Bày đủ cổ thư đến sách tân kỳ
Trên Nhật báo Sài Gòn số 15.106, ra ngày 10/7/1942 có bài Từ 11 đến 18 Juillet 1942 - Ý nghĩa cuộc triển lãm sách báo Việt Nam trình bày về sự ít đổi mới của xuất bản, báo chí cũng như tác giả nước nhà. Bởi vậy, việc nhà sách Nguyễn Khánh Đàm tổ chức sự kiện chưa từng có lại càng ý nghĩa: “Thật là một cuộc triển lãm có ý nghĩa biễu [biểu] được một cái đặc tính của nhơn sỉ [sĩ] lục châu vậy”.
|
Ảnh chân dung nhiều văn nhân, thi sĩ được treo tại triển lãm |
16g chiều thứ Bảy, tức ngày 11/7, triển lãm được mở. Tham dự cuộc khai mạc do Sở Tuyên truyền Nam Kỳ bảo trợ là những gương mặt chức sắc trong chính quyền. Nhiều gương mặt tiếng tăm người Việt cũng tham dự như Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh), Trương Vĩnh Tống… Từ ngoài Bắc xa xôi, nhiều văn nhân, thi sĩ cũng xuôi Nam tham dự như Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân, nhà văn Nguyễn Đình Lạp, Trương Tửu… Dân báo số 917, ra ngày 13/7/1936 thông tin.
Không khí cuộc triển lãm là cuộc hồi cố từ hiện tại về quá khứ, hương trầm tỏa ngát “đưa các quan khách nhẹ nhàng dạo quanh những tủ và bàn chứa đầy những món ăn của tinh thần mà mấy tối hôm trước những người trong nhà sách vẫn phải thức sáng đêm để xếp đặt và trình bầy cho thực có vẻ mỹ quan và thứ tự” - theo lời sách Lịch trình tiến hóa sách báo Quốc ngữ (Qua cuộc triển lãm sách báo mở tại Saigon ngày 11 Juillet 1942 tại nhà sách Nguyễn Khánh Đàm).
Tại tầng trệt, cuộc triển lãm trưng bày nhiều bản sách quý hiếm của nhiều tác giả có tiếng trong nước. Nhật báo Sài Gòn số 15.018, ra ngày 13/7/1936 cho biết, tại đây “bày sách và tự điển, người ta thấy đũ [đủ] các thứ sách quý tưởng không còn thể tìm đâu thấy. Những bộ sách rất xưa, in từ năm 1805, cũng còn có đủ. Ta còn được thấy đũ [đủ] bộ cũa [của] thi sĩ Tản Đà, tất cã [cả] sự nghiệp trứ tác của nhà thi sĩ thân yêu” từ cuốn Khối tình con in lần đầu tiên, cho đến tác phẩm Liêu trai chí dị là bản dịch cuối cùng được in khi thi sĩ còn sống. Những cuốn sách xưa quý hiếm, được sách Lịch trình tiến hóa sách báo Quốc ngữ điểm tên gồm Pháp Việt tự điển của Trương Vĩnh Ký, Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Của trước đây, cho đến Hán Việt từ điển, Pháp Việt từ điển, Việt Nam từ điển mới in không lâu.
|
Sách Phụ nữ dự [giữ] gia đình của Đạm Phương |
Chính giữa phòng trưng bày nhiều sách quý, sách đẹp in trên các chất giấy khác nhau bằng giấy lụa dó của Việt Nam chất lượng tốt, bền và không mọt, có thể so sánh được với giấy Impérial à la cuve của Nhật. Một tủ khác lại bày sự nghiệp của Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Một bên là bút tích của Trương Vĩnh Ký - “người đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng ngôi nhà văn học Việt Nam hiện đại”, theo lời Dân báo số 917. Sài Gòn số 15.018 chép: “Bên phía tủ trong, người ta thấy những sách về Nguyễn Du, nhửng [những] cuốn Kiều xưa và nay, có những cuốn in ỡ [ở] bên Paris từ hồi 1906 đến giờ hảy [hãy] còn giữ đủ được. Lại có những bản Kiều chữ Nôm in bằng tay, rất củ [cũ]”.
Triển lãm trưng bày cả những bản thảo viết tay của nhiều tác giả, cho người thưởng lãm thấy được sự khổ cực của những người theo nghiệp viết lách, phụng sự xã hội.
|
Chân dung Tương Phố in trong sách Nhà văn hiện đại, quyển nhất của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1942 |
Ghi nhận công lao, vị trí văn thi sĩ nữ
Cũng tại triển lãm, trên gác là chân dung những gương mặt có ảnh hưởng đối với sự phát triển văn học, văn hóa Việt được treo trang trọng, gồm khoảng 200 văn nhân, thi sĩ. Theo Lịch trình tiến hóa sách báo Quốc ngữ “đó là những hình ảnh đẹp nhất của nền văn học và mỹ thuật Việt Nam qua các thời đại mà nhà tổ chức đã có dụng ý chia ra làm nhiều lớp”.
Ngoài hình chân dung Trương Vĩnh Ký phóng to, là những tên tuổi của lớp thứ nhất như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Phan Thanh Giản. “Cụ nào cũng nặng lòng với văn học Việt Nam ngõ hầu đem lại cho lớp người đi sau chúng ta đây những áng văn bất hủ” - Lịch trình tiến hóa sách báo Quốc ngữ ghi nhận.
Ảnh chân dung của thế hệ thứ ba là những văn thi sĩ viết Quốc ngữ theo văn pháp Âu Tây như Hoàng Tích Chu, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Triệu Luật, Đông Hồ, Tam Lang. Giữa hằng hà sa số gương mặt nam nhân, vinh dự thay khi Tương Phố, Đạm Phương nữ sử là 2 nữ sĩ được tôn vinh, góp mặt trong hàng văn thi sĩ tại triển lãm này, cho thấy tiếng nói của nữ giới trên trường văn trận bút được ghi nhận.
|
Bài thơ Giọt lệ thu đăng trên Nam Phong tạp chí số 131 |
Việc này phải lắm bởi bà Đạm Phương làm báo, tác giả những tiểu thuyết Kim Tú Cầu (1928), Hồng phấn tương tri (1929) và sách Giáo dục nhi đồng (1929), Phụ nữ dự [giữ] gia đình (1929)… là người không chỉ có tiếng nói trên đường văn nghệ mà còn là Chánh hội trưởng Hội Nữ công Huế; Tương Phố Đỗ Thị Đàm nổi tiếng với nhiều thi phẩm trên báo chí, đặc biệt là Giọt lệ thu trên Nam Phong tạp chí số 131, tháng 7/1928 làm sôi nổi làng thơ một dạo. “Thơ của Tương Phố là những lời tự tâm can, nên réo rắt và cảm người ta một cách lạ” - Vũ Ngọc Phan đã bình về thơ bà như thế trong Nhà văn hiện đại, xuất bản tháng 8/1942 chỉ sau khi triển lãm 1 tháng.
Sau nữa là lớp những nhà văn mới “có hoài bão đưa quốc văn đến chỗ toàn chân toàn mỹ”: Thiếu Sơn, Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, Nhất Linh, Lan Khai, Thạch Lam, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng… Ngoài ra, còn có ảnh một số họa sĩ “đã làm rạng rỡ nền mỹ thuật Việt Nam không ít”: Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị…
Cũng tại nơi trưng bày chân dung các văn thi sĩ, những tờ báo thuở ban đầu của báo chí nước Việt được giới thiệu đến khách tham quan. Từ Gia Định báo, Đại Nam đồng văn nhật báo, Nam Phong tạp chí, Lục tỉnh Tân văn… cho đến những báo về sau như Đông Pháp, Sài Gòn, Tin Mới, Dân báo… “Tự đó đến nay, một thế kỷ chưa qua mà nghề báo của ta tiến bộ được như bây giờ - in đẹp, trình bầy khả quan, lại có ảnh chụp, tranh vẽ - thiết tưởng đó cũng là một sự đáng mừng cho dân ta vậy” - sách Lịch trình tiến hóa sách báo Quốc ngữ kết luận.
|
Tiểu thuyết Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử |
Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, cuộc triển lãm sách báo được tổ chức trang trọng. Vì thế, nó mang ý nghĩa rất đáng ghi nhận trong lịch sử phát triển của hoạt động xuất bản, báo chí: “Ngày thứ bảy vừa qua là một ngày đáng ghi trong lịch sữ [sử] văn học của thũ [thủ] đô miền Nam. Chúng tôi nói đáng ghi, vì thật quả từ trước tới nay, thành phố Saigon chưa bao giờ được sống trong một bầu không khí văn chương như thế” - Dân báo số 917 ghi.
Để tổ chức được một sự kiện, chủ nhân triển lãm Nguyễn Khánh Đàm đã phải vượt qua nhiều khó khăn khi ông tỏ đôi lời trong sách Lịch trình tiến hóa sách báo Quốc ngữ. Nào phải dò tìm địa chỉ, manh mối các văn thi sĩ để liên lạc, rồi sưu tầm sách báo, xin ảnh chân dung… Người vui lòng, người e ngại. Rồi dự định thực hiện cuộc triển lãm năm Tân Tỵ (1941) nhưng đành phải lùi lại 1 năm sau mới thành hiện thực.
Trên hết, cuộc triển lãm đã thành công mỹ mãn. “Tuần lễ triển lãm mở cửa ngày 11 Juillet 1942 có được một kết quả khả quan ngoài sự ước mong của chúng tôi. Nhiều vị trí thức, nhiều nhà học giả, nhiều khách văn chương đã khuyến khích tưởng lệ chúng tôi, chúng tôi không biết lấy gì mà đáp lại, chỉ nguyện xin làm việc hơn lên để chờ một cuộc triển lãm khác to hơn”.
Bài và ảnh: Trần Đình Ba