"2 năm vẫn chưa trang bị được 1 phòng máy vi tính cho trường"

15/09/2022 - 21:53

PNO - Thực trạng được huyện Hóc Môn nêu với Đoàn ĐBQH TPHCM trong buổi làm việc về tình hình thực hiện NQ số 88 và NQ số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022 chiều 15/9.

 

Huyện Hóc Môn gặp khó khăn trang bị phòng máy vi tính do vướng đấu thầu mua sắm tập trung
Huyện Hóc Môn gặp khó khăn trong trang bị phòng máy vi tính do vướng đấu thầu mua sắm tập trung

Báo cáo với đoàn, cô Võ Thị Đào - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Hồng Đào - cho biết đối với việc thực hiện đề án tin học theo chuẩn quốc tế tại TPHCM thì phòng máy của trường chưa đáp ứng đủ. Hiện với hai phòng máy, để dạy chương trình chính khóa phải sắp xếp từ thứ Hai đến thứ Bảy. Do vậy, nếu thực hiện đề án thì phải tổ chức vào chiều thứ Bảy và sáng Chủ nhật. 

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn - cho hay, khó nhất hiện nay trong việc trang bị máy tính cho các nhà trường là phải thực hiện mua sắm đấu thầu tập trung. Mỗi lần đấu thầu thì rất lâu, hai năm vẫn chưa trang bị được một phòng máy. Trong khi đó, Thông tư số 37 của Bộ GD-ĐT nêu rõ máy tính là thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học khi từ năm lớp 3, tin học là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. 

Để gỡ khó, theo ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, giải pháp huyện đưa ra là vận dụng dự án đầu tư xây dựng trường học có các gói thấu đã chuẩn bị (thường các trường mới nhu cầu sử dụng chưa nhiều) nên huyện sẽ điều phối thiết bị đó về các trường khác. Trong giai đoạn hai năm sẽ tiếp tục đăng ký để khi đã được đấu giá rồi thì lấy đó để bù đắp về các trường mới. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán đủ máy tính cho các trường học.

Ngoài ra, máy tính rất mau lỗi thời, giai đoạn hiện nay khó khăn quá, huyện sẽ xem xét việc thuê để vừa đảm bảo có trang thiết bị, vừa không lãng phí về nguồn lực đầu tư. 

UBND huyện Hóc Môn kiến nghị HĐND TPHCM, UBND TPHCM việc mua sắm máy tính phục vụ Chương trình GDPT 2018 không nên đấu thầu tập trung mà nên phân quyền để từng địa phương giao cho các trường chủ động tự đấu thầu nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình GDPT 2018 và thuận tiện trong việc lựa chọn cấu hình phù hợp với mục tiêu Chương trình. 

"Về lâu dài, kiến nghị các quy định của Bộ GD-ĐT về đầu tư trang thiết bị cần phải đi kèm cùng các quy định về thể chế để làm sao rút ngắn thời gian đấu giá, đấu thầu để nâng cấp trang thiết bị. Đồng thời có cơ chế thí điểm cho phép thuê các sản phẩm, hợp tác để nâng cao hiệu quả giáo dục", ông Dương Hồng Thắng kiến nghị.

Theo quy định, máy tính là 1 trong 3 thiết bị phải thực hiện đấu thầu mua sắm tập trung
Theo quy định, máy tính là 1 trong 3 thiết bị phải thực hiện đấu thầu mua sắm tập trung

Cũng liên quan đến đề án sử dụng tài sản công, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết huyện đã yêu cầu các đơn vị sự nghiệp lập đề án báo cáo về thành phố để phê duyệt, sử dụng. Tuy nhiên, hai năm nay hầu như chưa có đơn vị nào được duyệt. "Cái này rất nguy hiểm cho các đơn vị sự nghiệp vì hiện nay chưa được phê duyệt, nếu sau này các khoản thu không đúng quy định thì sẽ bị quyết toán, thậm chí bị kỷ luật. Không có bãi giữ xe, căng-tin thì ảnh hưởng rất lớn. Kiến nghị Sở Tài chính đề xuất thành phố phân cấp việc này cho các quận huyện phê duyệt phương án, đề án liên kết liên doanh sử dụng tài sản công", ông nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM - thông tin, nguyên tắc mua sắm tập trung là khi sử dụng tiền ngân sách mua sắm thì đều phải đấu thầu. Hiện TPHCM có 3 thiết bị phải đấu thầu là máy lạnh, máy tính, máy phô-tô.

Dù vậy, trước những bất cập hiện nay với việc mua sắm tập trung máy tính gây khó cho các trường trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết rất ủng hộ với đề xuất của huyện Hóc Môn trong việc phân quyền để từng địa phương giao cho các trường chủ động tự đấu thầu nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình. Tuy nhiên, Nghị định số 151 của Chính phủ quy định mỗi địa phương chỉ được một đơn vị mua sắm. "Hiện nay, chúng tôi mới ủy quyền cho TP. Thủ Đức được mua sắm vì đây là TP với 3 quận sáp nhập lại nên nhu cầu mua sắm rất lớn, thế nhưng trên thực tế cũng vẫn còn vướng Nghị định 151, khó thực hiện", bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI