ít cầu thủ trước đó nghỉ đá để làm công nhân, nay xin trở lại đội để được thi đấu. Không chỉ mời Văn Thị Thanh làm HLV trưởng, bầu Hiển còn mời cựu thủ môn đội tuyển quốc gia Đặng Thị Kiều Trinh - cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á năm 2012 - làm HLV thủ môn cho Câu lạc bộ BĐN Thái Nguyên T&T.
Bầu Hiển đã mở ra con đường mới cho BĐN Việt Nam, đó là tạo ra thị trường chuyển nhượng sôi động. 6 cầu thủ của Câu lạc bộ BĐN TPHCM và cũng là những tuyển thủ quốc gia Việt Nam lần lượt ký hợp đồng với Thái Nguyên T&T với mức lương tháng vài chục triệu đồng cùng phí lót tay trên dưới nửa tỉ đồng/người.
Khi bị “chảy máu” tài năng, những nhà lãnh đạo BĐN TPHCM mới thức tỉnh. Mức thu nhập cho mỗi cầu thủ hạng A khoác áo đội tuyển quốc gia là 17 triệu đồng/tháng đã được nâng lên gấp đôi. Sắp tới, câu lạc bộ sẽ tiên phong thành lập công ty cổ phần BĐN chuyên nghiệp như bên bóng đá nam.
Rõ ràng, sự xuất hiện cùng cách đầu tư quyết liệt cho BĐN của bầu Hiển đã có tác động toàn diện và tích cực đến sự phát triển của BĐN nước nhà. Bầu Hiển cho biết, ông mong muốn đời sống của các nữ cầu thủ được cải thiện tương xứng với công sức, sự đóng góp của họ. Có như thế mới thu hút được thêm nhiều cô gái đến với bóng đá, giúp BĐN Việt Nam có nền tảng để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Có thể nói, ông Trần Thanh Ngữ là người đã đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển của BĐN Việt Nam, còn ông Đỗ Quang Hiển là người tạo đột phá để BĐN Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt trên con đường chuyên nghiệp hóa.
Chuyện “bố Chung” đến với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Chuyến xuất ngoại đầu tiên dự giải tiền SEA Games vào tháng 7/1997 được xem là bước ngoặt quyết định đưa BĐN Việt Nam phát triển và HLV đầu tiên của đội tuyển quốc gia chính là ông Mai Đức Chung. Để tránh mối hoài nghi về sự thiên vị khi chọn tuyển thủ nếu để HLV của đội Hà Nội hay đội quận 1 làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia, 2 ông Trần Thanh Ngữ và Hoàng Vĩnh Giang đã chọn giải pháp dung hòa là thuyết phục Tổng cục TDTT đồng ý cho ông Mai Đức Chung - khi đó là người phụ trách bộ môn bóng đá nam của tổng cục - làm HLV trưởng. Ông Mai Đức Chung đã đến với BĐN như thế và sau này không chỉ trở thành HLV xuất sắc nhất của BĐN Việt Nam mà ông còn được các tuyển thủ nữ Việt Nam yêu thương gọi là bố. |
Đặng Hoàng