2 năm khó nhọc của giáo viên nước ngoài ở Việt Nam

22/03/2022 - 06:24

PNO - Thầy giáo người Anh Wayne Worrell không quên được ngày 29/1/2020 khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được thông báo. Kể từ ngày đó, những giáo viên nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, sinh hoạt.

Phải vay mượn tiền để trang trải

Ông Wayne Worrell chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với giáo viên người nước ngoài trong hai năm qua: “Chúng tôi chờ đợi thông báo mở cửa lại trường học, nhưng hết tuần này tới tuần khác, chúng tôi chỉ nghe thông báo “hãy đợi thêm thông báo mới tùy theo tình hình”. Mất thu nhập không chỉ là vấn đề duy nhất của tôi. Ba đứa con trai tôi còn nhỏ - lớn nhất bốn tuổi, nhỏ nhất ba tuổi - cũng không được đến nhà trẻ. Dùng tiền để dành mãi cũng đến lúc hết, khoản để dành cho lúc về hưu cũng không còn”.

Ông Wayne Worrell
Ông Wayne Worrell

Lúc ông không còn ngóng chờ thông báo nữa cũng chính là lúc tinh thần ông xuống thấp nhất. Sợ ảnh hưởng tới các con, ông lao vào dịch tin tức tiếng Việt sang tiếng Anh để chia sẻ với cộng đồng người ngoại quốc ở Việt Nam. Nhờ đó, tinh thần ông nhẹ nhàng hơn. Cuối năm 2020, ông lại đến trường dạy, còn con ông quay lại nhà trẻ. Nhưng khoảng thời gian này không kéo dài được lâu. Đầu tháng 5/2021, cha con ông lại phải quay về nhà tránh dịch, trường học lại đóng cửa, thu nhập của ông không còn. Gia đình ông xuống tinh thần. Bán nhiều tài sản trong nhà cũng không đủ bù chi phí, họ dọn vào căn hộ nhỏ hơn. 

“Gia đình tôi có quá nhiều mối lo. Con trai lớn tôi giờ đã sáu tuổi rồi. Ngày đầu tiên vào lớp Một, cháu mặc áo sơ mi trắng ngồi trước màn hình. Cháu gặp khó khăn vì biết ít tiếng Việt mà phải học trực tuyến. Cộng với thiếu thốn hằng ngày nên hôn nhân của tôi cũng bị ảnh hưởng. Vợ chồng tôi ngại nói chuyện với nhau” - ông kể.

Cũng là giáo viên dạy tiếng Anh, anh Jerzy Kaczmarek - người Ba Lan - nói “mùa đông tồi tệ của giáo viên nước ngoài” chưa chấm dứt. Bắt đầu dạy tiếng Anh vào năm 2010, công việc đã giữ chàng họa sĩ đồ họa này lại Việt Nam. Anh chỉ có vài lớp dạy trực tuyến từ năm ngoái, khi Việt Nam giãn cách xã hội kéo dài. Do dạy trực tuyến nên anh chỉ nhận được 50% học phí mỗi lớp. Trong thời gian dài, anh đã xài hết tiền để dành. 

“Khi hết tiền để dành, tôi phải vay mượn để trả tiền thuê nhà. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa trả nợ xong. Nếu người Việt không tốt bụng thường xuyên tiếp tế thức ăn, tôi cũng chẳng có gì cho vào bụng” - anh Jerzy chia sẻ. Hiện nay, các lớp tiếng Anh đã chi trả đầy đủ tiền lương theo giờ dạy nhưng số lớp chưa trở lại nhiều như xưa. Thiếu lớp dạy nên Jerzy phải bán những bức tranh mà mình sáng tác để tiếp tục cầm cự.

Chỉ mong trường mở cửa

Là giáo viên tiếng Anh ở TPHCM hơn 5 năm, cô giáo Zhane Quitara - người Philippines - ước tính hiện nay chỉ còn 70% trung tâm Anh ngữ hoạt động. Các trung tâm lớn cũng giảm số chi nhánh. Vừa theo học chương trình tiến sĩ, vừa đi dạy tiếng Anh, cô Zhane cũng đã trải qua hơn một năm rảnh rỗi bất đắc dĩ. Trở lại Việt Nam cuối năm 2020 từ Philippines, cô cứ nghĩ tình hình sẽ đỡ hơn ở quê nhà, nhưng từ tháng 5 - 9/2021, cô chỉ có vài lớp dạy trực tuyến và nhận thù lao từ học phí các lớp này chứ không được trả lương. Cô phải mở thêm các lớp trực tuyến riêng để kiếm sống, thậm chí mở thêm lớp dạy đánh tennis. 

Cô giáo dạy tiếng Anh - Zhane Quitara
Cô giáo dạy tiếng Anh - Zhane Quitara

Cô chia sẻ: “Tôi biết rằng từ khi có dịch COVID-19, ai cũng khó khăn. Trung tâm phải đóng cửa, giải pháp học trực tuyến cũng không được đón nhận nhiều. Khi thu nhập của phụ huynh sút giảm thì họ cũng hạn chế bớt chi phí. Tôi hoàn toàn tôn trọng các lý do mà trường học hay trung tâm phải cắt giảm lương giáo viên. Nhưng một số trung tâm lại lấy lý do này để quỵt lương giáo viên ngay cả trong tháng có học viên. Số phận nhiều giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh rất điêu đứng vì những trung tâm như vậy”. Nhiều giáo viên người nước ngoài đã rời Việt Nam. Cô Zhane đã phải chia tay với nhiều người bạn nước ngoài.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 80% số trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM phải đóng cửa, ngưng hoạt động, giải thể. Không còn chỗ làm, nhiều giáo viên người nước ngoài đã mở lớp trực tuyến để dạy tại nhà, một số liên kết với người Việt để mở trung tâm siêu nhỏ. Điều này dẫn đến việc ra đời những trung tâm không phép, kém chất lượng.

Trước đây, thị trường dạy ngoại ngữ ở Việt Nam chia ra ba cấp độ giáo viên nước ngoài phù hợp với từng loại trung tâm. Các trung tâm và trường ngoại ngữ uy tín chỉ tuyển giáo viên có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh và kinh nghiệm hoặc giáo viên là người bản ngữ có bằng đại học. Do nhu cầu của người học cao nên nhiều trung tâm tuyển giáo viên không bằng cấp, đôi khi chỉ là người biết nói tiếng Anh. Những người này thường là khách du lịch nhưng thấy công việc kiếm tiền quá dễ nên gia hạn hộ chiếu du lịch thường xuyên để ở lại Việt Nam dạy tiếng Anh. Khi Việt Nam hạn chế xuất nhập cảnh để phòng, chống dịch, các đối tượng “Tây ba lô” khó tìm việc như trước kia vì họ không thể ở lại Việt Nam với hộ chiếu du lịch. Quá trình chống dịch ở Việt Nam vô tình đã giúp thị trường sàng lọc giáo viên có chất lượng thấp. 

Nghề dạy tiếng Anh từng thu hút nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Hiện nay, không ít trong số họ đã trở về nước. Những người ở lại như ông Wayne chỉ mong trường mở cửa trở lại bình thường để giáo viên tìm lại được thu nhập, trẻ con được đến trường học với bạn bè. Việc để trẻ thui thủi ở nhà hoài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của chúng. “Rất nhiều người nói rằng, du lịch có thể mở cửa, tại sao lớp học cho trẻ em lại không. Tôi cũng có thắc mắc tương tự” - ông nói. 

Mỹ Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI